Cần Thơ: Dự án Khu đô thị mới An Bình với nhiều khúc mắc trong giải phóng mặt bằng
Dự án Khu đô thị mới An Bình chưa đền bù giải phóng mặt bằng xong cho hộ dân ảnh hưởng bị lấy đất và chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý. nhưng chủ đầu tư Công ty Hồng Phát đã san lấp mặt bằng và xây dựng dự án rao bán rầm rộ được cho là không đúng quy định.
Dự án Khu đô thị (KĐT) mới An Bình có địa chỉ tại phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, dọc tuyến đường Nguyễn Văn Cừ. Dự án này được Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ký Quyết định số 2604/QĐ-UBND ngày 10/9/2015 chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích hơn 17,8ha. Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hồng Phát (địa chỉ: số 212A, đường 3/2, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) làm chủ đầu tư.
Do không đồng ý với việc bồi thường, thu hồi đất chưa đúng với quy hoạch, một số hộ dân đã khởi kiện UBND quận Ninh Kiều, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hồng Phát. Sau đó, vụ án hành chính này đã được TAND TP Cần Thơ tiến hành xét xử sơ thẩm từ ngày 28/9/2020 và TANDCC tại TPHCM xét xử phúc thẩm vào ngày 21/1/2022. Dù đã qua hai phiên tòa, nhưng việc liên quan đến bồi thường, thu hồi đất cho dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Ngày 21/1/2022, Hội đồng Thẩm phán TANDCC ban hành Quyết định phúc thẩm số 86/2022/HC-PT đối với vụ án này. Theo đó, Hội đồng Thẩm phán TANDCC xác định: Tòa án cấp sơ thẩm tại TAND TP Cần Thơ không xem xét tính hợp pháp của các quyết định hành chính liên quan là các quyết định về giá đất cụ thể của UBND TP Cần Thơ đối với dự án KĐT mới An Bình, không đưa UBND TP Cần Thơ vào tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, không giải quyết toàn diện, triệt để vụ án.
Việc quyết định giá đất cụ thể để bồi thường khi thu hồi đất, theo quy định thì Sở Tài nguyên và Môi trường phải lựa chọn tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất theo quy định của Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, trên thực tế người yêu cầu và ký hợp đồng với tổ chức tư vấn giá đất cụ thể cho dự án An Bình lại chính là Công ty Hồng Phát (là đơn vị chịu trách nhiệm chi trả tiền bồi thường khi thu hồi đất) mà không phải Sở Tài nguyên và Môi trường. Điều này là trái quy định tại Điều 16,17 Nghị định 44/2014/NĐ-CP và Điều 34, 35 Thông tư 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014.

Bản án số 86/2022/HC-PT do TAND cấp cao tại TPHCM ban hành vào ngày 21/01/2022
Hội đồng Thẩm phán TANDCC cho rằng, việc lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất trong trường hợp này là không khách quan theo quy định tại khoản 3 Điều 115 Luật Đất đai. Như vậy, việc xây dựng giá đất cụ thể đối với dự án KĐT mới An Bình không đúng pháp luật.
Ngoài ra, giá đất bồi thường do UBND quận Ninh Kiều phê duyệt cho hộ dân phường An Bình là giá đất cụ thể do UBND TP Cần Thơ quyết định cho dự án này. Qua đó, tính hợp pháp của các quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường bị khởi kiện cần được xem xét đồng thời với nhau.
Hội đồng Thẩm phán TANDCC còn đưa ra nhiều căn cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ. Từ các vấn đề này, Hội đồng Thẩm phán TANDCC đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, giao TAND TP Cần Thơ xét xử lại từ đầu. Tuy nhiên đến nay, việc xét xử lại vẫn chưa được TAND TP Cần Thơ thực hiện.
Trong một diễn biến khác, tại Mảnh trích đo địa chính số 606-2017 được Sở Tài nguyên và Môi trường ký duyệt ngày 11/8/2017 thể hiện hiện trạng khu đất xin thu hồi thực hiện dự án KĐT mới An Bình có diện tích 17,8ha, trong đó có sử dụng diện tích đất trồng lúa xấp xỉ 16,3ha, còn lại là các loại đất khác của dân.
Theo quy định tại Điều 58 Luật Đất đai năm 2013, UBND quận Ninh Kiều chỉ được thu hồi 17,8ha đất (trong đó có khoảng 16,3ha đất trồng lúa) để thực hiện dự án KĐT mới An Bình khi có văn bản của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất lúa đối với dự án sử dụng từ 10ha đất lúa trở lên. Nhưng hiện nay dự án trên vẫn chưa có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Nếu có căn cứ kết luận diện tích đất trồng lúa bị thu hồi làm dự án từ 10ha trở lên mà không có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ thì việc thu hồi đất của hộ dân trong trường hợp này là trái pháp luật.