Thứ năm, 25/04/2024 23:24 (GMT+7)

“Cát tặc” lộng hành trên sông Đồng Nai

MTĐT -  Thứ ba, 23/10/2018 13:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Người dân sống tại xã Đại Phước (tỉnh Đồng Nai) cho rằng, việc khai thác cát bất chấp như hiện nay, đảo Ông Cồn đang bị xóa sổ hàng trăm hecta đất và có nguy cơ mất luôn đảo trong tương lai.

Nhiều người dân sống tại xã Đại Phước (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) vô cùng bức xúc khi chứng kiến cảnh đất của mình bị sạt lở xuống sông do tình trạng khai thác cát trái phép gây nên. Họ đau xót nhưng bất lực trước việc “cát tặc” cứ ngang nhiên lộng hành... 

Ông Võ Văn Phú (cư ngụ tại xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch) cho biết, hằng đêm vào giờ khuya hoặc gần sáng là thời điểm các thuyền hút cát trái phép hoạt động rầm rộ nhất. 

Khi người dân phát hiện lập tức trình báo sự việc với chính quyền địa phương, cơ quan Công an, nhưng mỗi khi cơ quan chức năng đến thì các đối tượng nhanh chóng điều khiển phương tiện chạy qua bên kia sông thuộc địa phận TP Hồ Chí Minh để lẩn tránh. 

Đợi khi vắng bóng lực lượng chức năng thì “cát tặc” lại đến khu vực ven sông ngay trước vườn của ông Phú để khai thác cát. Tình trạng này cứ tái diễn trong thời gian dài khiến đất vườn nhà ông Phú bị sạt lở không ngừng. 

Không chỉ có ông Phú, mà gia đình bà Hiền (người dân sống trên đất ven sông Đồng Nai thuộc địa phận xã Địa Phước) cũng lâm vào cảnh tương tự. Vì quá bức xúc trước việc “cát tặc” phá nát dưới lòng sông, các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền có biện pháp ngăn chặn, thế nhưng tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra ngang nhiên.

Ghe hút cát hoạt động cả ngày lẫn đêm trên sông Đồng Nai.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hành vi khai thác trái phép trên sông Đồng Nai diễn biến phức tạp, với các thủ đoạn đưa phương tiện ra ngoài khu vực được cấp phép để hút cát, đưa phương tiện không được cấp phép vào khu vực mỏ được cấp phép, khai thác vượt thời gian theo qui định nhằm tăng công suất khai thác. 

Không những thế trên các phương tiện còn trang bị cả ống nhòm để theo dõi, quan sát phát hiện lực lượng chức năng từ xa để đối phó nên việc cơ quan chức năng bắt quả tang, xử lý những phương tiện vi phạm vẫn còn rất ít so với thực trạng diễn ra.

Những ngày trung tuần tháng 10-2018, chúng tôi có dịp tiếp cận khu vực bờ đảo Ông Cồn phát hiện nhiều chiếc xà lan vươn cần múc cát lên chiếc tàu bên cạnh. Phía trên đầu tàu luôn có một người bật đèn pin quan sát xung quanh nếu có thuyền lạ đi ngang liền báo hiệu cho các chủ xà lan “án binh bất động”. 

Người dân sống tại xã Đại Phước cho rằng, việc khai thác cát bất chấp như hiện nay, đảo Ông Cồn đang bị xóa sổ hàng trăm hecta đất và có nguy cơ mất luôn đảo trong tương lai. 

Một người dân sống trên đảo Ông Cồn (xin giấu tên vì sợ trả thù) cho hay: “Những kẻ khai thác cát trái phép ở khu vực này rất nguy hiểm, dữ dằn khiến chúng tôi không dám lên tiếng ngăn cản. Nhiều năm nay chúng tôi đã khẩn thiết cầu cứu các cơ quan chức năng cần có giải pháp đẩy lùi “cát tặc”, bảo vệ tài sản và tính mạng người dân nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”.  

Đã đến lúc các cơ quan chức năng tại tỉnh Đồng Nai cần nhanh chóng vào cuộc để xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép hiện nay, nhằm bảo vệ tài nguyên khoáng sản của quốc gia và giúp người dân ổn định sản xuất trên diện tích đất đai của mình.

Theo báo CAND

Bạn đang đọc bài viết “Cát tặc” lộng hành trên sông Đồng Nai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.