Thứ năm, 28/03/2024 23:53 (GMT+7)

Cần thêm nhiều điểm giới thiệu sản phẩm OCOP

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ sáu, 27/11/2020 10:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Có bao bì, nhãn mác đẹp, chất lượng tốt, thông tin chỉ dẫn địa lý cụ thể, các sản phẩm OCOP của Hà Nội ngày càng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.

Để sản phẩm này đến gần hơn nữa với người tiêu dùng, thì việc tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố là hết sức cần thiết.

Gần 2.200 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên

Ngày 16/11, tại hội nghị đánh giá Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020 khu vực phía Nam, do Bộ NN & PTNT tổ chức tại An Giang, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, đến nay có 63/63 tỉnh, thành phố ban hành quyết định phê duyệt đề án, kế hoạch triển khai chương trình OCOP cấp tỉnh, có 48 tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng cho các sản phẩm, với 2.169 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trở lên, đạt hơn 90% mục tiêu của chương trình.

Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng có nhiều sản phẩm nhất với 712 sản phẩm (chiếm 32,8%); miền núi phía Bắc có 497 sản phẩm (22,9%), ĐBSCL có 375 sản phẩm (17,3%); vùng Đông Nam Bộ có 17 sản phẩm. Về cơ cấu, gần 1.800 sản phẩm (hơn 82%) thuộc nhóm thực phẩm; 163 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống; 107 sản phẩm thuộc nhóm lưi niệm nội thất và trang trí... Đã có hơn 1.200 chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 471 hợp tác xã, 390 doanh nghiệp, 365 cơ sở sản xuất, còn lại là các tổ hợp tác.

Các địa phương đã phát huy lợi thế của các sản phẩm vùng miền, gắn với thế mạnh của vùng như trái cây, lúa gạo, du lịch sinh thái để lựa chọn, tập trung phát triển các sản phẩm mang đặc trưng của địa phương, từng bước hình thành chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị sản xuất , đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng... Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình còn không ít khó khăn, vướng mắc. Theo đại diện ngành nông nghiệp các địa phương, chương trình khá mới mẻ, cán bộ chưa tiếp cận nhiều thông tin: các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất, kinh doanh chưa có nhiều thời gian tiếp cận với các khái niệm, bộ tiêu chí, trình tự, thủ tục đánh giá. Một số doanh nghiệp ngại tham gia vì phải hoàn thiện nhiều thủ tục và mất nhiều thời gian hoàn thành hồ sơ; doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, hộ... còn khó khăn về nguồn vốn nên chưa có điều kiện đẩy nhanh việc hoàn thiện sản phẩm.

Theo Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Trần Thanh Nam, để đạt hiệu quả cao trong phát triển  sản phẩm OCOP, các địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan cần chú ý  sản phẩm  phải đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, bao bì, nhãn mác, chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc nguyên liệu, sử dụng lao động tại địa phương. (Cảnh Kỳ - Tiền phong, 17/11/2020)

Nhân lên giá trị chương trình OCOP

Năm 2020, thành phố Hà Nội phấn đấu có ít nhất 700 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hiện, Hà Nội đã hoàn tất công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2020 với 334 sản phẩm đủ tiêu chí trình UBND thành phố ra quyết định công nhận OCOP. Kết quả cho thấy, nhiều địa phương hoàn thành và vượt mục tiêu Chương trình OCOP đặt ra. Quan trọng là sau này, các địa phương phải nhân lên giá trị của việc sản phẩm được công nhận OCOP.

Theo kế hoạch thành phố giao năm 2020, huyện Thanh Trì có 17 sản phẩm được công nhận OCOP nhưng trong đánh giá, phân hạng sản phẩm đợt 1 năm 2020, huyện đã có 19 sản phẩm của 3 chủ thể đạt đủ tiêu chí OCOP 4 sao, đang trình UBND thành phố ra quyết định công nhận. Anh Lê Đình Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại nông sản hữu cơ Việt, đơn vị có 12/19 sản phẩm dự thi OCOP của huyện Thanh Trì cho biết, công ty đã lựa chọn những sản phẩm đặc trưng nhất trong 60 sản phẩm của đơn vị. Sản phẩm được chứng nhận OCOP là cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, tạo đầu ra ổn định cho nhiều loại nông sản của đơn vị đang liên kết sản xuất với nông dân.

Tương tự, trong đợt 1 đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, huyện Phú Xuyên được đánh giá, phân hạng 84 sản phẩm, vượt 24 sản phẩm so với kế hoạch giao năm 2020 của thành phố. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, sản phẩm OCOP lần này đa dạng về chủng loại về thực phẩm, sản phẩm làng nghề...

Thực hiện Chương trình OCOP, năm 2020, Hà Nội phấn đấu có 700 sản phẩm OCOP. Qua kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1, Hà Nội đã có 334 sản phẩm được đánh giá, công nhận. Cuối tháng 11, đầu tháng 12 tới đây, các quận, huyện, thị xã tiếp tục đánh giá, phân hạng gần 400 sản phẩm OCOP cấp huyện và cấp thành phố để hoàn thành mục tiêu.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Trần Sỹ Tiến, bước sang năm thứ 2 thực hiện Chương trình OCOP, các chủ thể tham gia chương trình và chính quyền địa phương đã có nhiều kinh nghiệm hơn khi lựa chọn sản phẩm dự thi; bám sát hướng dẫn đánh giá chấm điểm Chương trình OCOP, chuẩn bị hồ sơ chu đáo, bài bản nên đa số sản phẩm dự thi đáp ứng các tiêu chí. Kết quả này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh.

Đan Phượng là huyện có 62 sản phẩm vừa tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. Thep Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, sau khi hoàn thành đánh giá 62 sản phẩm, Đan Phượng tiếp tục khảo sát để lập kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP đến năm 2025; đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP của huyện. Đan Phượng mong muốn các sản phẩm đặc trưng, lợi thế của địa phương tiếp tục được đánh giá, công nhận theo tiêu chí Chương trình OCOP, qua đó góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh, để đẩy mạnh Chương trình OCOP năm 2020 và các năm tiếp theo, Hà Nội tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền vào hệ thống siêu thị, cửa hàng, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử… Nhờ đó, nhân lên giá trị của việc sản phẩm của địa phương được công nhận OCOP. (Nguyễn Mai – HNM, 20/11/2020)

Hiện nay, nhiều sản phẩm OCOP của Hà Nội có bao bì, nhãn mác đẹp, chất lượng tốt, thông tin chỉ dẫn địa lý cụ thể, rõ ràng đã xây dựng được uy tín trên thị trường như: Gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm), miến làng So (xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai), gạo hữu cơ Đồng Phú (xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ), vải dệt từ tơ sen (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) cùng nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề độc đáo...

Năm 2019, thành phố Hà Nội triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đã có 301 sản phẩm nông sản, làng nghề được cấp chứng nhận OCOP từ 3 đến 5 sao. Trong đó, 6 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 207 sản phẩm 4 sao, 88 sản phẩm 3 sao, vượt kế hoạch đề ra. Năm 2020, mặc dù chịu tác động bởi dịch Covid-19 nhưng các đơn vị vẫn tích cực lựa chọn, đánh giá, phân hạng để có khoảng 500 đến 700 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Dự kiến, kết thúc năm 2020, Hà Nội sẽ phát triển, đánh giá, xếp hạng khoảng từ 800 đến 1.000 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3-5 sao; trong đó, có khoảng 100 sản phẩm được đánh giá và xếp hạng cấp quốc gia 5 sao.

Song theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội, từ thực tế hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mặt hàng này chưa có chỗ trưng bày, giới thiệu sản phẩm cũng như các đầu mối tiêu thụ ổn định. Trước thực tế đó, Sở Công Thương Hà Nội tích cực phối hợp UBND cấp huyện cũng như doanh nghiệp để xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. “Việc hình thành các điểm bán sẽ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề quảng bá sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng; đồng thời tổ chức kết nối giao thương giữa cơ sở sản xuất với đơn vị phân phối nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.

Trong tháng 9 và tháng 10-2020, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với UBND quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây và huyện Gia Lâm tổ chức khai trương 8 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP. Sắp tới, một số điểm quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP sẽ được khai trương tại quận Cầu Giấy và huyện Thanh Trì. Hàng hóa bày bán tại các điểm giới thiệu, quảng bá đều là những sản phẩm OCOP đạt thứ hạng từ 3 sao trở lên.  

Tham gia giới thiệu và bán sản phẩm tại điểm trưng bày sản phẩm OCOP huyện Sóc Sơn, bà Dương Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và nông sản sạch Sóc Sơn chia sẻ, sản phẩm chả cá thát lát Huệ Dương đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và được bán tại nhiều siêu thị ở Hà Nội. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, cũng như tìm kiếm đối tác để xúc tiến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu có khoảng 60 đến 70 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP. Sở cũng yêu cầu, mỗi quận, huyện, thị xã đưa vào hoạt động ít nhất hai điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong năm 2021. Ngoài các điểm bán cố định, Sở Công Thương sẽ phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP về khoa học kỹ thuật, công nghệ để sản xuất theo hướng an toàn. Ðồng thời, thành phố cũng sẽ đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua chợ thương mại điện tử của thành phố, các hội chợ, triển lãm…

Thông qua các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, các sản phẩm nông thôn tiêu biểu của Hà Nội sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng, làm cơ sở để các hợp tác xã, doanh nghiệp và người nông dân tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đưa các sản phẩm OCOP của các địa phương giới thiệu đến người tiêu dùng Thủ đô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới... (Quang Minh - Báo HNM)

Tuy nhiên hiện nhiều sản phẩm đặc sản còn một số hạn chế cần khắc phục. Bà Vương Thị Thành, chủ cơ sở bánh rau sắng hiệu Chú Béo (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) cho biết: “Sản phẩm đặc sản dù được đánh giá tốt về chất lượng, song khâu làm thương hiệu còn nhiều bất cập; bao bì nhãn mác chưa bắt mắt, thậm chí trên nhãn thiếu thông tin theo quy định… Những vấn đề này rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong quy trình hoàn thiện sản phẩm”.

Tháo gỡ khó khăn, nhiều huyện, thị xá đã và đang xây dựng Đề án phát triển Chương trình OCOP kết hợp hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh hoàn thiện sản phẩm. Trưởng phòng Kinh tế xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho biết: Thị xã thực hiện các chính sách hỗ trợ để sản phẩm OCOP trở thành hàng hóa chất lượn cao, trong đó, tập trung khai thác lợi thế của đặc sản địa phương…

Nhà nước cần phải tạo thị trường cho sản phẩm, vì có thị trường, sản phẩm mới sống được.

Tạo điều kiện cho mỗi sản phẩm của các xã phải có thị trường như được đưa vào siêu thị, được mở các của hàng bán lẻ.

Phải xây dựng tiêu chuẩn “OCOP” trong lòng người tiêu dung, chúng ta có 6 ngành hàng, 5000 sản phẩm cần phải đầu tư, có sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp cho dân bán được sản phẩm. Nếu các công ty du lịch giúp  giới thiệu để khách du lịch biết đến và tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp phát triển sản phẩm “OCOP”, giúp cho người sản xuất định hướng được sản phẩm, nâng cao chất lượng của sản phẩm “OCOP” để có thể đứng vững trên thị trường.

Trên các hệ thống phân phối hiện nay, hàng hóa do doanh nghiệp Hà Nội sản xuất chiếm khoảng 50% thị phần, tập trung vào các ngành hàng chủ lực, ngành hàng nông nghiệp công nghệ cao… Hà Nội luôn thu hút nguồn lực đầu tư lớn của xã hội, do đó chất lượng, uy tín sản phẩm do doanh nghiệp Hà Nội sản xuất ngay càng tăng. Cùng với đó, Hà Nội có 1.350 làng nghề cũng là nơi đâò tạo, khởi nguồn các hoạt động khởi nghiệp, bởi vậy nguồn hàng hóa Hà Nọi sản xuất, cung ứng cho thị trường ngày càng phong phú, chất lượng. Trong đó phải kể đến các sản phẩm, thương hiệu tiêu biểu như: May 10, M2, thuốc tân dược Traphaco, Tâm Bình; hàng gia dụng Sunhouse…

Điểm mạnh của hàng hóa do doanh nghiệp Hà Nội áp dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu vào sản xuất. Còn điểm yếu là doanh nghiệp chưa mạnh dạn đổi mới hình thức mẫu mã sản phẩm, chưa chủ động kết nối tới nhiều kênh phân phối khác nhau. Chưa nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh phân phối hàng hóa trên nền tảng số, thương mại điện tử, do đó đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Đẩy mạnh thị trường nội địa là cơ hội để các doanh nghiệp tái cơ cấu, tăng năng lực cạnh tranh, trong đó cốt lõi là nâng cao chất lượng và uy tín.

Thị trường nội địa - “điểm tựa vững chắc”: Khác với mọi năm, chương trình khuyến mại tập trung chỉ tổ chức vào tháng 11, năm nay thành phố Hà Nội quyết định tổ chức trong 3 tháng 6, 7 và 11 trên toàn địa bàn thành phố, với mức khuyến mại lên tới 100%. Theo bà Trần Thị Phương Lan, tất cả các sản phẩm tham gia chương trình đều phải đăng ký với Sở Công Thương để kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc.

Cùng với những chương trình khuyến mại, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại còn nỗ lực tổ chức tốt hoạt động bán hàng, bảo đảm văn minh thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tất cả cùng hướng tới mục tiêu đưa thị trường nội địa thành đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Cần thêm nhiều điểm giới thiệu sản phẩm OCOP. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.