Thứ năm, 28/03/2024 20:11 (GMT+7)

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vỡ tiến độ vì...'đói vốn'

MTĐT -  Thứ hai, 26/08/2019 17:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đại diện nhà đầu tư cho biết những vướng mắc này đã “vượt ra khỏi khả năng của doanh nghiệp dự án” và “vượt ra khỏi sức chịu đựng của các nhà thầu”, vì vậy họ buộc phải đưa ra một kế hoạch dừng dự án.

Theo Chỉ thị của Chính phủ, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận “phải cơ bản thông xe cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong năm 2020”. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng tái khởi động, dự án đang “vướng” việc xác định được nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng từ các ngân hàng còn đang soi xét chưa định rõ việc thẩm định cho vay.

Trao đổi với báo QĐND, Ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp thực hiện dự án) cho biết, thời gian tới, nếu dự án không được xác định nguồn vốn thì khả năng sẽ phải xác lập điểm dừng để đề nghị tỉnh Tiền Giang báo cáo Chính phủ và Quốc hội về việc không thể thông tuyến vào năm 2020. Mốc tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2021 còn tùy thuộc vào nguồn vốn đầu tư.

Thi công dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận.

Về nguồn vốn ngân sách Nhà nước, Chính phủ đã có các tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bố trí hơn 2.100 tỷ đồng hỗ trợ dự án, sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2018. Đến nay, do chưa có ý kiến chấp thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên chưa thể xác định được kế hoạch bố trí vốn, thời gian giải ngân vốn để làm cơ sở bảo đảm phương án tài chính của dự án, phương án vay vốn. Dự kiến, nội dung này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp tháng 9 tới.

Về nguồn vốn tín dụng, ngày 21/8, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), đại diện cho các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án đã có báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam qua đó đã xác định: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) không tiếp tục tham gia đồng tài trợ cho dự án. Các ngân hàng yêu cầu vốn tự có của nhà đầu tư phải đáp ứng là 3.800 tỷ (trong khi mức của UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt là: 2.787 tỷ đồng, chênh lệch hơn 1.000 tỷ đồng). Nhà đầu tư cho biết, có thể đáp ứng vốn tự có ở mức 3.400 tỷ nhưng ngân hàng chưa thống nhất. Ngoài ra, các ngân hàng xác định còn thiếu 882 tỷ mới đủ vốn thu xếp cho dự án.

Để triển khai thành công dự án, việc khơi thông nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước đến tín dụng rất quan trọng, có tính chất then chốt nhằm xác định khả năng thực hiện dự án thông được tuyến trong năm 2020, hoàn thành đưa vào sử  dụng cao tốc Trung Lương - Mỹ thuận trong năm 2021 không phụ thuộc vào năng lực của nhà đầu tư hiện nay.

Đại diện doanh nghiệp dự án khẳng định, những vướng mắc về vốn đã “vượt ra khỏi khả năng của doanh nghiệp dự án” và “vượt ra khỏi sức chịu đựng của các nhà thầu”, vì vậy buộc phải đưa ra một kế hoạch dự kiến cho việc dừng dự án.

Dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận khởi công từ năm 2009 với chiều dài hơn 51km, nối với tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương, là dự án trọng điểm giảm tải cho Quốc lộ 1. Đây là tuyến đường huyết mạch, kết nối TP Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Tây Nam Bộ
Bạn đang đọc bài viết Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vỡ tiến độ vì...'đói vốn'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.