Thứ bảy, 20/04/2024 10:25 (GMT+7)

Cao Lộc (Lạng Sơn): Chính quyền ‘bất lực’ với vấn nạn ô nhiễm chì?

MTĐT -  Thứ sáu, 22/12/2017 15:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Người dân thôn An Tri (xã Bình Trung, Cao Lộc, Lạng Sơn) phản ánh phải sống trong cảnh ô nhiễm không khí, nguồn nước, khói, bụi… do nhà máy luyện chì của Công ty CP Kim loại màu Bắc Bộ gây ra.

“Gần 400 người dân và công nhân nhiễm độc chì sinh sống cạnh nhà máy luyện chì của Công ty CP Kim loại màu Bắc Bộ là đúng. Nếu kết luận công ty có sai phạm chúng tôi kiên quyết đình chỉ hoạt động nhà máy trên”, đó là những lời khẳng định của ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn.

“Nếu có ai phơi nhiễm chúng tôi có trách nhiện chuyển đi điều trị dưới Hà Nội là được”?

Vừa qua, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã nhận được đơn phản ánh của người dân thôn An Tri (xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) về việc nhiều năm nay người dân phải sống trong cảnh ô nhiễm không khí, nguồn nước, khói, bụi, mùi khét, tiếng ồn… do nhà máy luyện chì của Công ty CP Kim loại màu Bắc Bộ gây ra.

Tình trạng này khiến hàng trăm hộ dân trong thôn An Tri người người, nhà nhà đều có biểu hiện bất thường như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, suy giảm trí nhớ, da tay bong chóc, nước miệng mùi tanh vị kim loại… Gia súc, gia cầm chết bất thường, cây cối khô héo, nước có vị tanh…

Nhà máy cô chì thuộc Công ty CP Kim loại màu Bắc Bộ đang hoạt động khói bay mù mịt.

Cũng theo người dân ở đây phản ánh, trong một thời gian dài đa số người dân có biểu hiện sức khỏe giảm sút, đầu óc mơ màng, vì vậy cuối năm 2016, nhiều người dân và công nhân nhà máy đã tự nguyện bỏ tiền đi xét nghiệm độc tố chì trong máu tại Trung tâm chống độc của bệnh viện Bạch Mai và Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường trực thuộc Bộ Y tế.

Tại đây, 100% kết quả xét nghiệm của người dân và công nhân đều vượt quá quy chuẩn cho phép từ 10 µg/dL đến 200  µg/dL Điển hình như trường hợp của anh Vi Xuân Bằng (SN 1986, trú thôn An Tri) với kết quả xét nghiệm 54,43 µg/dL, còn anh Lưu Văn Quân (cùng trú ở thôn An Tri) lên tới 71,56 µg/dL.

Phiếu xét nghiệm của cháu Lưu Bảo Nam, sinh năm 2012 đã vượt tới mức chì trong máu cho phép 70,75 lần.

Quá lo sợ việc nhiễm chì ảnh hương đến sức khỏe, nhân dân thôn An Tri đã tự nguyện gom tiền, thuê đơn vị độc lập xét nghiệm độc tố chì trong máu cho người dân và lấy căn cứ trình lên chính quyền yêu cầu Công ty CP Kim loại màu Bắc Bộ tạm dừng hoạt động và có những biện pháp khắc phục hậu quả cải thiện sức khỏe để đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Phiếu xét nghiệm của cháu Lưu Bảo Trang 2 tuổi đã vượt mức chì trong máu cho phép lên tới 42,66 lần.

Tuy nhiên, do Công ty CP Kim loại màu Bắc Bộ không chấp thuận những kết quả trước của người dân và công nhân nên đã tự nguyện thuê đơn vị riêng lẻ là Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế (có địa chỉ: số 57 Lê Qúy Đôn, Hai Bà Trưng, Hà Nội) xét nghiệm cho gần 300 người dân và 133 công nhân trong nhà máy vào ngày 14/8/2017 để lấy kết quả đối chiếu làm căn cứ cho công ty và người dân sau này.

Thế nhưng, việc xét nghiệm đã có nhiều biểu hiện bất thường khi anh Lưu Xuân Kiệu một người dân sống tại đó thực hiện xét nghiệm một ngày ra hai kết quả xét nghiệm độc tố chì trong máu khác nhau của cùng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường xét nghiệm khiến người dân vô cùng bức xúc.

Lá phiếu do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế xét nghiệm cùng một ngày của một người những lại có hai kết quả khác nhau đang gây bức xúc trong dư luận.

Trao đổi trực tiếp với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử anh Lưu Xuân Kiệu cho biết: “Khi cầm trên tay hai phiếu xét nghiệm khác nhau tôi rất bất ngờ và nghi ngờ việc xét nghiệm của đơn vị, để hiểu rõ hơn tôi đã truyền tai cho bà con rồi yêu cầu Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường giải thích. Ấy vậy, người của Công ty CP Kim loại màu Bắc Bộ và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường xem qua rồi yêu cầu giữ lại hai phiếu xét nghiệm. Người dân không chấp nhận nên họ chỉ lặng im không nói gì thêm”.

Tiếp đó, anh Lưu Văn Quân chia sẻ cùng với PV, trước kia tôi cũng có làm công nhân một thời gian tại nhà máy luyện chì, nhưng do không chịu được mùi khét, mùi hắc… trong quá trình cô chì nên phải bỏ.

Tưởng rằng chỉ một mình anh bị khi anh là người trực tiếp làm ở nhà máy. Tuy nhiên, khi thấy hai con nhỏ có biểu hiện lạ trong một thời gian dài nên anh Quân cũng đưa hai con của mình đi khám, quá bất ngờ khi anh cầm trên tay hai kết quả xét nghiệm của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường kết luận hai con anh Quân cũng nhiễm chì trong máu vượt quá mức cho phép, biểu hiện bong tróc da tay, mệt mỏi, khó chịu… là do nhiễm chì gây ra.

Do gia đình và người dân thôn An Tri đấu tranh, yêu cầu Công ty CP Kim loại màu Bắc Bộ phải có trách nhiệm trong việc gây ô nhiễm chì của người dân, mới đây, công ty cũng nhất trí đưa hai cháu xuống Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Tuy nhiên, khi hết quá trình điều trị và chuyển về nhà, các cháu cũng không có biểu hiện đỡ bệnh. Lúc này, gia đình tiếp tục yêu cầu bệnh viện trả kết quả điều trị để tiện theo dõi, thế nhưng trước đó Công ty CP Kim loại màu Bắc Bộ đã chi trả tiền nên cầm luôn kết quả bệnh án. Cho đến nay sau nhiều lần gia đình lên công ty yêu cầu ban lãnh đạo trả kết quả điều trị cho gia đình nhưng đều thất bại.

Để hiểu rõ hơn ngọn ngành, PV đã trực tiếp có cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Hạ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Kim loại màu Bắc Bộ.

Ông Hạ cho biết: “Việc người dân nhiễm chì là đúng. Tuy nhiên, công ty cũng đã hỗ trợ cho người dân tiền đi xét nghiệm, tiền thuốc … Hàng năm, công ty cũng có quà cho từng hộ dân, vậy mà nhiễm chì mới ở mức  nhỏ từ 10µg/dL đến 200µg/ trong máu và có lên đến 2000 µg/dL – 3000 µg/dL đâu mà người dân phải ầm ĩ như vậy. Nếu có ai phơi nhiễm chúng tôi có trách nhiện chuyển đi điều trị dưới Hà Nội là được. Hơn nữa, việc mỏ đá khai thác gần người dân sao họ không đề cập mà cứ khẳng định là do Công ty CP Kim loại màu Bắc Bộ gây ra”.

Với cách nói vô trách nhiệm của ông Hạ như vậy không hiểu người dân sẽ chịu cảnh nhiễm độc chì đến bao giờ?. Hay chính quyền địa phương đang “bất lực” trước thực trạng này?

Biết là ô nhiễm nhưng phải đợi bộ kết luận

Trước những thắc mắc của người dân, PV đã có cuộc tra đổi với ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở TN&MT Lạng Sơn.

Ông Chiến cho biết: “Cuối năm 2016, chúng tôi cũng đã nhận được đơn thư phản ánh kèm theo các phiếu xét nghiệm nhiễm độc chì của người dân trong thôn An Tri, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc về việc Nhà máy cô chì thuộc Công ty CP Kim loại màu Bắc Bộ sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân nhiều năm nay".

Trước tình hình đó, chúng tôi đã phối hợp với sở tế xuống kiểm tra, xét nghiệm máu cho tất cả người dân và công nhân, kết quả cho ra 100% đều nhiễm chì vượt ngưỡng cho phép từ  từ 10µg/dL đến 200  µg/dL chuẩn cho phép trong máu.

Sự việc quá lớn chúng tôi đã báo cáo lên UBND tỉnh, ngay sau đó tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở ban ngành có liên quan nhanh chóng kiểm tra nhà máy cô chì của Công ty CP Kim loại màu Bắc Bộ xem xét mức độ ô nhiễm ra sao.

Qua kiểm tra ban đầu cho thấy, công ty có rất nhiều lỗi vi phạm điển hình như trong quá trình sản xuất  công ty không có hệ thống xử lý khí SO2 độc hại; Công nghệ lò đốt không đảm bảo, việc thay đổi công nghệ không báo cáo và xin phép thẩm định; Khu chứa chất thải nguy hại để lộ thiên ra môi trường, nguồn nước thải công nghiệp chưa có khu chứa, công nhân không có đồ bảo hộ lao động…”.

Việc đo đạc thực tế, không khí trong nhà máy có mức độ chì, lưu huỳnh… vượt mức cho phép hàng trăm lần, không khí ngoài nhà máy có tỉ lệ ô nhiễm chì giảm hơn, việc sản xuất không đảm bảo yếu cầu về môi trường là nguyên nhân dẫn đến việc người dân và công nhận  bị nhiễm chì nặng. Còn về các mẫu xét nghiệm khác như đất, nước, cây… có nhiễm chì không thì chúng tôi lại đang phải đợi Bộ kiểm tra thì mới có kết quả”, ông Chiến cho biết thêm.

Một sự việc rõ như ban ngày, chẳng lẽ các cơ quan chức năng lại thờ ơ với tính mạng sống, sức khỏe của người dân địa phương nơi đây. Hay họ đã “bất lực” trước sự chây ì vô cảm của lãnh đạo công ty mà không có một biện pháp cứng rắn xử lý. Ngay từ đầu, khi chấp thuận cho công ty hoạt động sao không kiểm tra đánh giá toàn diện hồ sơ năng lực của công ty. Có phải vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi rồi đẩy hậu quả trực tiếp cho hàng trăm con người đang sống cạnh nhà máy này?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Cao Lộc (Lạng Sơn): Chính quyền ‘bất lực’ với vấn nạn ô nhiễm chì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ