Thứ ba, 23/04/2024 21:17 (GMT+7)

Cảnh giác cao độ về mưa lớn từ cơn bão Noru

MTĐT -  Chủ nhật, 25/09/2022 23:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều tối 25/9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến thảo luận về mưa lớn, lũ, bão Noru.

Tham dự cuộc họp có Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục KTTV.

55.jpg
Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp. ẢNh: Trần Văn

Tâm bão đang ở phía Đông đảo Lu-Dông, gió giật trên cấp 17

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hồi 16 giờ ngày 25/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 122,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Lu-Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông. Đến 16 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 117,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 590km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có xu hướng mạnh lên. Đến 16 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 17.

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 107,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

rr.gif
Hướng di chuyển của bão số 4. Ảnh: TTDB KTTV QG

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ. Đến 16 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên biên giới Việt Nam-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho rằng, do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 6-8m, vùng gần tâm bão sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20-25km/h, cường độ suy yếu dần.

Theo dõi sát, dự báo kịp thời, chính xác

Phát biểu thảo luận tại cuộc họp, các chuyên gia dự báo và đại diện lãnh đạo các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV các tỉnh đều cho rằng, bão số 4 là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, do đó công tác dự báo, ứng phó phải được tiến hành khẩn trương, chủ động.

Theo lãnh đạo Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ, hiện các địa phương trong khu vực đã có các công điện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sẵn sàng ứng phó. Các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên đã có chỉ đạo cụ thể đối với các tàu thuyền du lịch có biện pháp ứng phó với tình huống gió mạnh trên biển. Hiện các tỉnh trong khu vực đã thu hoạch xong, do đó khi bão vào cũng sẽ không ảnh hưởng lớn. Các tỉnh cũng đã kiểm tra xong tình hình các hồ chứa, tỉnh Bình Định đặc biệt chú trọng công tác ứng phó của tàu thuyền neo đậu tại cảng Quy Nhơn. Với công tác chuẩn bị của Đài, đến thời điểm này, trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực đã sẵn sàng cho công tác dự báo ứng phó bão số 4.

Lãnh đạo Đài KTTV tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngay sau cuộc họp với Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai chiều 25/9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức cuộc họp bất thường để triển khai các công tác ứng phó với cơn bão số 4. Với cơn bão này, Đài KTTV tỉnh dự báo tác động là sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Quảng Ngãi. Dự báo, cấp bão khi gần bờ có thể giật cấp 12. Do đó, tinh thần ứng phó với bão là không chủ quan, có sự phòng bị tốt nhất.

Chiều 25/9, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra công điện chỉ đạo các cơ quan ban ngành sẵn sàng ứng phó bão số 4. Đến ngày 27/9, tỉnh sẽ cho học sinh nghỉ học và dừng tất cả các công trình đang thi công trên địa bàn, di chuyển các phương tiện đến nơi an toàn. Sáng 25/9, tỉnh sẽ cấm biển, hiện tất cả tàu thuyền của tỉnh đã nhận được thông tin về cơn bão. UBND huyện Lý Sơn cho biết, trong sáng mai (26/9) sẽ tổ chức di chuyển xong, đảm bảo an toàn cho lồng bè nuôi thủy hải sản. Mạng lưới Trạm KTTV tỉnh hiện đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho công tác dự báo.

44.jpg
Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Trần Văn

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái nhấn mạnh, dự báo đây là cơn bão lớn, khi vào có thể đạt cấp 12, 13. Do đó, những tác động của nó cũng sẽ lớn hơn, đòi hỏi công tác dự báo, ứng phó cần được đặc biệt chú trọng. Ông Trần Hồng Thái đề nghị các đơn vị dự báo làm việc với tinh thần cao nhất, tâm huyết nhất, cẩn trọng nhất, mọi thông tin đưa ra ở mức độ cảnh báo cao nhất.

Bày tỏ đồng tình với ý kiến nhiều đại biểu đã phát biểu tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái lưu ý các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV các tỉnh cần cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời cho lãnh đạo các địa phương để tổ chức chỉ đạo ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại gây ra.

11.jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Trần Văn

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Tổng cục KTTV cần xác định tinh thần cảnh giác cao độ, phản ứng kịp thời trước diễn biến của cơn bão số 4. Cho rằng, hệ thống dự báo của Tổng cục KTTV trong những năm vừa qua đã được chuẩn bị kỹ càng cả về mặt kỹ thuật, công nghệ dự báo, công tác quản lý, công tác đưa tin, truyền thông, Thứ trưởng đề nghị với trận bão này, Tổng cục tiếp tục phát huy những ưu điểm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tóm lược lại các ý kiến phát biểu tại cuộc họp về diễn biến, cường độ, hướng di chuyển bão số 4, Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu Tổng cục KTTV tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của bão, lưu ý tham khảo thêm mô hình dự báo của các cơ quan dự báo trên thế giới, từ đó đưa ra các thông tin dự báo chính xác nhất.

Bạn đang đọc bài viết Cảnh giác cao độ về mưa lớn từ cơn bão Noru. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo TN&MT

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới