Thứ bảy, 20/04/2024 15:53 (GMT+7)

Cảnh báo thiên tai dồn dập vào cuối năm

MTĐT -  Thứ năm, 16/06/2022 15:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trạng thái La Nina hiện đang duy trì ở năm thứ 3 liên tiếp, đây là điều hiếm gặp và cảnh báo khả năng cao thiên tai vào cuối năm sẽ dồn dập.

Sáng 16/6, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức "Hội thảo phối hợp hướng dẫn khai thác thông tin khí tượng thủy văn và cập nhật nhận định diễn biến thiên tai 2022". TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina từ nay đến hết năm 2022 với xác suất khoảng 55-65%.

"Đây là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam chịu ảnh hưởng La Nina - hiện tượng này là ít gặp, thường chu kỳ enso là 2 năm. Dự báo số lượng bão sẽ nhiều hơn trung bình và điều chỉnh tăng hơn so với dự báo trước đây", ông Hoàng Phúc Lâm lưu ý.

tm-img-alt
Trạng thái La Nina duy trì 3 năm liên tiếp có thể khiến thiên tai có bão lũ dồn dập.

Theo dự báo, từ nay đến hết năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng từ 4 - 6 cơn, ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (trung bình nhiều năm một năm khoảng từ 12-14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp khoảng từ 5 - 7 cơn). Đề phòng xảy ra bão có hướng di chuyển phức tạp, dồn dập trong các tháng cuối năm 2022.

Trong các tháng mùa mưa (từ tháng 7 - 9), lượng mưa tại Bắc Bộ có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Trái lại, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ tháng 7 - 9, lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Từ khoảng tháng 10 - 11, khu vực ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên dự báo lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra mưa lớn dồn dập. Khả năng cao thiên tai vào cuối năm là dồn dập khi mưa nhiều, bão kết hợp với không khí lạnh có khả năng gây mưa to đến rất to cho khu vực Trung Bộ. Ngoài ra, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc

"Nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021. Không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm và nền nhiệt các tháng đầu mùa Đông ở các tỉnh miền Bắc có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nhiệt độ mùa đông năm nay có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm", ông Hoàng Phúc Lâm dự báo.

Lo tái diễn kịch bản mưa lũ miền Trung năm 2020

Làm rõ hơn thông tin về mùa mưa bão năm 2022, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, năm nay không khí lạnh đến sớm, hoạt động bão nhiều hơn, kết hợp với nhau thì ảnh hưởng nặng hơn. tạo hình thế gây mưa.

"Trạng thái La Nina liên tục từ 2020 đến nay, những pha lạnh như vậy khiến xác suất mưa liên tục cao, đặc biệt Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Năm nay dự báo Tây Bắc Thái Bình dương có bão mạnh, khả năng dồn vào cuối năm nên sẽ tác động đến nước ta. Mưa liên tục phối hợp không khí lạnh đến sớm, tạo hội tụ gây mưa rất lớn và dồn dập ở miền Trung vào tháng 11", ông Mai Văn Khiêm thông tin.

Cảnh báo về lượng mưa, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong tháng 7 tổng lượng mưa tại Bắc Bộ phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 20% với xác suất khoảng 60 - 70%.

Trong tháng 8-9, tổng lượng mưa tại Bắc Bộ cao hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 10% với xác suất khoảng 60%.

Tháng 10, tổng lượng mưa ở Bắc Bộ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 25% với xác suất khoảng 60%, riêng khu vực Tây Bắc có lượng mưa thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 5 - 15% với xác suất 65%.

Dự báo từ nay đến cuối năm 2022, lượng mưa tại Bắc Bộ có xu hướng cao hơn TBNN từ tháng 7 - 9/2022. Riêng vùng núi cao hơn TBNN khoảng 10-20%. Các tháng khác ở mức xấp xỉ TBNN, riêng phía Đông Bắc Bộ tháng 9-10 cao hơn TBNN khoảng 10-15%.

Khu vực Trung Bộ: Từ tháng 7-8 tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ TBNN. Tháng 9 mưa gia tăng nhưng vẫn ở mức xấp xỉ TBNN. Đặc biệt chú ý, khi đến tháng 10-11 có khả năng xuất hiện những đợt mưa lớn trên diện rộng, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn TBNN 10-20%, riêng khu vực từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi cao hơn hẳn với số liệu từ 50-80% so với TBNN. Tháng 11/2022 tại Bắc Trung Bộ phổ biến thấp hơn 10-20%, Trung và Nam Trung Bộ có tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 20-40% so với TBNN cùng thời kỳ.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ: Tháng 7-8/2022 tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn 10-20% so với TBNN, tháng 9 xấp xỉ TBNN. Đến tháng 10, tổng lượng mưa cao hơn từ 10-30%, riêng Tây Nguyên cao hơn tới 50-100%; Tháng 11, tổng lượng mưa tại Tây Nguyên cao hơn 30-60%, tại Nam Bộ cao hơn 10-20% so với TBNN; Tháng 12 phổ biến cao hơn 10-20%.

Từ nay đến cuối năm trên Biển Đông sẽ có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta khoảng từ 4-6 cơn. Đề phòng bão xảy ra dồn dập và có cường độ mạnh, có hướng di chuyển phức tạp trong những tháng cuối năm.

"Cần đặc biệt chú ý đến tình hình mưa lũ ở miền Trung vào khoảng thời gian từ tháng 10 – 11/2022. Thời điểm này, theo số liệu dự báo, khu vực ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng gia tăng lượng mưa khiến chúng tôi rất lo ngại về nguy cơ xảy ra mưa, lũ dồn dập như năm 2020. Ngoài ra, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc", ông Mai Văn Khiêm nói.

Rất khó dự báo mưa chính xác

Dự báo lượng mưa là then chốt để phòng ngừa lũ quét, sạt lở đất song các chuyên gia khí tượng cho rằng độ chính xác trong dự báo mưa luôn là khó khăn. Đối với mưa lớn, gành khí tượng có khả năng đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo từ trước 2 - 3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%; có khả năng đưa ra những nhận định sớm về khả năng mưa lớn trước từ 5 - 7 ngày. Đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn dông, mới chỉ cảnh báo trước từ 30 phút đến 2 - 3h.

Tuy nhiên, dự báo mưa là vô cùng khó, đặc biệt ở vùng nhiệt đới với địa hình phức tạp như Việt Nam. Trong khi ngành KTTV đã cải thiện rất rõ chất lượng dự báo về khả năng xuất hiện mưa, khu vực xảy ra mưa, khoảng thời gian xảy ra mưa nhưng trong dự báo định lượng mưa lớn, một số trường hợp còn gặp nhiều hạn chế. Trong khoa học dự báo KTTV, dự báo lượng mưa không chỉ là khó khăn của riêng ngành KTTV Việt Nam, mà còn là một trong hai bài toán thách thức nhất cùng với dự báo cường độ bão đối với các nhà khoa học trên thế giới.

Công nghệ dự báo lượng mưa của thế giới hiện nay, tại điểm cụ thể ở một thời điểm cụ thể trước 1 ngày cũng chỉ đạt độ tin cậy trên dưới 50%. Càng dự báo xa, dài hạn thì sai số dự báo càng lớn.

Theo ông Mai Văn Khiêm, để nâng cao chất lượng dự báo mưa sẽ cần hai giải pháp chính. Một là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo mưa lớn với tận dụng tối đa các thông tin dữ liệu của ra đa thời tiết, vệ tinh khí tượng nhằm nâng cao chất lượng dự báo mưa lớn theo hướng định lượng, chi tiết. Hai là, trong ứng phó thường xuyên cập nhật thông tin, sử dụng bản tin dài hạn để chuẩn bị, dự lệnh cho các hành động và sử dụng các bản tin ngắn hạn để hành động nhanh, kịp thời với diễn biến của mưa lớn gây lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất./.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo thiên tai dồn dập vào cuối năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ