Thứ sáu, 29/03/2024 14:07 (GMT+7)

Cát tặc ‘nuốt’ hàng chục héc ta đất

MTĐT -  Thứ hai, 26/12/2016 10:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không như trước đây chỉ lén lút hút cát vào ban đêm, hiện nay cát tặc còn công khai hút cả ban ngày, làm mất hàng chục héc ta đất của người dân, doanh nghiệp, gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.

Thiệt hại hơn 600 tỉ đồng

Nhiều năm qua, người dân KP.Trường Khánh (P.Long Phước, Q.9, TP.HCM) liên tục phản ánh với các cơ quan chức năng về tình trạng cát tặc lộng hành, hút đi hàng chục héc ta đất của người dân, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu. Theo thống kê, chỉ riêng KP.Trường Khánh này đã có gần 50 ha đất bị “hút” mất. 

Mỗi ngày có hàng chục tàu, xà lan tập kết, neo đậu khai thác cát rất mất trật tự cả ngày lẫn đêm trên khu vực dọc theo tuyến sông Soài Rạp, gây sạt lở nghiêm trọng tại khu vực

Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Công ty Sài Gòn Gôn

Bà Thu (ngụ KP.Trường Khánh) kể trong lo lắng, bức xúc: Gia đình bà có mấy ngàn mét vuông đất nhưng do cát tặc tung hoành trên sông Đồng Nai khiến một phần đất của gia đình bà và những người dân ở đây biến thành sông. Bà và một số người khác đã báo với chính quyền địa phương nhưng không ăn thua. “Bọn cát tặc quá hung hãn, biết ai đi tố giác là chúng thuê giang hồ tới đập phá nhà cửa nên người dân chỉ biết đứng nhìn đất của mình trôi sông từng ngày”, bà Thu bức xúc.

Chỉ về khu đất, một người dân ở KP.Trường Khánh cho biết trước đây là vườn dừa kết hợp với trồng một số loại cây ăn trái. Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay khu đất liên tục bị sạt lở, mất dần. Qua theo dõi và tìm hiểu, ông mới biết nguyên nhân là do cát tặc hút cát trên sông Đồng Nai, gần sát bên khu đất nhà ông khiến đất bị sạt lở nghiêm trọng.

“Nhà tôi đã mất gần 1.700 m2 đất. Đã nhiều lần tôi báo với chính quyền địa phương nhưng khi chính quyền xuống kiểm tra thì cát tặc rút đi, sau đó đâu cũng vào đấy. Bọn cát tặc cứ đút ống vào bờ sông hút cát và hút luôn đất của dân. Nhìn đất của mình ngày ngày trôi sông mà chúng tôi bất lực không làm gì được”, ông nói.

Không chỉ đất của người dân, ngay cả đất của doanh nghiệp được bảo vệ nghiêm ngặt cũng không thoát. Mới đây, Công ty Sài Gòn Gôn đã có đơn kêu cứu khẩn cấp đến các cơ quan chức năng của TP.HCM và Đồng Nai về tình trạng khai thác cát trên sông Soài Rạp khiến dự án của công ty bị mất đến 75.335 m2, thiệt hại lên đến hơn 600 tỉ đồng. Cụ thể, từ khi được giao đất vào tháng 12.2015 đến nay, khu đất dự án liên tục bị sạt lở, có những đoạn sạt lở từ 15 - 70 m, thậm chí có một đoạn sạt lở gần 30 m do khai thác cát trên sông Soài Rạp (khu vực ráp ranh giữa TP.HCM và Đồng Nai) bao quanh dự án.

“Mỗi ngày có hàng chục tàu, xà lan tập kết, neo đậu khai thác cát rất mất trật tự cả ngày lẫn đêm trên khu vực dọc theo tuyến sông Soài Rạp, gây sạt lở nghiêm trọng tại khu vực. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị UBND TP.HCM phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trên sông Soài Rạp, tái lập an ninh trật tự, chống sạt lở trong khu vực, giảm thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp”, ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Công ty Sài Gòn Gôn, bức thiết.

Cũng theo đơn kêu cứu của Cảng tổng hợp quốc tế ITC Phú Hữu (gọi tắt Cảng ITC, P.Phú Hữu, Q.9, TP.HCM), hơn 2 tháng qua, tại ngã ba sông Đồng Nai (giáp ranh giữa P.Phú Hữu - P.Long Trường, Q.9) vào khoảng 22 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau xuất hiện nhiều xà lan, tàu trang bị máy hút công suất lớn công khai khai thác cát trộm. Vị trí hút cát trộm của những chiếc ghe này chỉ cách cảng khoảng 500 m nên gây nguy hiểm cho việc tàu thuyền ra vào cảng giao, nhận hàng hóa. Nguy hiểm hơn, việc này sẽ dẫn đến sụt lở nhiều công trình của Cảng ITC đang xây dựng tại đây. “Chúng tôi đã nhiều lần gọi điện, viết đơn cầu cứu Cảnh sát giao thông đường thủy TP, lực lượng Bộ đội biên phòng TP về việc này. Thế nhưng, đến nay việc khai thác cát lậu vẫn ngang nhiên diễn ra tại đây”, đại diện Cảng ITC bức xúc.

“Mật phục” cát tặc

Trong suốt 1 tuần từ ngày 6 - 12.12, chúng tôi đã có mặt tại khu vực nông trường dừa ở P.Long Trường (Q.9) và chứng kiến mỗi ngày có hàng chục chiếcxà lan hút cát công suất lớn neo đậu, hoạt động tấp nập suốt ngày, đặc biệt là ban đêm. Khi có động tĩnh, các tàu này lập tức rút vòi lên, neo đậu tại chỗ, không hoạt động. Khi thấy “an toàn” thì tiếp tục lộng hành.

Khoảng 16 giờ ngày 4.12, chúng tôi đã thuê một chiếc ghe chạy dọc sông Đồng Nai đoạn P.Long Trường. Chỉ một đoạn sông ngắn gần khu vực nông trường dừa đã có hơn 10 xà lan hút cát công suất lớn đang neo đậu. Có điều lạ là chuẩn bị vào giờ cao điểm nhưng những chiếc xà lan này bỗng dưng án binh bất động. Người lái ghe giải thích bọn cảnh giới đã phát hiện có người lạ xuất hiện và báo cho các xà lan hút cát dừng lại, chờ động tĩnh. Biết đã bị động, chúng tôi quay lại bờ.

Đến 18h30 ngày 6.12, sau khi đã hóa trang cẩn trọng, chúng tôi trở lại đoạn sông này thì thấy những chiếc xà lan đồng loạt nổ máy hút cát. Tổng cộng 4 xà lan hút liên tục từ tối 6.12 đến 6 giờ sáng hôm sau. Liên tiếp những ngày sau đó, chúng tôi chứng kiến mỗi ngày có 3 - 4 xà lan liên tục hút cát. Đầy cát thì nhổ neo và một chiếc khác chạy đến thế chỗ. Cứ thế họ hút liên tục cả đêm đến tận sáng. Thậm chí hút công khai giữa ban ngày bất chấp sự ngăn cản của người dân.

Những ngày có mặt tại khu vực này, điều chúng tôi thấy lạ là không thấy lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát. Chỉ những người có đất tại khu vực nông trường dừa lên tiếng ngăn cản nhưng bất lực. Thậm chí có cát tặc còn hăm dọa sẽ kêu giang hồ “xử” nếu người nào ngăn cản. Quá sợ hãi, người dân đành đứng nhìn những chiếc xà lan ầm ầm nổ máy hút cát.

Những người dân ở đây cho biết mặc dù các xà lan hút cát đậu ở xa bờ, nhưng thủ đoạn của cát tặc là đưa người lặn xuống kéo ống hút cát vào sâu trong bờ để hút. Việc hút cát liên tục, cộng với nước sông chảy xiết đã khiến đất hai bên bờ sông bị sạt lở, kéo theo đó là người dân bị mất đất. Nhiều năm nay họ khẩn thiết cầu cứu các cơ quan chức năng có giải pháp đẩy lùi cát tặc, bảo vệ tài sản và tính mạng người dân nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết.

Nhu cầu cát xây dựng ngày càng tăng. Nếu năm 2016 khoảng từ 131 - 140 triệu m3 thì đến năm 2020 sẽ lên tới khoảng 182 - 197 triệu m3. Cát sông ngày càng cạn kiệt do các dòng sông được khai thác thủy điện. Chính vì cát xây dựng ngày càng khan hiếm đã khiến việc khai thác cát lậu trên các sông ngày càng nhiều và trở nên nghiêm trọng.

Theo Thanh Niên

Bạn đang đọc bài viết Cát tặc ‘nuốt’ hàng chục héc ta đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới