Thứ năm, 28/03/2024 21:36 (GMT+7)

Cần Thơ: Nhiều khu công nghiệp hàng chục năm vẫn chưa xong giải phóng mặt bằng

MTĐT -  Thứ sáu, 29/07/2022 16:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cần Thơ đang cho rà soát lại các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và sẽ có đề xuất xóa quy hoạch một số khu công nghiệp không còn phù hợp.

20 năm vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong

Cần Thơ đã triển khai đầu tư hạ tầng 6 khu công nghiệp với diện tích gần 1.000ha, tuy nhiên hiện nay chỉ có khu công nghiệp Trà Nóc 1, Trà Nóc 2 với diện tích gần 300ha đã hoàn chỉnh hạ tầng và cơ bản lấp đầy dự án, các khu công nghiệp còn lại đều gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tìm nhà đầu tư có đủ năng lực để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Theo Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, từ năm 2001, địa phương triển khai quy hoạch chi tiết, công bố ra dân, tiến hành giải tỏa đền bù để triển khai xây dựng khu công nghiệp Hưng Phú giai đoạn 1 với diện tích hơn 500 ha.

Lúc đầu dự án này được giao cho Công ty xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Cần Thơ (CIPCO) làm chủ đầu. Tuy nhiên, do công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là từ khi địa phương trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương (năm 2004) thì chính sách về đất đai, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tăng, nên CIPCO không đủ năng lực để đầu tư toàn bộ dự án này.

Trước khó khăn đó, UBND TP. Cần Thơ đã chấp thuận cho Công ty cổ phần khu công nghiệp Sài Gòn - Cần Thơ và Công ty cổ phần Ðầu tư – Thương mại và Xây lắp (BMC) cùng với CIPCO đầu tư hạ tầng cho khu công nghiệp này. Trong đó, Công ty cổ phần khu công nghiệp Sài Gòn - Cần Thơ đầu tư khu công nghiệp Hưng Phú 1 với diện tích 350ha nhưng sau đó do chậm triển khai nên địa phương đã thu hồi 121,4ha giao cho Quỹ đầu tư phát triển TP. Cần Thơ (CADIF) làm chủ đầu tư và đơn vị này đã thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng được khoảng 28ha, đã cho thuê được hơn 5ha đất công nghiệp.

Năm 2017, 2018, địa phương tiếp tục thu hồi thêm hơn 200ha và chỉ giao cho Công ty cổ phần khu công nghiệp Sài Gòn - Cần Thơ đầu tư khu công nghiệp Hưng Phú 1, cụm B với diện tích hơn 21ha. Hiện nay phần đất công nghiệp của nhà đầu tư này cũng đã lấp đầy dự án. Phần diện tích đã thu hồi đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư.

Khu công nghiệp Hưng Phú 2A được thành lập năm 2009 với 134 ha do BMC làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, tại dự án này đã có 3 doanh nghiệp đã hình thành trước là Công ty Cổ phần dầu khí Mekong, Công ty TNHH Lọc hóa Dầu Nam Việt và Công ty TNHH Cấp thoát nước Cần Thơ quản lý 38,4 ha. Như vậy, chỉ còn 95,6 ha do BMC làm chủ đầu tư. Cũng do dự án chậm được triển khai vì vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nên năm 2018, địa phương cũng đã quyết định thu hồi chủ trương đầu tư 60 ha tại khu công nghiệp này. Như vậy BMC chỉ còn làm chủ đầu tư hạ tầng với diện tích 35,6 ha tại khu công nghiệp này.

Khu công nghiệp Hưng Phú 2B được thành lập năm 2009 với 67 ha do CIPCO làm chủ đầu tư. Năm 2013, UBND TP. Cần Thơ cũng đã ra quyết định thu hồi chủ trương đầu tư đối với CIPCO để giao Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đông Tiến làm chủ đầu tư nhưng năm 2015, lại tiếp tục thu hồi chủ trương đầu tư đối với Công ty Đông Tiến và sau đó giao cho Công ty TNHH TeaKwang Cần Thơ đầu tư hạ tầng, xây dựng nhà máy sản xuất bán thành phẩm giày thể thao.

Theo ông Võ Ngọc Hồ, Tổng giám đốc CIPCO, chỉ tính với giá đất đền bù và chi phí xây dựng hạ tầng ở thời điểm năm 2013, giá thành đất công nghiệp tại khu công nghiệp này đã trên 80USD/m2. Đây là mức giá cao nhất so với các khu công nghiệp trong vùng lúc bấy giờ nên sẽ rất khó khăn khi tìm nhà đầu tư thứ cấp thuê đất công nghiệp. Vì lý do đó mà CIPCO xin trả lại dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hưng Phú 2B.

Khu công nghiệp Thốt Nốt giai đoạn 1 được thành lập năm 2005 với diện tích hơn 104ha do Trung tâm Xây dựng Hạ tầng Khu công nghiệp Thốt Nốt (trực thuộc Ban quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ) làm chủ đầu tư đến nay cũng chỉ mới giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng đã lấp đầy khoảng 50% diện tích.

dat kcn bo hoang
Hàng trăm ha đất quy hoạch khu công nghiệp tại Cần Thơ đang bị bỏ hoang từ nhiều năm nay rất lãng phí. 

Đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch khu công nghiệp kém hiệu quả

Theo Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển, các khu công nghiệp trên địa bàn đã triển khai nhiều năm và nhiều lần thay đổi chủ đầu tư nhưng vẫn chưa thực hiện xong khâu giải phóng mặt bằng là có nhiều lý do.

Thứ nhất là do quy hoạch các khu công nghiệp này nằm gần trung tâm thành phố nên giá đất tại vị trí quy hoạch rất cao. Nếu chỉ tính đơn giá bồi thường đất khoảng 2 triệu đồng/m2 thì giá thành cho thuê đất công nghiệp cũng đã trên 100USD/1m2/50 năm. Trong khi đó các khu công nghiệp lân cận như Bình Minh (Vĩnh Long), Tân Phú Thạnh, Sông Hậu (Hậu Giang) thì giá cho thuê đất công nghiệp chỉ dao động từ 60 – 80USD/1m2/50 năm. Còn nếu áp giá đền bù thấp hơn thì người dân trong vùng dự án không đồng tình vì các dự án khu đô thị lân cận đó đã đưa ra mức giá đền bù cao hơn.

Chính vì lý do trên mà thời gian qua các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp gần trung tâm TP. Cần Thơ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tìm kiếm nhà đầu tư.

Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, UBND TP. Cần Thơ đã chỉ đạo Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ tổng rà soát lại tất cả các khu công nghiệp đang triển khai trên địa bàn để đưa ra hướng xử lý, tháo gỡ khó khăn.

"Chủ trương của địa phương là sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ đưa ra khỏi quy hoạch đối với các khu công nghiệp kém hiệu quả. Đồng thời địa phương cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung vào quy hoạch các khu công nghiệp tại các vùng xa trung tâm, giá đất còn rẻ như Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ nhằm giảm chi phí đầu vào kéo giảm giá thành cho thuê đất công nghiệp", ông Hiển nói.

Ông Hiển cũng cho biết, hiện nay địa phương đã quy hoạch và mời gọi đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh với diện tích 900ha, khu công nghiệp Trường Lạc - Ô Môn 500ha. Điều đáng mừng là chỉ sau thời gian ngắn mời gọi đầu tư, khu công nghiệp Vĩnh Thạnh đã được nhà đầu tư là Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VISIP) đăng ký đầu tư, đây là tín hiệu đáng mừng đồng thời cũng khẳng định chủ trương “đưa khu công nghiệp ra xa trung tâm thành phố” là định hướng đúng.

Các khu công nghiệp Cần Thơ hiện có 257 dự án còn hiệu lực, thuê hơn 352ha đất công nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,796 tỷ USD; vốn đầu tư đã thực hiện 1,160 tỷ USD chiếm 64,58% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó 27 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 400 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu của các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn đạt 1,146 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ, đạt 54,84% kế hoạch năm./.

Sơn Hà (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Cần Thơ: Nhiều khu công nghiệp hàng chục năm vẫn chưa xong giải phóng mặt bằng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.