Thứ tư, 24/04/2024 02:15 (GMT+7)

Cần phải có biện pháp mạnh với bạo lực học đường

MTĐT -  Thứ sáu, 05/04/2019 15:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ năm 2018 đến nay, hàng loạt vụ bạo lực học đường nghiêm trọng xảy ra gây phẫn nộ dư luận xã hội khiến nhiều lần Bộ Giáo dục - Đào tạo phải ra văn bản yêu cầu xử lý nghiêm và rút kinh nghiệm.

I. SỰ VÔ CẢM DUNG DƯỠNG BẠO LỰC


Bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng: Từ năm 2018 đến nay, hàng loạt vụ bạo lực học đường nghiêm trọng xảy ra gây phẫn nộ dư luận xã hội khiến nhiều lần Bộ Giáo dục - Đào tạo phải ra văn bản yêu cầu xử lý nghiêm và rút kinh nghiệm.
Đầu tháng 3/2018, vụ giáo viên phạt học sinh ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An khiến dư luận xôn xao. Chưa hết, ngay sau đó là sự việc phụ huynh bắt giáo viên quỳ để xin lỗi phụ huynh rồi đến vụ việc giáo viên bóp cổ học sinh tại Bến Tre. Cũng trong tháng 3/2018, tại tỉnh Nghệ An xảy ra 2 vụ việc liên quan đến bạo hành giáo viên. Vụ thứ nhất, một thầy giáo ở trường THCS Tân Thành (huyện Yên Thành) bị người nhà học sinh đánh dập sống mũi phải nhập viện điều trị. Ngay sau đó ít hôm, một giáo sinh tại trường Mầm non ở TP Vinh lại bị người nhà học sinh hành hung đến dọa sẩy thai…

Bạo lực học đường trước hết là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, gây nên những tổn thương tinh thần cũng như thể xác cho người khác trong phạm vi trường học


Vụ việc giáo viên im lặng khi vào lớp giảng dạy suốt hơn 1 học kỳ tại TP Hồ Chí Minh một lần nữa khiến dư luận dậy sóng. Theo các chuyên gia giáo dục, đây là hình thức giáo viên bạo lực tâm lý đối với học sinh.
Tháng 11/2018, tại Quảng Bình, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh) yêu cầu 23 bạn cùng lớp tát mỗi người 10 cái vào má một nam sinh bởi em này nói tục. Trong bản tường trình của cô Thủy thừa nhận đã sai phạm, giải thích việc đặt ra hình phạt tát do áp lực thi đua. Đầu tháng 3/2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định khởi tố bị can.
Vụ bắt tạm giam 6 nam sinh THPT trên địa bàn huyện để điều tra việc hiếp dâm tập thể đối với nữ sinh lớp 10 xảy ra tại trường cấp III Triệu Phong - Quảng Trị.
Vụ nữ sinh Nguyễn Thị H.Y (lớp 9, trường THCS Phù Ủng, H. Ân Thi, Hưng Yên) bị nhóm bạn bạo hành dã man ngay tại lớp hoc càng thấy nhiều mảng tối nhức buốt của ngành GD-ĐT.
Theo báo Thanh niên ngày 3/4/2019 đưa tin, ngày 29/3/2019 cô giáo Nguyễn Thị Thu Hoa (ở Bà Rịa - Vũng Tàu) đã dùng cây thước đánh 22 em học sinh lớp 8A mỗi em từ 3-10 thước làm cho các em bị bầm tím chân tay vì mất trật tự trong lớp.
Hành vi bạo lực học đường có những dấu hiệu nghiêm trọng, nhưng đáng lo ngại hơn còn là sự vô cảm, thờ ơ của nhà trường, ngành giáo dục trong cách xử lý vấn đề.
Bưng bít thay vì xử lý: Vụ việc đã không dừng lại ở câu chuyện bạo lực học đường khi học sinh bị bắt nạt, giải quyết mâu thuẫn bằng tay chân. Dư luận xã hội dù không ngạc nhiên, nhưng vô cùng phẫn nộ khi thấy một bức tranh quá nhiều màu xám qua câu chuyện này. Đó là sự vô cảm, vô trách nhiệm; đó là căn bệnh thành tích trầm kha khi nhà trường chỉ lo bưng bít sự việc thay vì xử lý dứt điểm để bảo vệ học sinh, lo học sinh tàn ác với bạn bỏ dở mất kỳ thi vào lớp 10 nếu bị kỷ luật.
Đó còn là cách giáo viên chủ nhiệm thờ ơ khi biết học sinh của mình bị bắt nạn tàn bạo hết lần này đến lần khác chỉ vì em “hiền quá”; thờ ơ vì “lỗi” của em là không nói với cô… khiến dư luận thực sự rùng mình.
Đó là sự thiếu vắng đến đáng sợ chỗ dựa cho những học sinh có thiệt thòi về hoàn cảnh, trí tuệ. Nếu báo chí không vào cuộc, không lên tiếng kịp thời và gắt gao thì không ai dám chắc các bộ, ban, ngành vào cuộc quyết liệt như vậy bởi đúng một tuần nữ sinh bị bạo hành thì mới có dấu hiệu của “xử lý nghiêm”, có những công văn hỏa tốc, những cuộc thăm hỏi liên tiếp với em và gia đình trong 2 ngày. Người nhà của nữ sinh này, thậm chí đã phải thốt lên sau khi xem clip cháu mình bị đánh: “Nhà trường lừa chúng tôi” khi chủ trương xử lý vụ việc theo kiểu hòa giải tha thứ và rằng “chuyện trẻ con đánh nhau là … thường”.
Tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan việc nhóm nữ sinh đánh hội đồng, lột quần áo học sinh lớp 9 tại Hưng Yên hôm 31/3, cả Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng đều cho rằng, cần xem xét cách chức Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu nhà trường vì thiếu tinh thần trách nhiệm, xử lý “du di, xuê xoa”.
Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhận định: “Với vai trò là Hiệu trưởng, là GV chủ nhiệm, các thầy cô phải có trách nhiệm sát sao nắm bắt tâm tư nguyện vọng của HS. Nếu có trường hợp HS cá biệt phải kịp thời có biện pháp hỗ trợ. Các thầy cô cần phải quan tâm hơn nữa đến các em, kkhi thấy có dấu hiệu bất thường phải phối hợp với gia đình để có biện pháp giáo dục thích hợp”.

Sáng 31/3/2019, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi, động viên nữ sinh Y., khẳng định với gia đình em sẽ xử lý nghiêm vụ việc. Ảnh: N.S

Ông Nhạ cho biết bạo lực học đường đang có những diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bộ GD-ĐT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 80 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng chống bạo lực học đường cùng nhiều chính sách khác.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, Hội đường kỷ luật nhà trường xử lý một sự việc nghiêm trọng như vậy là chưa thỏa đáng, có phần du di, xuê xoa, không đủ sức răn đe.
Bộ trưởng đề nghị, “Ban Giám hiệu không hoàn hành nhiệm vụ thì xem xét cho thôi. Đây là bài học học không chỉ cho ngành giáo dục Hưng Yên mà là bài học chung cho cả nước”. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên điều tra làm rõ sự việc, sớm ổn định tình hình để các thầy cô chuyên tâm dạy học. Bộ trưởng đề nghị chính quyền địa phương, các thầy cô giáo quan tâm, thăm hỏi, động viên hỗ trợ tối đa để em Y sớm ổn định tâm lý, sớm trở lại học tập bình thường. Lãnh đạo địa phương, các nhà trường nhận thức sâu sắc về trách nhiệm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng, chống bạo lực học đường, có các giải pháp quyết liệt để không tái diễn các trường hợp tương tự.
Ông Nguyễn Văn Phóng - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng thừa nhận “Đây là sự việc rất đau lòng, làm ảnh hưởng danh dự, uy tín của ngành giáo dục”. Theo ông Phóng, đến thời điểm hiện tại, địa phương đã chỉ đạo Công an Tỉnh tăng cường lực lượng chuyên môn nghiệp vụ giỏi điều tra, làm rõ vụ việc. “Đối với Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu trường THCS Phù Ủng đề nghị xem xét làm quy trình xử lý cách chức, cách chức cả chi ủy nhà trường, cách chức tổng phụ trách đội, xem xét kỷ luật hội đồng kỷ luật nhà trường vì bao che, nương nhẹ. Xem xét trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm ở hình thức nặng hơn nữa vì không nắm được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm diễn biến của học sinh”.
Về các học sinh đánh bạn, ông Phóng yêu cầu, xem xét hạnh kiểm của những học sinh này và cả những em chứng kiến bạo hành mà không can ngăn, bênh vực.


II. VAI TRÒ CỦA GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM Ở ĐÂU?


TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, trong vụ việc ở Hưng Yên điều đáng lên án là cách hành xử của GV chủ nhiệm. Lẽ ra, GV chủ nhiệm phải là nhà giáo dục thực sự về đạo đức, hành vi, lẽ sống cho HS thì trong trường hợp này lại khiến sự việc trở lên trầm trọng hơn khi thờ ơ, che giấu cho hành động tàn bạo của HS với chính bạn mình. Điển hình như trường hợp ở Hưng Yên, nữ sinh bị bạo hành vốn yếu ớt lại càng sợ hãi hơn khi bị bắt nạt, đánh đập hết lần này đến lần khác, nhưng không tin tưởng GV của mình nên em đã không chia sẻ, tìm sự giúp đỡ.

Những hành vi bạo lực đó để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với mọi người

Chính vì vậy, theo TS Tùng Lâm, qua sự việc này, một lần nữa lại thấy lỗi của ngành GD-ĐT nói chung và từng nhà trường nói riêng, khi chưa coi trọng vai trò của người GV chủ nhiệm. Lẽ ra GV chủ nhiệm phải là nhân vật chính để giải quyết công tác giáo dục đạo đức cho HS nhưng thực tế không có sự bồi dưỡng, chọn lọc để sắp xếp ai xứng đáng làm GV chủ nhiệm.
Cô giáo H.T.T, giáo viên chủ nhiệm lớp 9, trường THCS Phù Ủng, cho biết, trên lớp Y rất ít nói, ít chơi với các bạn nên sự việc xảy ra, em không nói cho giáo viên cũng như gia đình để xử lý kịp thời. Cô chủ nhiệm cũng phủ nhận việc mình yêu cầu học sinh xóa clip để bao biện, che dấu mà chỉ dặn học sinh, sự việc đang trong quá trình điều tra nên các em không có những ánh nhìn, lời nói hay cử chỉ làm ảnh hưởng đến tinh thần của bạn.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, cách xử lý của giáo viên chủ nhiệm cũng như lãnh đạo trường, hội đồng kỷ luật như vậy là thờ ơ, vô trách nhiệm, thậm chí là muốn bưng bít sự việc. Khi học sinh H.Y bị đánh chiều 22/3, đến tận ngày 25/3 nhà trường mới tổ chức cuộc họp kỷ luật với sự có mặt của gia đình 5 học sinh tham gia đánh bạn, đại diện gia đình H.Y và nhà trường. Tại buổi làm việc hội đồng kỷ luật chỉ phạt đình chỉ học tập 4, 5 ngày đối với các học sinh tham gia đánh bạn.
Là một chuyên gia giáo dục toàn cầu, cô Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng nếu giáo viên chủ nhiệm của lớp 9A, nơi em N.T.H.Y đang theo học làm hết trách nhiệm và tình thương của cô thì chắc chắc trong lớp không bao giờ xảy ra những việc này. Vì những hành vi bắt nạt bạn trong lớp không phải bộc phát, nó tiềm ẩn từ lâu. “Đáng lý, khi sự việc diễn ra lần đầu tiên, cô phải biết và giáo dục học sinh ngay. Nhưng cô để con bị bắt nạt nhiều lần và đến lần này thì sự việc quá nghiêm trọng. Cô thiếu nhiều thứ quá, thiếu tình thương, thiếu cả phương pháp” - cô Quyên nhấn mạnh.
Theo cô Tô Thụy Diễm Quyên, những người như cô giáo chủ nhiệm kia không hiếm, chỉ biết “an toàn” cho bản thân mình, không dám nhận trách nhiệm, không nhìn thấy đó là trách nhiệm, không nhìn thấy đó là trách nhiệm của mình. Sự việc diễn ra nhiều lần trong lớp mà cô không biết, chứng tỏ cô quá kém về nghiệp vụ, thiếu trách nhiệm. Khi sự việc diễn ra lại thấy đó không phải lỗi của cô mà cô lại tìm cách bao biện, né tránh.
“Trong tất cả các ngành nghề, nghề giáo và nghề y có một điều kiện tiên quyết, đó là trái tim con người ngoài nghiệp vụ chuyên môn. Giáo dục không phải chỉ dạy chữ, mà dạy làm người.” cô Quyên nói.
Vậy có nên điều chuyển giáo viên chủ nhiệm này không? Cô Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng, điều chuyển là cách ứng xử không phải là giải pháp. “Tảng băng chìm” của giáo dục còn nghiêm trọng hơn rất nhiều so với phần nổi lên mà ta nhìn thấy. “Tảng băng chìm” ở đây là nền tảng đạo đức của những học sinh.
Những học sinh đánh bạn có tội một phần thì những học sinh đứng vỗ tay bên ngoài và quay phim phải có tội lớn hơn nhiều lần. Vì các em thấy chuyện đó là bình thường, không can thiệp. Những đứa trẻ này là sản phẩm lỗi của giáo dục. Sự ích kỷ và bỏ rơi đồng loại là hành vi còn thua cả loài vật. “Tất cả học sinh của lớp này không vô can trong câu chuyện đau lòng, khi mà người bị đánh từng thường xuyên bị bắt nạt. Tôi cho rằng không chỉ những đứa bé tham gia đánh bạn cần được giáo dục lại mà cả lớp cũng rất cần. Và đặc biệt giáo viên của lớp cũng cần xem lại và điều chỉnh nghiệp vụ sư phạm của mình bởi sự quan tâm, hiểu biết, phương pháp và tình yêu của giáo viên chủ nhiệm chưa đủ để cảm hóa, giáo dục, kiểm soát và điều chỉnh hành vi của học sinh.
Cô Vũ Thị Tuyết Nga, Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), là người có kinh nghiệm làm GV chủ nhiệm nhiều năm và ngày càng nhận ra vai trò đặc biệt quan trọng của GV chủ nhiệm trong việc giáo dục HS. Cô được biết tới với việc lập “hồ sơ tâm lý HS”, sử dụng phương pháp giáo dục cá thể hóa, hiểu cặn kẽ từng hoàn cảnh, từng tâm lý của HS do chính mình chủ nhiệm, chấp nhận sự khác biệt của mỗi em để có phương pháp giáo dục phù hợp.
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cũng cho rằng việc “dạy HS nên người”, chăm lo đến từng HS giúp cho mỗi trò đều tiến bộ, lấy chỉ số hạnh phúc của HS, sự tiến bộ của mỗi học trò chứ không phải thành tích làm thước đo chất lượng giáo dục của một nhà trường. HS đến trường không chỉ là để học mà chính là để sống, được sống và trái nghiệm cuộc sống thực trong suốt 12 năm ngồi trên ghế nhà trường của cuộc đời một con người.
Vai trò của Hiệu trưởng, người đứng đầu rất quan trọng. “Hiệu trưởng phải quan tâm và có giải pháp, phải có hỗ trợ thầy cô” - cô Quyên nói. Nghiêm trọng hơn, từ sự việc này, cô Quyên cho rằng, toàn bộ học sinh trong lớp 9A không có niềm tin vào giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn của mình nên không tố cáo hành vi của bạn. Thậm chí, ngay cả học sinh N.T.H.Y người bị các bạn bạo hành hơn 1 lần cũng không có niềm tin với các thầy cô giáo của mình nên âm thầm chịu đựng.


III. GIÁO DỤC GIÁ TRỊ SỐNG


TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP Hà Nội, đặt câu hỏi: “Tại sao đã có rất nhiều văn bản, rất nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề nhằm phòng ngừa nạn bạo lực học đường mà tình trạng này vẫn không giảm, thậm chí ngày càng nghiêm trọng, phức tạp hơn?”
Điều đó chứng tỏ các giải pháp chưa hiệu quả. Lâu nay chúng ta mới nói đến kỹ năng nhưng chưa nói đến giá trị sống. HS lớp 9 nhưng chưa nhận ra được các giá trị về đạo đức, lòng yêu thương, sự tôn trọng như thế là không được. Vì vậy sau sự việc này, không chỉ nhà trường nơi xảy ra sự việc mà tất cả các trường học khác cần phải xem lại tất cả các chương trình giáo dục đã hiệu quả hay chưa.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc Gia Hà Nội) cho rằng nguyên nhân ngoài xã hội và trong nhà trường liên quan nhau. Chúng ta đang sống trong thời đại mà có rất nhiều hình ảnh bạo lực được “bình thường hóa”, kể cả hình ảnh bạo lực của những anh hùng trên phim khiến giới trẻ cảm thấy bạo lực là bình thường. Đây là điều rất nguy hại.
“Chúng ta đã kêu gọi rất nhiều và có rất nhiều giải pháp cho bạo lực học đường nhưng tình hình không được cải thiện có lẽ vì một thực tế là chúng ta không nhất quán trong việc cách ly trẻ ra khỏi những chất liệu bạo lực vốn tồn tại đầy rẫy trong xã hội, nhà trường và gia đình” PGS Nam nói.
Theo PGS Nam, HS cần được giáo dục các giá trị cơ bản như yêu thương, tôn trọng, hợp tác và đoàn kết. Các kỹ năng như kiểm soát cảm xúc, xả stress chỉ là kỹ thuạt và nếu không có động cơ đúng đắn xuất phát từ các giá trị thì các em dù có kỹ năng cũng sẽ không sử dụng chúng.
Cả TS Lâm và PGS Nam đều cùng quan điểm cần có các chế tài pháp lý mạnh hơn với các vụ bạo hành gia đình, bạo lực với trẻ chứ không phải chỉ tổ chức hòa giải, rút kinh nghiệm là xong.


IV. CẦN CÓ BỘ PHẬN AN TOÀN TRƯỜNG HỌC


TS tâm lý học Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, một khảo sát cho thấy, có đến 37,89% học sinh bị bắt nạt ở trường chủ yếu như: nói xấu, tẩy chay, o bế thậm chí là bạo lực… “Tôi cho rằng với tình hình hiện nay, trong mỗi trường học cần có một bộ phận chịu trách nhiệm về an toàn trường học. Bộ phận đó sẽ đánh giá và theo dõi mọi học sinh có nguy cơ gây hấn hoặc bạo lực trong trường để có kế hoạch giáo dục và hỗ trợ.” TS Nam đề xuất.
Các biểu hiện tâm lý của nạn nhân là phản ứng thông thường của người bị rối loạn stress sau sang chấn với các biểu hiện rối loại cảm xúc (lo lắng sợ hãi quá độ, dễ khóc, dễ cáu bẳn); hành vi né tránh (thu mình, không muốn tiếp xúc hay vui chơi, không muốn quay lại trường nơi có thể kích hoạt lại hình ảnh bị đánh) và ký ức xâm nhập (với ác mộng về những hình ảnh bị bạn đánh đập).
Để giúp trẻ vượt qua các vấn đề của rối loạn stress sau sang chấn, đầu tiên gia đình và nhà trường cần cung cấp cho trẻ một môi trường an toàn (về cả thể chất và tâm lý). Cần cách ly trẻ khỏi bất cứ điều gì có thể kích hoạt lại cảm xúc hoảng loạn hoặc hình ảnh bị đánh đập. Sau đó cần mời những chuyên gia tâm lý.
TS Nam cho rằng với tình hình hiện nay, trong mỗi trường học cần có một bộ phận chịu trách nhiệm về an toàn trường học. Bộ phận đó sẽ đánh giá và theo dõi mọi học sinh có nguy cơ gây hấn hoặc bạo lực trong trường để có kế hoạch giáo dục và hỗ trợ. Cần có những chương trình phòng ngừa bạo lực học đường được tổ chức thường xuyên cung cấp các kỹ năng như giải quyết xung đột, quản lý cảm xúc tức giận và chiến lược ứng phó khi đối diện/chứng kiến bạo lực. Trong mỗi nhà trường cũng cần đưa ra luật không khoan nhượng với hành vi nguy hiểm như mang vũ khí đến trường, uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích và đánh nhau (như vụ việc trên). Nếu vi phạm những hành vi này sẽ bị đình chỉ học ít nhất 1 học kỳ. Bên cạnh đó nhà trường cần phối hợp với cơ quan an ninh khu vực để có thể nhận mọi cuộc gọi hoặc thông tin từ học sinh, nhà trường về những hành vi bạo lực học đường. Có chính sách để bảo vệ nhà trường thường xuyên kiểm tra các khu vực có thể xảy ra các vụ việc phức tạp.
Về phía học sinh phải yêu thương bản than, tôn trọng chính mình, phải chuẩn bị cho mình kỹ năng bảo vệ. Để bảo vệ chính mình, HS cần nhận ra rằng mình có giá trị của mình và không ai có quyền làm nhục, bạo lực hay dìm sâu, thiếu tôn trọng. Bảo vệ chính mình để phòng ngừa khỏi các nguy cơ bạo lực là biết yêu thương bản thân, biết tôn trọng chính mình để đảm bảo sự an toàn cho cơ thể, lành về tinh thần… Nói không với bạo lực ngay từ trong suy nghĩ nghĩa là ta biết thể hiện sự tự trọng và đang nhắc nhở mọi người phải có long tự trọng, biết tôn trọng nhau và cùng nhau ứng xử một cách nhân văn.
Trong trường hợp sắp bị tấn công, HS hãy thoát ngay tình huống bị bạo lực và không cam chịu, mau chóng tìm người hỗ trợ vì kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ là thanh công cụ cần thiết với chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Với dạng bạo lực về mặt thể chất, HS cần biết cách bảo vệ cơ thể (nhất là những vùng nguy hiểm, nhạy cảm). Khi xảy ra bạo lực này, HS phải tìm cách bỏ chạy thật nhanh trong sự cố gắng tối đa, đồng thời gây ra sự báo động bằng cách la hét, nhờ sự trợ giúp của mọi người xung quanh.
Bên cạnh đó cũng cần bình tĩnh, không nên phản kháng ngay hoặc quyết liệt sẽ dễ kích thích sự hăng máu của đối tượng.
Đó là những kỹ năng cần thiết học sinh cần phải chuẩn bị khi bị bạo lực.
“Trừng phạt đầu tiên là phải cho trẻ chuyển hóa, thứ hai là cho trẻ truyền đạt những suy nghĩ hiểu biết mới đến người đối diện, đến nạn nhân. Thứ ba, trẻ sẽ làm gì cho nạn nhân và rộng hơn cho cộng đồng. Ví dụ, những đứa trẻ đó trong tương lai sẽ đi nói chuyện tại những trường khác rằng tại sao không nên bắt nạt kẻ khác. Trong nhóm bắt nạt bao giờ cũng có một em có khuynh hướng lãnh đạo. Những em đó cần được học kỹ năng lãnh đạo để có cơ hội phát triển khả năng đó quay trở lại đóng góp cho cộng đồng” (TS. Nguyên Phương)

Còn đối với thầy cô giáo có hành động bạo lực với học sinh thì phải kiên quyết loại ra khỏi ngành vì những kẻ đó không xứng đáng là người đi dạy dỗ người khác.
Vấn đề chống bạo lực học đường là trách nhiệm toàn bộ xã hội như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ trách nhiệm: “Đây có phải vấn đề báo động không? Bộ Giáo dục và Đào tạo trách nhiệm ra làm sao cũng như các địa phương phải có biện pháp như thế nào? Các đoàn thể, cơ quan có chức năng trách nhiệm như thế nào trong vấn đề bạo lực học đường? Đừng để trở thành vấn đề rất lớn khiến nhân dân phẫn nộ. Cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn”./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Cần phải có biện pháp mạnh với bạo lực học đường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới