Thứ sáu, 29/03/2024 00:53 (GMT+7)

Cần tháo nút thắt trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng

Vũ Khoa -  Thứ sáu, 21/08/2020 16:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 diễn ra vào sáng 21/8 với nhiều chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Các công trình trọng điểm phải được quan tâm đúng mức

Hàng chục công trình của thành phố sẽ được hoàn thành và khởi công trong thời gian tới như nút Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên; mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; cầu vượt nút An Dương - đường Thanh Niên; hầm chui Lê Văn Lương…  để chào mừng Quốc khánh 2/9, ngày Giải phóng Thủ đô, Đại hội Đảng bộ thành phố và Đại hội Đảng toàn quốc.

Đây là những công trình nằm trong kế hoạch giải ngân vốn đầu tư cho 40.671 tỷ đồng năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ giao cho Hà Nội. Đến nay thành phố đã giải ngân được 49,6%. Với khối lượng chuẩn bị nghiệm thu thanh toán trong những ngày tới, dự kiến, tỷ lệ giải ngân sẽ đạt 53%.

Đánh giá cao sự tiến bộ trong công tác giải ngân so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhiều nơi thực hiện còn chậm, đây là nút thắt lớn cần phải tháo gỡ. Quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng, thanh quyết toán còn phức tạp, nhiều nơi cán bộ, công chức, chủ đầu tư, nhà thầu còn thiếu trách nhiệm... Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải nắm rõ tình hình tại các dự án, công trình trọng điểm đã giải quyết đến đâu, như thế nào.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu).

Đáp lại yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, thành phố Hà Nội sẽ quyết tâm thực hiện “nhiệm vụ kép”, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Bí thư Thành uỷ trực tiếp đi kiểm tra các công trình trọng điểm của thành phố.

Đồng thời, thành phố sẽ thành lập các tổ công tác do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng sẽ trực tiếp tháo gỡ tại công trường, dự án, xử lý ngay các vướng mắc; triển khai Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14, trong đó có một số nội dung có hiệu lực từ 15/8/2020 để đảm bảo các hoạt động đầu tư xây dựng không bị gián đoạn.

Hà Nội cũng đưa ra một số kiến nghị, trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm hướng dẫn về giải phóng mặt bằng theo hướng rút gọn; Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí vay vốn nước ngoài theo điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án tuyến đường sắt số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo để sớm về thủ tục điều chỉnh, phê duyệt tổng mức đầu tư.

Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Tài chính quan tâm chuẩn bị các nội dung ký hợp đồng với Hiệp định vay bổ sung 20 triệu Euro được kí cho tạm ứng gói thầu số 9 của đoạn đường sắt Nhổn Ga Hà Nội; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ sớm hướng dẫn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. 

Có thể nói, với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ và quyết tâm thực hiện của Hà Nội, trong thời gian tới, bộ mặt đô thị của thủ đô chắc chắn sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. 

Chấn chỉnh lãnh đạo 31 bộ, cơ quan Trung ương và 13 địa phương

TPHCM duy trì thường xuyên họp giao ban, công tác giải ngân, đầu tư công 2 tuần/lần. Thành phố lựa chọn một số dự án trọng điểm giải ngân thấp để thảo luận, giải quyết ngay cho tổ công tác liên ngành về đầu tư của thành phố. Định kỳ hoặc đột xuất sẽ kiểm tra tình hình thực hiện công tác giải ngân, quyết toán dự án của các chủ đầu tư bằng công khai danh sách các cơ quan, đơn vị chậm giải ngân.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đã thành lập 3 đoàn kiểm tra tiến độ triển khai và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Đến nay, đã thực hiện kiểm tra và chỉ đạo công tác giải ngân tại 19/30 địa phương, đơn vị. Việc rà soát, điều chuyển vốn sẽ được thực hiện thường xuyên từ nay đến cuối năm, nhằm phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, sau Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc tháng trước đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, có nhiều chuyển biến so với năm 2019 và đặc biệt là so với những tháng đầu năm 2020. Cho nên tháng 7 và 8 đã có chuyển biến đáng mừng ở phần lớn các địa phương và bộ, ngành.

Tuy tình hình giải ngân đầu tư công đã chuyển biến, nhưng Thủ tướng vẫn yêu cầu lãnh đạo của 31 bộ, cơ quan Trung ương và 13 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35% cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, đặc biệt là các địa phương và bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15% phải có biện pháp cụ thể, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân những tháng cuối năm.

Bạn đang đọc bài viết Cần tháo nút thắt trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.