Thứ sáu, 29/03/2024 04:02 (GMT+7)

Cập nhật về thiệt hại nặng nề do mưa lũ tại các tỉnh miền Trung

QUỐC HUY -  Thứ bảy, 10/10/2020 20:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua khiến nhiều địa phương tại các tỉnh miền trung chìm trong biển nước. Thống kê sơ bộ đã có 13 người chết và mất tích do đợt mưa lũ này gây ra.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, thống kê sơ bộ đến sáng nay, 10/10, mưa lũ xảy ra tại các tỉnh miền Trung những ngày vừa qua đã làm 13 người chết, mất tích. Cụ thể, Mưa lụt khiến 5 người chết (Quảng Trị 2, Quảng Ngãi 1, Gia Lai 1, Đăk Lăk 1); 8 người bị mất tích (Quảng Trị 6, Thừa Thiên Huế 1, Gia Lai 1); 5 người bị thương (Quảng Bình 1, Thừa Thiên Huế 3).

Hơn 500 nhà dân tại xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá (Quảng Bình) chìm sâu trong biển nước


Khoảng 33.386 ngôi nhà bị úng ngập, hư hỏng; 30 điểm trường bị ngập, 93 điểm giao thông trên các tuyến quốc lộ bị sạt lở; hơn 2.000ha lúa, hoa màu bị ngập, hơn 772ha nuôi trồng thủy sản bị tràn, 34.730 con gia cầm và 21.620 con gia súc bị chết, cuốn trôi... Hiện tại, 161 xã thuộc 28 huyện của các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, thành phố Đà Nẵng bị ngập sâu, giao thông bị chia cắt, nhiều khu dân cư bị cô lập…

Theo báo cáo chưa đầy đủ từ các tỉnh, có 161 xã của 28 huyện/5 tỉnh, thành phố bị ngập. Nặng nhất là Quảng Trị với 68 xã thuộc 9 huyện bị ngập sâu từ 1-2m. Thừa Thiên Huế, có 51 xã của 5 huyện bị ngập sâu 0,3-2m. Quảng Bình có 28 xã thuộc 6 huyện bị ngập sâu từ 0,3– 1m, có nơi ngập sâu 3m. Hà Tĩnh cũng có nhiều điểm bị ngập sâu trên 0,3m.

Tại Quảng Bình, tính đến thời điểm hiện tại, mưa lũ lớn đã làm 12.616 nhà dân bị ngập, trong đó nặng nhất ở các huyện Minh Hóa với xã Tân Hóa có 550 nhà ngập sâu 1m - 2,5m, trường học ngập từ 0,5m - 2m, trụ sở làm việc ngập 1,5m.

Người dân tại xã Tân Hoá , huyện Minh Hoá (Quảng Bình) thích nghi với lũ bằng cách sống trong các nhà nổi bằng gỗ


Ông Trương Thanh Duẩn - Chủ tịch UBND xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá (Quảng Bình) cho biết, mưa lớn ba ngày qua khiến nước lũ tại sông Rào Nan lên nhanh đã làm ngập hàng trăm căn nhà tại vùng rốn lũ Tân Hóa. Toàn xã có 6 thôn thì 5 thôn có nhà dân ngập nặng, trong đó thôn 3 của xã này nước đã dâng tận nóc nhà.

Hiện tại, người dân tại xã Tân Hóa phải tránh lũ trên các nhà nổi được thiết kế bằng gỗ có diện tích từ 10-20 m2, vừa đủ cho cả gia đình sinh hoạt bên trong.

Theo ông Duẩn, xã Tân Hóa có địa hình lòng chảo, bốn bề là núi đá vôi nên khi nước sông dâng cao, địa phương này được ví như túi nước, thoát chậm so với các khu vực khác.

“Rút kinh nghiệm từ trận  lũ lịch sử 2010, người dân tại đây dần thích nghi với lũ bằng việc thiết kế những ngôi nhà nổi bằng gỗ, phía dưới được neo bằng các thùng phuy rỗng, sàn lát ván gỗ và lợp tôn, che kín xung quanh và có diện tích 10-20 m2. Mỗi khi lũ về, người dân dọn dẹp các vật dụng cùng nhu yếu phẩm cần thiết lên nhà nổi ở để chống chọi với lũ”, ông Duẩn cho biết.

Ngoài xã Tân Hóa, nhiều địa phương khác của tỉnh Quảng Bình như huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy cũng chịu cảnh ngập lụt khi mưa lớn kéo dài, nước sông Gianh, sông Kiến Giang lên nhanh.

Người dân miền Trung oằn mình chống lũ


Tại huyện Tuyên Hóa, hơn 382 hộ dân các xã Đức Hóa, Ngư Hóa, Thạch Hóa, Lâm Hóa bị ngập. Tại huyện Lệ Thủy, mực nước trên sông Kiến Giang đã lên đến 13,52 m. Mưa lũ khiến nhiều làng, xã bị cô lập, chia cắt, một số tuyến đường bị sạt lở, hư hỏng. Hơn 600 hộ dân dọc các sông ở địa phương này ngập sâu khoảng 1 m, tập trung chủ yếu ở xã Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy, Trường Thủy, An Thủy, Lộc Thủy, Sơn Thủy, Dương Thủy…

Một số tỉnh miền Trung như Quảng Trị, TT.Huế, Hà Tĩnh cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt lũ này.

Quảng Trị là địa phương thiệt hại nặng nề nhất với 2 người tử vong và 7 người mất tích. Tính đến sáng 10/10, trên địa bàn tỉnh có 36.091 hộ với 113.145 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, trong đó đã triển khai sơ tán 6.751 hộ với 19.852 người đến các khu vực an toàn.

Thừa Thiên Huế cũng đã có 24.520 nhà bị ngập lụt từ 0,2 – 1,2m, một số nơi cao hơn. Mực nước các sông đã vượt báo động II, đạt báo động III; nhiều đường bộ, đường sắt sạt lở nghiêm trọng; nhiều xã, phường, các tuyến đường ngập sâu khiến nhiều vùng mênh mông trong biển nước.

Lực lượng Công an giúp người dân tránh lũ

Để bảo đảm an toàn tính mạng người dân, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam đã di dời, sơ tán 8.024 hộ dân với tổng số 26.407 người sinh sống ở khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đến nơi an toàn…

Trước tình hình mưa lũ phức tạp, Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương tiếp tục tổ chức tìm kiếm người còn mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch, hướng dẫn đảm bảo an toàn sử dụng điện.

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật về thiệt hại nặng nề do mưa lũ tại các tỉnh miền Trung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.