Thứ sáu, 29/03/2024 13:52 (GMT+7)

Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng: Vì sao 5 năm vẫn chưa tìm được vốn?

MTĐT -  Thứ hai, 15/06/2020 17:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2016, nhưng 5 năm qua vẫn loay hoay tìm nhà đầu tư.

Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2016. Theo đó, đoạn cao tốc từ huyện Chi Lăng đến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) dài 43 km, quy mô 4 làn xe được đầu tư bằng vốn vay ODA, với tổng số tiền 8.743 tỷ đồng.

Dự án này được quy hoạch nối thông với cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng (Lạng Sơn) để hình thành tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị phục vụ lưu thông hàng hóa qua biên giới Việt Trung và phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Đông Bắc.

Đầu 2018, để giảm áp lực nợ công, Chính phủ quyết định chuyển hình thức đầu tư dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng từ nguồn vốn vay ODA sang đầu tư BOT. Đồng thời, Chính phủ bổ sung tuyến đường này vào dự án cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng (Lạng Sơn) đang triển khai, với kế hoạch hoàn thành toàn tuyến từ Bắc Giang đến cửa khẩu Hữu Nghị vào năm 2020. Song song đó, dự án được chuyển giao cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông Vận tải về UBND tỉnh Lạng Sơn.

Cuối 2019, cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng (Lạng Sơn) đã hoàn thành song vẫn không nối thông được đến cửa khẩu Hữu Nghị do đoạn còn lại chưa triển khai.

Mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn kiến nghị với Quốc hội hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách trung ương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với Dự án thành phần 2 đoạn Chi Lăng - Hữu Nghị thuộc cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Trao đổi với báo PLVN, ông Dương Xuân Hòa, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, Đoàn đã nhận được kiến nghị trên của UBND tỉnh Lạng Sơn và đã tổng hợp gửi Quốc hội theo trình tự.

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua, đơn vị này nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, nhất là nội dung đề nghị đầu tư tiếp đoạn Chi Lăng - Hữu Nghị để kết nối đồng bộ cửa khẩu Hữu Nghị với tuyến cao tốc, tháo gỡ “điểm nghẽn” trên cung đường trọng điểm vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu từ nội địa sang thị trường Trung Quốc và ngược lại, đồng thời làm cơ sở để triển khai tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Nội dung này, UBND tỉnh đã có báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để xin chủ trương, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tuy nhiên đến nay chưa có kết quả cụ thể.

Theo văn bản kiến nghị gửi Quốc hội, đoạn đường cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị dài 43,6km là đoạn tuyến cuối cùng nằm trong quy hoạch tổng thể tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Theo chủ trương đầu tư ban đầu, đoạn tuyến này được sử dụng nguồn vốn vay ADB.

Tuy nhiên, do việc tiếp cận nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn và sẽ làm gia tăng nợ công, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung đoạn tuyến này vào Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông Vận tải về UBND tỉnh Lạng Sơn từ ngày 8/5/2018. Nhà đầu tư (NĐT) của dự án này là Tập đoàn Đèo Cả.

Về tình hình thực hiện Dự án, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết đã ký kết Hợp đồng và Phụ lục Hợp đồng với NĐT theo quy định, đồng thời Kiểm toán Nhà nước cũng đã xem xét và kết luận các thủ tục pháp lý dự án đảm bảo quy định của pháp luật.

Song song với đó, NĐT đã góp 424 tỷ đồng và thực hiện giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), chi phí tư vấn, chi phí quản lý dự án; công tác GPMB đã được triển khai, giao cho NĐT 8,5/43,6km (đạt 20%). Tuy nhiên, hiện nay đang tạm dừng công tác GPMB do chưa thu xếp được nguồn vốn.

Theo tính toán, tổng nguồn vốn tham gia thực hiện đoạn cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị  khoảng 8.310 tỷ đồng. NĐT Đèo Cả cam kết cam kết góp 1.750 tỷ đồng; Ngân hàng BIDV cam kết cho dự án vay 2.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương khoảng 1.000 tỷ đồng.

Đối với phần vốn còn lại của ngân sách nhà nước và phần vốn vay còn thiếu, UBND tỉnh Lạng Sơn đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ dự án từ ngân sách trung ương khoảng 2.160 tỷ đồng, đồng thời giao Ngân hàng Nhà nước làm việc, có ý kiến với Ngân hàng Vietinbank và các ngân hàng thương mại khác xem xét, thu xếp phần vốn tín dụng còn thiếu của dự án là khoảng 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay các vướng mắc nêu trên chưa được tháo gỡ.

Ông Phan Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị, cho biết, vướng mắc là tổng vốn đầu tư của dự án quá lớn, ngân hàng khó thu xếp vốn cho vay. Tổng vốn đầu tư xây dựng toàn tuyến với 4 làn xe là 9.200 tỷ đồng (tăng so với tổng vốn 8.743 tỷ đồng năm 2016).

Trong văn bản trả lời mới nhất đầu tháng 6, Chính phủ đã yêu cầu tỉnh Lạng Sơn làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về khả năng hỗ trợ vốn trung ương cho dự án cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị. Đồng thời, yêu cầu tỉnh tìm phương án đầu tư tối ưu, đảm bảo yêu cầu kinh tế, kỹ thuật, tránh lãng phí.

Về phía Bộ Giao thông Vận tải, trao đổi với Vnexpress, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Đối tác công tư cho biết, dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng cần được triển khai nhanh và hiệu quả vì đây là dự án quan trọng, cấp thiết, đã nằm trong quy hoạch mạng lưới cao tốc toàn quốc. Bộ Giao thông Vận tải cũng ủng hộ tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu phân kỳ đầu tư để giảm vốn ngân sách hỗ trợ và dễ huy động vốn tín dụng.

"Tỉnh Lạng Sơn cần rà soát, tính toán phương án đầu tư tối ưu. Nếu phân kỳ đầu tư, tỉnh cần tính đến mở rộng nền đường hoặc gia cố taluy ngay để sau này mở rộng 4 làn thì không cần phải phá dỡ thêm gây lãng phí", ông Nguyễn Viết Huy nói.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng: Vì sao 5 năm vẫn chưa tìm được vốn?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới