Thứ năm, 25/04/2024 14:30 (GMT+7)

Cần những chính sách cụ thể để hướng đến con em công nhân ở các khu công nghiệp

MTĐT -  Thứ sáu, 19/08/2022 14:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều 18/8, Đoàn làm việc của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi giám sát "việc thực hiện chính sách pháp luật đối với giáo dục mầm non tại khu công nghiệp - khu chế xuất trên địa bàn TPHCM.

Tại buổi giám sát, các đại biểu cho rằng Thành phố cần có những chính sách cụ thể để hướng đến "đối tượng đích" là con em công nhân ở các khu công nghiệp.

TPHCM hàng năm tăng gần 10.000 trẻ mầm non, việc khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình trường lớp mầm non nhất là mầm non ngoài công lập luôn được Thành phố quan tâm, tạo điều kiện nhằm giảm bớt áp lực cho các trường công lập. Tính đến cuối năm học 2021-2022 toàn Thành phố có 3.112 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 468 trường công lập, 883 trường ngoài công lập, 1.761 nhóm lớp độc lập. Các cơ sở này phục vụ cho hơn 300.000 trẻ với hơn 25.900 giáo viên.

 Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố phát biểu tại buổi giám sát
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại buổi giám sát.

TPHCM hiện có 16 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động tập trung tại Thành phố Thủ Đức và các quận 7, 12, Tân Phú, Bình Tân và huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè. Tại các địa phương này có 776 trường mầm non và 1.177 nhóm, lớp độc lập tư thục. Gần 84.000/142.000 trẻ được học tập tại các trường ngoài công lập, tỷ lệ gần 59%.

Riêng với các khu chế xuất, khu công nghiệp, Thành phố hiện có 24 trường mầm non nằm trong khu chế xuất khu công nghiệp và khu liền kề, phục vụ cho 16 khu chế xuất.

Thời gian qua, ngoài các chính sách chung của cả nước như hỗ trợ kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ 160.000 đồng/tháng/con em công nhân trên địa bàn, hỗ trợ giáo viên mầm non làm việc ở khu chế xuất, khu công nghiệp 800.000 đồng/tháng. TPHCM cũng thí điểm giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng và triển khai rộng khắp các quận huyện; Giữ trẻ ngoài giờ tại các khu chế xuất khu nông nghiệp. Nghị quyết 01 của HĐND Thành phố cũng đã hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho gần 5.000 cán bộ quản lý, giáo viên của các cơ sở mầm non ngoài công lập với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng. Ngoài ra, Thành phố còn xây dựng chế độ ưu đãi đặc biệt với giáo viên mầm non lên đến 70%, tương đương chế độ cho giáo viên ở trường chuyên biệt. Giáo viên mới ra trường năm đầu tiên được hỗ trợ 1 tháng lương, năm thứ 2 được hỗ trợ 70% tháng lương, năm thứ 3 là 50% lương.

Ông Lê Hoài Nam thông tin: "Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế đều quy định cụ thể không có dân cư sinh sống. Do đó, các khu công nghiệp, khu chế xuất đã hình thành và được Bộ Xây dựng phê duyệt đều không có quỹ đất để xây dựng các công trình phục vụ tiện ích người lao động. Vì thế, việc tìm quỹ đất để xây dựng trường mầm non rất khó khăn. Địa bàn có khu chế xuất, khu công nghiệp dân số cơ học tăng nhanh và luôn biến động, chủ yếu là dân nhập cư nên nhu cầu gửi trẻ từ 6 tháng tuổi rất cao".

TPHCM có tỷ lệ trẻ được nuôi giữ ngoài công lập rất lớn. Tại các khu chế xuất trên địa bàn Thành phố có tổng hơn 278.000 lao động, trong đó hơn 50% là lao động nữ. Gửi con ngoài giờ để làm việc theo ca kíp là nhu cầu thực tế của nhiều công nhân. Vì vậy, các mô hình nhóm lớp độc lập, nhóm trẻ gia đình, trường mầm non ngoài công lập khá lớn. Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng TPHCM có đặc thù là tỷ trọng giáo dục ngoài công lập rất lớn, không chỉ ở mầm non mà còn ở cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo vừa qua được phép tái lập phòng Giáo dục ngoài công lập, để chuyên về quản lý nhóm cơ sở giáo dục này. TPHCM thực sự rất quan tâm chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục khẳng định giai cấp công nhân có vai trò rất lớn trong quá trình phát triển. Nguồn thu từ 16 khu công nghiệp, khu chế xuất có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ công nhân. Tuy nhiên, hiện nay con em công nhân đang được học tại các trường công lập ít hơn so với các cơ sở ngoài công lập.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng quy trình đầu tư các cơ sở giáo dục ngoài công lập ở bậc phổ thông và bậc mầm non dường như khác nhau. Ở khối phổ thông trường ngoài công lập được đầu tư chất lượng thu hút con em gia đình có điều kiện, còn khối mầm non, trường ngoài công lập lại thu hút con em công nhân do giờ giấc phù hợp... Bà Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị: "Trong thời gian tới, chúng tôi mong là Thành phố tiếp tục có những chính sách cụ thể hơn cho giáo dục mầm non khu chế xuất, khu công nghiệp, làm sao chính sách đến được "đối tượng đích" là con em công nhân ở các khu công nghiệp"./.

Bạn đang đọc bài viết Cần những chính sách cụ thể để hướng đến con em công nhân ở các khu công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Tuyết Nhung/VOH

Cùng chuyên mục

Tin mới

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.