Thứ ba, 23/04/2024 17:04 (GMT+7)

Cần thiết chuyển đổi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 sang hình thức đầu tư công

MTĐT -  Thứ sáu, 20/05/2022 14:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tờ trình Quốc hội của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án ĐTXD đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (Dự án) cho biết sự cần thiết chuyển đổi Dự án sang hình thức đầu tư công.

tm-img-alt

Cụ thể, Dự án phải cơ bản hoàn thành năm 2025 đặc biệt đoạn đi trùng với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong khi việc triển khai theo phương thức đối tác công tư đến năm 2026 mới cơ bản hoàn thành. Trong đó, tại các Nghị quyết của Quốc hội như: Nghị quyết số 44/2022/QH15 về đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Nghị quyết số 94/2015/QH13 về cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, đến năm 2025 phải cơ bản hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và hoàn thành, đưa vào khai thác cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có khoảng 12,6 km đi trùng với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đồng thời có vai trò gom và giải tỏa hành khách, hàng hóa cho cảng hàng không quốc tế Long Thành. Vì vậy, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phải cơ bản hoàn thành năm 2025 đặc biệt đoạn 12,6 km đi trùng với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn nối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, nhằm nối thông đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và gom, giải tỏa hành khách, hàng hóa cho cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo quy định pháp luật hiện hành và cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 chưa cho phép chỉ định nhà đầu tư. Nếu tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định sớm nhất tháng 3/2024 có thể khởi công Dự án. Trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt (tài chính và kinh nghiệm) và thu xếp tín dụng thành công, đến năm 2026 mới có thể cơ bản hoàn thành các bước: (1) Lập, thẩm định, phê duyệt dự án dự kiến tháng 9/2022; (2) Sơ tuyển nhà đầu tư, 6 tháng; (3) Đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, 5 tháng; (4) Thương thảo, ký kết hợp đồng, 1 tháng; (5) Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công, 6 tháng; (6) Khởi công tháng 3/2024; (7) Cơ bản hoàn thành tháng 9/2026...

Chính phủ cũng viện dẫn thực tiễn triển khai các dự án theo phương thức đối tác công tư thời gian qua cho thấy còn một số bất cập như: Cơ quan nhà nước không thể bảo đảm chắc chắn sự thành công của dự án vì có rủi ro trong việc lựa chọn nhà đầu tư và thu xếp vốn tín dụng, đặc biệt thời gian thu xếp tín dụng tại thời điểm hiện nay rất khó kiểm soát. Khi chưa tổ chức đấu thầu, không có cơ sở để ràng buộc nhà đầu tư bằng các bảo lãnh thực hiện.

Thực tế triển khai vừa qua, có nhà đầu tư mặc dù đáp ứng hoặc vượt yêu cầu về vốn chủ sở hữu theo hồ sơ dự thầu nhưng khi thực hiện, việc thu xếp vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng đều rất khó khăn như: Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận 18 tháng; dự án Diễn Châu - Bãi Vọt 9 tháng; dự án Nha Trang - Cam Lâm 7,5 tháng; dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo 5 tháng.

Huy động vốn tín dụng và nhà đầu tư nước ngoài khó khả thi do đều yêu cầu một số bảo lãnh như: Bảo lãnh trách nhiệm Chính phủ từ bên thứ 3, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ… là vượt quá quy định pháp luật hiện hành. Trong khi, vốn tín dụng dài hạn trong nước rất khó khăn.

Chính phủ đã nhận diện những bất cập, vướng mắc và đang chỉ đạo Bộ GTVT tiến hành tổng kết, đánh giá việc triển khai các dự án BOT trong 10 năm qua làm cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, để bảo đảm thành công của Dự án, Chính phủ kiến nghị đầu tư Dự án theo hình thức đầu tư công; sau khi đưa vào khai thác sẽ thu phí để hoàn trả vốn ngân sách nhà nước. Hình thức này bảo đảm tiến độ dự án và vẫn phù hợp với định hướng huy động nguồn lực xã hội vào phát triển kết cấu hạ tầng.

Chính phủ đánh giá, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 khả thi về tài chính với thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến 17 năm, phần vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng 6.629 tỷ đồng (khoảng 34% tổng mức đầu tư), phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp PPP khoảng 12.987 tỷ đồng, và đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Việc triển khai theo phương thức đối tác công tư có ưu điểm là giảm phần vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng 11.200 tỷ đồng so với phương án đầu tư công, giảm áp lực lên ngân sách trung ương trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế và phù hợp với định hướng huy động nguồn lực xã hội vào phát triển kết cấu hạ tầng. Dự án nhận được sự quan tâm của Liên doanh CIENCO 6 - COTECCONS - Thuận Việt - Tân Thành. Tuy nhiên, đánh giá sơ bộ tiến độ đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự án hoàn thành năm 2025 là khó khả thi...

Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 khoảng 17.837 tỷ đồng, chỉ bao gồm: Chi phí xây dựng7.833 tỷ đồng, chi phí thiết bị 473 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (đã bao gồm dự phòng) 6.629 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác: 997 tỷ đồng và chi phí dự phòng (không bao gồm dự phòng chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) 1.905 tỷ đồng.

Kết quả tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án được so sánh với chi phí đầu tư một số dự án đường bộ cao tốc có quy mô, tính chất tương đồng đang triển khai đầu tư trong cùng khu vực, so sánh với suất vốn ĐTXD công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình do Bộ Xây dựng ban hành cho thấy bảo đảm độ tin cậy. Suất ĐTXD của 01 km đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với quy mô 4 làn xe khoảng 154 tỷ đồng/km (không tính chi phí GPMB, tái định cư và chi phí dự phòng, quy đổi quy mô tương đương) thấp hơn suất vốn khoảng 166 tỷ đồng/km đường cao tốc tương đương theo công bố của Bộ Xây dựng tại Quyết định số 65/QĐ-BXD ngày 20/01/2021.

Trên cơ sở tiến độ triển khai các hạng mục công việc của Dự án, dự kiến nhu cầu bố trí vốn để cơ bản hoàn thành dự án trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025 khoảng 14.270 tỷ đồng (khoảng 80% sơ bộ tổng mức đầu tư), nhu cầu vốn năm 2026 khoảng 3.567 tỷ đồng (khoảng 20% sơ bộ tổng mức đầu tư).

Bạn đang đọc bài viết Cần thiết chuyển đổi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 sang hình thức đầu tư công. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới