Thứ ba, 23/04/2024 18:07 (GMT+7)

Cần sớm hoàn thiện phương án xử lý đối với dự án Đạm Ninh Bình và Nhà máy đóng tàu Dung Quất

MTĐT -  Thứ hai, 08/08/2022 09:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu đề xuất phương án xử lý khả thi để sớm hoàn thiện đề án báo cáo Bộ Chính trị đối với 2 dự án Đạm Ninh Bình và dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất.

Ngày 7/8, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, cho ý kiến về các phương án xử lý đối với dự án Đạm Ninh Bình và dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất - Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS).

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết trong 12 dự án kém hiệu quả của ngành công thương, Bộ Chính trị đã cho ý kiến đối với 5 dự án, còn lại 7 dự án. Trong số này, Ban Chỉ đạo đã họp cho ý kiến xử lý các dự án Đạm Hà Bắc, DAP2 Lào Cai, Nhà máy thép Việt Trung (Lào Cai).

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: "Đánh giá, dự báo tình hình sắp tới một cách thận trọng, đề xuất phương án xử lý khả thi để sớm hoàn thiện đề án báo cáo Bộ Chính trị đối với 2 dự án". Ảnh: VGP.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tham dự và chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: VGP.

Theo báo cáo tại cuộc họp, đối với dự án Đạm Ninh Bình, đến thời điểm này, dự án chưa hoàn thành quyết toán do một số vướng mắc trong thực hiện hợp đồng và vấn đề tài chính…

Từ khi đi vào hoạt động đến năm 2020, Nhà máy Đạm Ninh Bình liên tục thua lỗ (lỗ hơn 7.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng). Nguyên nhân là do tốc độ tăng giá của sản phẩm ure thấp hơn tốc độ tăng giá của nguyên liệu đầu vào (than).

Tuy nhiên, từ năm 2021, hoạt động của nhà máy đã có chuyển biến tích cực hơn, đạt doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 229% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 6 tháng năm 2022, doanh nghiệp đạt doanh thu hơn 2.500 tỷ đồng và đã có lãi 651 tỷ đồng.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đề xuất các phương án xử lý đối với dự án Đạm Ninh Bình: Tái cơ cấu nợ vay; phá sản doanh nghiệp; bán toàn bộ doanh nghiệp.

Đối với dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cho biết nhà máy được Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thành lập từ năm 2006, vốn điều lệ hơn 3.700 tỷ đồng và được chuyển về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào tháng 7/2010.

Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất.
Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất. Ảnh: Internet

Tại thời điểm bàn giao, Công ty DQS đã mất khả năng thanh toán, lâm vào tình trạng phá sản… Sau khi DQS chuyển về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVN đã đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng để hỗ trợ thanh toán các khoản nợ vay, tái cấu trúc cơ cấu tổ chức, tài chính, sản xuất… duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh thu của DQS đã tăng lên từng năm, giải quyết công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động.

Tuy nhiên, hiện nay, dự án DQS vẫn còn nhiều tồn tại như: Vẫn còn tranh chấp hợp đồng EPC, số nợ phải trả lớn, vốn chủ sở hữu âm… Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất ba phương án xử lý, gồm: bán đấu giá công ty, xử lý tài chính, tài sản; phá sản doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; tái cơ cấu lại hoạt động của DQS, tái cơ cấu tài chính, tài sản của doanh nghiệp…

Báo cáo cho rằng, phương án tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh và tiến tới tái cơ cấu hoạt động doanh nghiệp là phù hợp nhất.

Sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo phân tích, đánh giá, dự báo tình hình sắp tới một cách thận trọng, đề xuất phương án xử lý khả thi để sớm hoàn thiện đề án báo cáo Bộ Chính trị đối với 2 dự án trên.

Hoàng Mai (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Cần sớm hoàn thiện phương án xử lý đối với dự án Đạm Ninh Bình và Nhà máy đóng tàu Dung Quất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới