Thứ ba, 23/04/2024 23:47 (GMT+7)

Cao Bằng: Động đất gây lở núi, người dân kéo nhau đi di tản

MTĐT -  Thứ năm, 28/11/2019 16:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều hộ dân tại xã biên giới Đàm Thủy (Trùng Khánh, Cao Bằng) đã di tản ra khỏi nhà sau nhiều trận động đất liên tiếp xảy ra gây lở núi tại địa phương này.

Thông tin về những thiệt hại trong trận động đất xảy ra sáng nay tại huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, trao đổi với báo Dân Việt, ông Mê Văn Đạt - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đàm thủy cho biết, trận động đất tuy không gây thiệt hại về người, của cải vật chất, nhưng gây sạt lở núi khá nghiêm trọng. Lở núi chủ yếu tập trung tại 3 khu vực núi đá gồm: khu vực Lủng Phjắc, Bản Chang và Bản Xang. Người dân đã di chuyển ra các khu vực cánh đồng, nhà văn hóa thôn Nà Đeng, Lũng Nọi,... những khu vực xa chân núi để ở tạm.

Động đất gây lở núi ở Trùng Khánh (Cao Bằng). Ảnh: Internet.

Ngay khi có dư chấn xảy ra, chính quyền địa phương đã kịp thời có mặt, trấn an tinh thần người dân.

Được biết, trận động đất sáng nay tại Trùng Khánh có cường độ 4,7 độ richter. Đây là trận động đất thứ 5 kể từ ngày 25/11 đến nay.

Trước đó, trong 2 ngày 25 và 26/11, tại khu vực huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) đã xảy ra liên tiếp 4 trận động đất, trận mạnh nhất có cường độ lên tới 5,4 độ richter.

Người dân di tản ra khỏi các chân núi để tránh nguy hiểm. Ảnh: Internet.

Theo các chuyên gia, Cao Bằng nằm trên một đứt gãy hoạt động có tên gọi là Cao Bằng - Tiên Yên, đứt gãy này được vẽ trên bản đồ của các nhà địa chấn và được coi là một trong những nguồn phát sinh động đất.

Trận động đất ở Cao Bằng vừa rồi phát sinh ở nhánh rất gần với nguồn đứt gãy đó và hoàn toàn phù hợp với các nghiên cứu trước đây của các nhà nghiên cứu địa chấn ở Việt Nam.

Người dân cần phải làm gì?

Trước tình hình chỉ trong vòng 4 ngày, Cao Bằng xảy ra tới 5 trận động đất, chia sẻ với VTCNews, PGS. TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết, người dân khi bất ngờ cảm thấy rung chấn thì tất nhiên cảm giác đầu tiên là sẽ hoảng sợ. Tuy nhiên có 3 điều cơ bản các chuyên gia địa chấn khuyên cáo người dân khi cảm nhận rung chấn đó là:

Thứ nhất, cần phải bình tĩnh, không được hoảng sợ.

Thứ hai, không được dùng thang máy, nếu trong bối cảnh động đất đang diễn ra thì tuyệt nhiên không được dùng thang máy để thoát thân ra khỏi các toà nhà mà nên sử dụng thang bộ. Động đất mạnh ở sát ngay vị trí của mình đang đứng thì tốt nhất là không nên chạy ra khỏi nhà mà nên chui xuống gầm giường, gầm bàn hoặc những chỗ không bị đồ vật trên trần nhà rơi trúng.

Thứ ba, luôn luôn phải theo dõi sát sao những thông báo vì theo luật phòng chống thiên tai của Việt Nam, nếu có động đất mạnh xảy ra thì các phương tiện truyền thông sẽ liên tục phát các thông tin và những thông tin đó là những thông tin được kiểm chứng và chính xác.

Người dân nên theo dõi thông tin chính thống và tuân thủ khuyến cáo của nhà chức trách. Nếu có khuyến cáo không nguy hiểm thì người dân có thể tin tưởng là không nguy hiểm, còn nếu có khuyển cáo nguy hiểm, phải sơ tán thì ngay lập tức là phải ứng phó ngay.

N.H (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Cao Bằng: Động đất gây lở núi, người dân kéo nhau đi di tản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới