Thứ năm, 28/03/2024 21:28 (GMT+7)

Cần Thơ: Kinh nghiệm thực hiện các chương trình phân loại rác tại nguồn

Hà Thắm -  Thứ sáu, 14/01/2022 10:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cần thơ hiện đang thực hiện phân loại rác tại nguồn thành 3 loại: Rác thải đốt được, rác thải không đốt được và rác thải nguy hại.

Những năm qua, đi đôi với phát triển kinh tế bền vững, thành phố Cần Thơ rất quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường. Thành phố đã có nhiều mô hình, giải pháp hay trong xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp như xây dựng nhà máy xử lý rác đạt tiêu chuẩn môi trường, các mô hình “Phường sạch rác”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp”...

Cần Thơ đã triển khai nhiều chương trình phân loại rác tại nguồn

Theo ông Nguyễn Phúc Như - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ: Việc phân loại rác thải đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý, đời sống xã hội, góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho công tác thu gom và xử lý, giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Phân loại rác tại nguồn góp phần tiết kiệm được tài nguyên, mang lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế và phân compost tự chế biến; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường; giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý.

Trong thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã triển khai nhiều chương trình, dự án liên quan công tác quản lý môi trường, trong đó có công tác phân loại rác tại nguồn từ những năm 2000. Các dự án, chương trình tiêu biểu có liên quan đến phân loại rác tại nguồn tại thành phố Cần Thơ có thể kể tới đó là dự án Cần Thơ xanh; dự án Cải thiện chất lượng môi trường khu vực quận Ninh Kiều; Phân loại rác phục vụ cung cấp cho Nhà máy EB; Phân loại rác, tái chế, sử dụng rác thải nhựa - JICA. Ngoài ra, còn một số nghiên cứu nhỏ lẻ, các đề tài khoa học cấp thành phố, cấp trường, các nghiên cứu của sinh viên Trường Đại học Cần Thơ.

Đáp ứng yêu cầu trong công tác xử lý đốt rác thải phát điện của Nhà máy xử lý rác thải, Cần thơ hiện đang tiếp tục đẩy mạnh công tác phân loại rác tại nguồn thành 3 loại: Rác thải đốt được, rác thải không đốt được và rác thải nguy hại.

Cần Thơ: Kinh nghiệm thực hiện các chương trình phân loại rác tại nguồn
Cần thơ hiện đang thực hiện phân loại rác tại nguồn thành 3 loại: Rác thải đốt được, rác thải không đốt được và rác thải nguy hại.

Đại diện Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ cho biết kinh nghiệm để thực hiện một chương trình phân loại rác đạt hiệu quả, trước tiên cần thông qua công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện thí điểm tại các địa phương được chọn, tiến tới nhân rộng mô hình cho toàn thành phố.

Hiện nay, công tác phân loại rác tại thành phố Cần Thơ đang được đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả, mang lại ý nghĩa thiết thực trong công tác quản lý môi trường và đời sống xã hội, dần tạo được ý thức của người dân trong công tác phân loại rác thải. Tuy nhiên, công tác này cần phải được tổ chức tuyên truyền một cách thường xuyên, nhằm tạo thói quen hằng ngày, nâng cao ý thức trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng dân cư trong việc chung tay bảo vệ môi trường,…

Thuận lợi, khó khăn và kiến nghị khi triển khai thực hiện phân loại rác

Dịch vụ công ích có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống xã hội, đặc biệt trong bối cảnh đô thi hóa như hiện nay. Dịch vụ công ích cũng góp phần cung cấp các tiện ích công cộng cho toàn thể thành viên trong xã hội, duy trì trật tự công cộng và an toàn xã hội. Chất lượng dịch vụ công ích phản ánh tính chất ưu việt của cuộc sống đô thị.

Là doanh nghiệp dịch vụ công ích chủ lực của thành phố, Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ luôn tham gia và ủng hộ các công tác liên quan môi trường: phân loại rác thải, xử lý rác, nạo vét kênh rạch, vớt rác trên sông,… Đặc biệt công tác phân loại rác tại nguồn là chủ trương và chỉ đạo rất đúng đắn kịp thời trong suốt thời gian qua của thành phố Cần Thơ. Những lợi ích của việc phân loại chất thải rắn tại nguồn còn thúc đẩy việc tái sử dụng tuần hoàn nguồn tài nguyên từ rác một cách hợp lý, phục vụ nhu cầu đời sống xã hội.

Tuy nhiên, theo đại diện Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ, trong mỗi hoạt động, trong từng công đoạn triển khai chương trình phân loại rác đều có những khó khăn nhất định. Để giải quyết bài toán lâu dài này cần phải có một kế hoạch mang tính tổng thể căn cơ, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp, toàn thể cộng đồng dân cư, các nhà doanh nghiệp, phải có cơ chế chính sách rõ ràng và cụ thể; cần phải có nguồn kinh phí đầu tư cho mục tiêu này. Thí dụ: trách nhiệm và quyền lợi của người dân thực hiện phân loại rác, về chế tài thưởng phạt, về trách nhiệm của chính quyền địa phương, cũng như việc đầu tư, kêu gọi đầu tư các điểm tập kết rác sau phân loại, các nhà máy xử lý và tái chế rác, ưu tiên định hướng xử lý rác sau phân loại mang tính bền vững cao, thị trường đầu ra của các sản phẩm từ rác thải, chính sách ưu đãi về thuế cho những doanh nghiệp tham gia,…

Cần Thơ: Kinh nghiệm thực hiện các chương trình phân loại rác tại nguồn
Khu xử lý rác bên trong nhà máy điện rác Cần Thơ. Đây là một trong số ít các nhà máy điện rác đã đi vào hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Nguồn: tienphong

Công tác phân loại rác tại nguồn nói chung hiện nay là tất yếu khách quan, phục vụ cho yêu cầu phát triển tiến bộ của xã hội, nhằm tiết kiệm tài nguyên và tái sản xuất sản phẩm tuần hoàn, phục vụ lại cho đời sống người dân. Hiện tại các ngành nghề khác, các đơn vị doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực hoạt động khác nhau mà không phải là môi trường cùng tham gia công tác vệ sinh môi trường, xử lý chất thải. Trong đó có các công ty tư nhân, công ty cổ phần có vốn nhà nước, công ty nhà nước, ban quản lý hoặc các trung tâm tái chế chất thải… Ngoài ra, còn có các đơn vị là hợp tác xã môi trường. Tuy nhiên, mục tiêu hoạt động của mỗi loại hình doanh nghiệp, từng đơn vị có sự khác nhau.

Theo Luật doanh nghiệp, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định: Dịch vụ công ích là dịch vụ mà việc sản xuất, cung ứng dịch vụ này theo cơ chế thị trường khó có khả năng bù đắp chi phí hoặc dịch vụ có tính chất đặc thù; được Nhà nước trợ giá phần chênh lệch giữa giá tiêu thụ, giá dịch vụ theo quy định của Nhà nước hoặc phần chênh lệch giữa số tiền do người được hưởng dịch vụ công ích thanh toán theo quy định của Nhà nước, với chi phí hợp lý của nhà sản xuất. Đồng thời, trong giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ quy định: Tách bạch giữa hoạt động sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, an sinh xã hội với hoạt động sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận của doanh nghiệp. Do đó, nếu được tổ chức thực hiện đúng theo chủ trương của Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chủ lực thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, trong đó có công tác phân loại rác.

Đối với việc thu gom rác trong những thời điểm thành phố Cần Thơ tổ chức theo hình thức đấu thầu đã thu hút được nhiều đơn vị tham gia công tác này. Tuy nhiên, khi các đơn vị tư nhân tham gia công tác vệ sinh môi trường cũng đã nảy sinh một số hạn chế, thể hiện qua thực tế chất lượng phục vụ trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải, việc đầu tư phương tiện chưa phù hợp để bảo đảm công tác vệ sinh môi trường. Vì các đơn vị tư nhân hoạt động với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận cho nên những công việc có quyền lợi thì họ mới tham gia và có tình trạng buông lỏng trách nhiệm về chế độ chính sách đối với người lao động,…

EPR là một cơ hội vàng cho ngành tái chế

Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 là điều kiện thuận lợi đề các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cùng tham gia trong lĩnh vực môi trường. Đại diện Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ đề xuất: Nhà nước cần bảo đảm chính sách đãi ngộ đối với những đơn vị này về cơ chế chính sách đặc biệt, tạo điều kiện để họ thúc đẩy các sản phẩm tái chế hoặc sau phân loại rác về thị trường tiêu thụ, về giá cả. Nhà nước có thể mua lại các sản phẩm tái chế nhằm hỗ trợ người dân, phục vụ chương trình xóa đói giảm nghèo,… để các đơn vị có nguồn kinh phí ổn định nhằm bù đắp chi phí hoạt động và tái sản xuất.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải tổ chức thực hiện triển khai các chương trình giảm thiểu rác thải nhựa, giảm và tiến đến không sử dụng dụng các loại túi ni-lông sử dụng một lần, … nhằm giảm áp lực công tác xử lý, gây hệ lụy và tác động đến môi trường sinh thái, phát triển phải mang tính bền vững, hướng đến mục tiêu môi trường xanh.

Cùng với Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế, Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ hiện tại đang tham gia Chương trình truyền thông "Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững” do Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam phối hợp Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (Pro Việt Nam) tổ chức. Đây là một chương trình có sự đồng hành của liên minh các nhà sản xuất trong lĩnh vực sử dụng các loại bao bì tại Việt Nam. Điều đó cho thấy các nhà sản xuất đã có trách nhiệm với môi trường, cộng đồng, xã hội trong chính hoạt động sản xuất kinh doanh của mình theo đúng tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường trong quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Ông Nguyễn Phúc Như cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao ý tưởng thực hiện chương trình phân loại rác lần này. Chương trình có những điểm khác với các chương trình phân loại rác tại nguồn mà thành phố Cần Thơ đã triển khai trước đây. Đó là Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ sẽ đóng vai trò đầu mối, trực tiếp làm việc với các chủ nguồn thải và các đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác; chương trình tạo được đầu ra cho quy trình phân loại rác, đó là sản phẩm tái chế với việc tìm kiếm và ký kết hợp tác với các đơn vị đã được công nhận có chức năng tái chế. Đồng hành với Chương trình có sự tham gia tuyên truyền của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, góp phần lan toả ý nghĩa của chương trình rộng rãi hơn tới cộng đồng. Chương trình đã mở ra hướng đi mới trong công tác quản lý chất thải, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững”.

Bạn đang đọc bài viết Cần Thơ: Kinh nghiệm thực hiện các chương trình phân loại rác tại nguồn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.