Thứ sáu, 26/04/2024 04:43 (GMT+7)

Cảnh sát xử lý ô nhiễm tiếng ồn

MTĐT -  Thứ hai, 16/09/2019 14:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cảnh sát đi trinh sát, phát hiện điểm gây ồn sẽ cùng cán bộ môi trường đến đo, nếu vượt ngưỡng quy định thì lập biên bản xử phạt.

22h30 đêm, đoàn liên ngành gồm cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và chuyên viên Trung tâm quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng) gõ cửa một nhà dân trong hẻm khu dân cư đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận Hải Châu) để đo tiếng ồn từ một phòng trà trên đường Lê Duẩn sát bên.

Nhân viên quan trắc môi trường và cảnh sát môi trường phối hợp đo đạc tiếng ồn của phòng trà ca nhạc trên đường Lê Duẩn. Ảnh: Nguyễn Đông.

Quán cà phê kết hợp phòng trà thường xuyên hát nhạc sống buổi tối, khiến nhiều nhà dân xung quanh mất ngủ. "Nhà đóng kín cửa, nhưng những phòng phía trên rất ồn. Có hôm phải đến 0h tiếng nhạc mới tắt. Người già và trẻ em ngủ thiếu giấc nên ảnh hưởng đến sức khỏe và học hành", chủ nhà tên Hùng phản ánh.

Đứng ở ban công tầng ba nhà ông Hùng vẫn nghe rõ âm thanh của MC và những người hát vang sang, dù cách 25 m. Máy đo âm thanh liên tục báo số trên 70 decibel (dBA). Trong khi quy định từ 21h30 khu vực dân cư không được vượt quá 55 dBA.

Để đảm bảo khách quan, đoàn thực hiện đo 3 lần ở một khoảng cách nhất định, sau đó lấy kết quả trung bình. Khi chuyên viên quan trắc cầm máy đo, một cảnh sát quay video toàn bộ kết quả để làm bằng chứng. Những người trong đoàn phải tuyệt đối giữ im lặng để không lẫn tạp âm, ảnh hưởng đến kết quả đo đạc.

Cảnh sát sau đó mời quản lý phòng trà sang hiện trường đo đạc xác nhận sự việc. Nam thanh niên từ chối ký vào biên bản vì "tôi chỉ là người làm thuê". Sau hồi thuyết phục bất thành, cảnh sát làm theo quy định là mời tổ trưởng dân phố và nhân chứng ký vào biên bản.

"Chúng tôi ủng hộ việc làm này để không ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu dân cư. Sau 22h là thời gian người dân nghỉ ngơi", ông Lê Xuân Đài, Tổ trưởng tổ dân phố 37, phường Thạch Thang, nói.

Thiếu tá Đỗ Văn Quang (Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường), cho biết đã theo dõi phòng trà này nhiều ngày, xác định ban đầu là tiếng ồn vượt ngưỡng và liên hệ với đơn vị quan trắc môi trường đến đo đạc. "Phải xác định cụ thể từng quán để quá trình đi đo đạc đỡ mất công", anh nói.

Quá trình đo đạc tiếng ồn vượt ngưỡng được cảnh sát quay lại để đối chứng với cơ sở vi phạm. Ảnh: Nguyễn Đông.

Phải đến 0h, lực lượng chức năng mới hoàn tất biên bản tại phòng trà. Các chiến sĩ mua tạm ổ bánh mì, chai nước lót dạ rồi tiếp tục đi kiểm tra một quán bar trên đường 2/9, đến 3h sáng mới tan ca. Sáng hôm sau, nhiều chiến sĩ đến cơ quan để hoàn tất hồ sơ xử phạt.

Chủ trương xử lý ô nhiễm tiếng ồn từ quán bar, pub, phòng trà được Công an thành phố Đà Nẵng thực hiện từ 0h ngày 1/9. Đến ngày 15/9, đơn vị đã lập biên bản hơn 14 trường hợp vi phạm quá giờ và tiếng ồn.

Công an thành phố đã và đang hoàn tất xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng. Phòng trà trên đường Lê Duẩn vượt 5 đến 10 dBA, với mức phạt dự kiến 12,5 triệu đồng. Một quán bar ven biển Mỹ Khê vượt quy định tới 67 dBA và phải nộp phạt 60 triệu đồng.

Đại tá Trần Thanh Nhơn khẳng định cảnh sát môi trường sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm tiếng ồn. Ảnh: Nguyễn Đông.

"Nhiều cơ sở viện cớ hoạt động quá giờ hay mở âm thanh cỡ lớn để phục vụ du khách. Nhưng nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ cuộc sống cho người dân thành phố, không thể đánh đổi lợi ích của một vài quán bar, phòng trà lấy cuộc sống của người dân", đại úy Nguyễn Minh Hoàng, Tổ phó kiểm tra chuyên đề nói.

Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, cho biết trước khi đo đạc và xử lý tiếng ồn tại các quán bar, pub, phòng trà..., công an địa phương đã mời các chủ cơ sở lên tuyên truyền, ký cam kết. Nhưng trên thực tế nhiều cơ sở vẫn vi phạm.

Theo ông Nhơn, cảnh sát sau khi đo đạc bằng máy với các quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo tính khách quan, sẽ xử lý hai nội dung chính theo quy định là tiếng ồn và hoạt động quá giờ cho phép. Nhiều cơ sở muốn hoạt động khuya hơn, nhưng ngành du lịch thành phố chưa có văn bản đề nghị.

"Nếu việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến kinh tế ban đêm thì thành phố cần có chủ trương cụ thể để các ngành phối hợp thực hiện, hoặc quy hoạch khu vực riêng tránh ảnh hưởng đến người dân", ông Nhơn nói.

Tình trạng hát karaoke, mở nhạc âm lượng lớn vượt khung giờ quy định diễn ra phổ biến ở Đà Nẵng, để lại nhiều hệ luỵ. Tháng 2, một nhóm thanh niên ở Đà Nẵng mở tiệc chia tay bạn đi nghĩa vụ quân sự đã tấn công công an khi được nhắc nhở tắt nhạc sau 22h.

Thành phố chủ trương giao các ngành giám sát, xử lý tình trạng gây tiềng ồn do mở nhạc, hát karaoke trong khu dân cư, đô thị. Trong đó, Sở Văn hóa và Thể thao phải lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường âm thanh vào tiêu chí đánh giá gia đình văn hóa, phong trào văn hóa nếp sống văn minh đô thị.

Theo Vnexpress

Bạn đang đọc bài viết Cảnh sát xử lý ô nhiễm tiếng ồn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.