Thứ tư, 24/04/2024 20:52 (GMT+7)

Cần sớm hoàn thành trạm xử lý nước thải Phùng Xá

MTĐT -  Thứ bảy, 07/01/2017 09:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(phapluatmoitruong.vn) - Nhờ nghề dệt mà nhiều lao động ở xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức có việc làm, thu nhập ổn định. Nhưng cũng vì phát triển nghề nên môi trường ở đây ngày càng ô nhiễm. Trạm xử lý nước thải đã được đầu tư nhưng vì thiếu vốn nên nhiều năm nay công trình vẫn chưa hoàn thành.

Nước thải đe dọa môi trường

Xã Phùng Xá có nghề dệt khăn truyền thống, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động có thu nhập ổn định 3-5 triệu đồng/người/tháng và hiện có hơn 40 doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, sự phát triển của làng nghề cũng kéo theo tình trạng ô nhiễm không khí, tiếng ồn, đặc biệt là nguồn nước thải ra sông Đáy, đe dọa môi trường, sức khỏe con người…


Bà Nguyễn Thị Phú, ở thôn Hạ cho biết: Khi chưa bị ô nhiễm, sông Đáy là nguồn nước sinh hoạt, nơi mưu sinh của nhiều người dân. Mấy năm gần đây, nhiều đoạn sông chảy qua thôn, cứ 1-2 lần trong tháng, mặt sông nổi bọt trắng xóa, nước đổi màu, lúc thì đen kịt, lúc nâu sậm, đỏ quạch… Hàng trăm gia đình sinh sống ven bờ không chịu được mùi hôi thối của cá chết, hăng hắc của hóa chất… luôn phải đóng kín cửa hoặc đeo khẩu trang.

Theo kết quả phân tích của Hội Hóa học Việt Nam, thành phần nước thải của Ngành Dệt, nhuộm thường chứa các ion kim loại hòa tan, kim loại nặng rất khó phân hủy. Nếu nguồn nước này chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn mà thải ra ngoài thì có thể làm chết cá và các loại động vật sống dưới nước. Ngoài ra, các chất này còn thấm vào đất, ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm trong thời gian dài...

Lo ngại nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe, nhiều hộ dân sinh sống ven sông Đáy đã phải mua nước đóng bình để ăn uống. Bức xúc, người dân địa phương phản ánh đến nhiều nơi mong sớm được giải quyết; đồng thời kiến nghị không sử dụng nguồn nước thô từ sông Đáy cấp cho Nhà máy Nước sạch Đại Nghĩa.

Trạm xử lý chậm hoàn thành

Theo Bí thư Đảng ủy xã Phùng Xá Nguyễn Văn Kiên: Trước đây, do phát triển tự phát, nằm trong khu dân cư lại chưa có hệ thống xử lý nước thải nên hầu hết các hộ làm nghề dệt, nhuộm xả trực tiếp nước thải ra cống rãnh gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Để khắc phục, xã Phùng Xá đã xây dựng và ưu tiên đưa các hộ sản xuất lớn, làm nghề tẩy, nhuộm vào điểm tiểu thủ công nghiệp. Do khó khăn về kinh phí nên xã, huyện chưa thể xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Các hộ phải tự đầu tư xây dựng hệ thống xử lý theo cam kết về bảo vệ môi trường…

Tuy nhiên, khi kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 3/4 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực tẩy, nhuộm nguyên liệu, sản phẩm không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước do cơ quan có thẩm quyền cấp. Các cơ sở cũng chưa thực hiện việc lắp đặt đồng hồ theo dõi lưu lượng xả thải hoặc đã thực hiện nhưng không có nhật ký theo dõi… Cơ quan chức năng đã lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt gần 1,1 tỷ đồng.

Thực tế, năm 2013, huyện Mỹ Đức đã duyệt dự án xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề Phùng Xá, diện tích gần 2.400m2, công suất 500m3/ngày đêm, với tổng mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng. Đến tháng 4-2016, huyện Mỹ Đức đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, xây dựng xong toàn bộ hệ thống móng, tường rào, san nền, đường vào, rãnh thoát nước, móng nhà điều hành nhưng từ đó cho đến nay, công trình ngừng thi công. Nguyên nhân là do nguồn vốn hạn hẹp, ngân sách thành phố mới bố trí được 3 tỷ đồng…

Trong thời gian đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, huyện Mỹ Đức yêu cầu các cơ sở chỉ được hoạt động sản xuất khi nước thải xả ra môi trường đạt quy chuẩn cho phép. Đối với hai cơ sở hoạt động và đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải (Công ty TNHH Trường Thịnh và Công ty cổ phần Dệt may Trung Thu), huyện yêu cầu phải vận hành thường xuyên, định kỳ bảo dưỡng, bảo trì hệ thống xử lý nước thải bảo đảm nước thải từ hoạt động sản xuất được xử lý đạt quy chuẩn cho phép trước khi xả thải ra môi trường. Đối với Công ty TNHH Dệt Toàn Thắng, Công ty TNHH Thiên Hoàng Anh đang hoạt động nhưng chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải thì phải có biện pháp tạm thời xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi xả vào sông Đáy…

Trước tình hình trên, ngày 5-1-2017, huyện Mỹ Đức cho biết, đang bố trí vốn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các hạng mục công trình, sớm đưa hệ thống xử lý nước thải tập trung tại điểm tiểu thủ công nghiệp Phùng Xá vào hoạt động trong năm 2017. Khi công trình đi vào vận hành, vấn đề ô nhiễm tại Phùng Xá mới có hướng giải quyết triệt để.
Ý kiến:
 
Nhiều địa phương buông lỏng quản lý đê điều
Dọc tuyến đê hữu Hồng, Vân Cốc, đê bao Liên Trung, Ngọc Tảo, đê tả Đáy... thuộc các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Hoài Đức không chỉ có tác dụng ngăn nước sông mùa mưa lũ, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản và mùa màng cho người dân mà còn trở thành tuyến giao thông huyết mạch của nhiều địa phương. Thế nhưng, tình trạng chiếm dụng chân, mái và mặt đê để làm nơi kinh doanh đang là vấn nạn mà nhiều địa phương chưa xử lý dứt điểm được.

Tại địa phận xã Song Phương (Hoài Đức), đê tả Đáy đang bị người dân chiếm dụng làm nơi tập kết, buôn bán các loại tre, nứa, vật liệu xây dựng và lưu lượng xe ô tô tải vận chuyển hàng hóa qua lại hằng ngày rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của tuyến đê. Hay như tại tuyến đê hữu Hồng, qua địa bàn xã Tản Hồng (Ba Vì), mặt đê trở thành nơi... họp chợ của người dân địa phương. Các mặt hàng nông sản thực phẩm, rau quả được người dân bày tràn lan trên mặt đê, gây cản trở giao thông. Khi tan chợ, rác thải là vỏ quả, lá rau, túi ni lông... được vứt bừa bãi trên khắp mặt đê, rất mất vệ sinh và mỹ quan khu vực.

Việc chiếm dụng mặt đê, mái đê để kinh doanh rõ ràng là vi phạm Luật Đê điều, nhưng phải chăng chính quyền địa phương vẫn “ngó lơ”, để vi phạm nghiễm nhiên tồn tại? Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng cần tổ chức lực lượng ứng trực thường xuyên và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng các hộ dân, tiểu thương và người bán rong chiếm dụng mặt đê, mái đê để kinh doanh, họp chợ tồn tại ở nhiều địa phương như hiện nay.

Trần Thị Liên (Xã Phú Châu, huyện Ba Vì)
Theo HNM
Bạn đang đọc bài viết Cần sớm hoàn thành trạm xử lý nước thải Phùng Xá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.