Thứ ba, 23/04/2024 19:40 (GMT+7)

Cấu trúc vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt vùng Bắc Trung Bộ

MTĐT -  Thứ tư, 23/03/2022 09:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Địa bàn Bắc Trung Bộ xưa gồm là xứ Thanh và xứ Nghệ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) có vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Từ xa xưa đây đã từng là “phên dậu”, là nơi xuất phát của nhiều cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Theo hệ thống phân vùng địa lý Việt Nam, ba tỉnh này là khu vực chuyển tiếp giữa Bắc Bộ và Nam Trung Bộ. Cùng với việc khai phá vùng châu thổ sông Cả, tạo lập làng xóm, các thiết chế văn hóa, xã hội của người Việt đã dần hình thành, đặc biệt là những ngôi chùa thờ Phật đã có mặt ở đây từ khá sớm.

Cấu trúc vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt vùng Bắc Trung Bộ - Tạp chí Kiến Trúc
Góc đao ở đình Sừng (Nghệ An) không sử dụng âu tàu

Cấu trúc cơ bản của hệ khung gỗ truyền thống Việt Nam là “bộ vì” và các xà giằng vì, đây chính là thành phần cốt lõi tạo nên quy mô, hình dạng cơ bản của kiến trúc. Nếu vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt ở vùng Bắc Bộ rất phong phú về thành phần cấu tạo, đa dạng về kiểu dáng, thì vì mái ở vùng này vẫn sử dụng các vì nóc theo hình thức chồng rường, giá chiêng, nhưng cấu kiện kiến trúc đã được đơn giản hóa để biến thành kiểu vì kèo rất phổ biến ở khu vực này. Đó là những kết cấu đơn giản, không cầu kỳ, nặng nề như miền Bắc, nhưng mặt nào đó, tính nghệ thuật bị giảm đi. Các đề tài trang trí được thể hiện ngay trên các cấu kiện, nhưng vẫn đảm bảo khả năng chịu lực.

Niên đại/ phong cách nghệ thuật

Trên bước đường Nam tiến, người Việt cũng mang theo những kỹ thuật, phong cách xây dựng của mình, nhưng cũng biết sáng tạo những kiểu thức, cấu trúc mới để phù hợp hơn với điều kiện khí hậu, môi trường. Nếu ở vùng Bắc Bộ, các di tích được biết hiện còn mang phong cách nghệ thuật từ thời Trần đến thời Nguyễn, thì ở khu vực Bắc Trung Bộ có niên đại muộn hơn, hiện chỉ còn từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn.

Những dấu vết vật chất sớm nhất về kiến trúc gỗ cổ truyền ở vùng này hiện còn từ thế kỷ 17 trở lại đây, tập trung lớn ở tỉnh Thanh Hóa, nơi tiếp giáp và chịu nhiều ảnh hưởng nét văn hóa của vùng Bắc Bộ. Tuy nhiên, những di tích kiến trúc có niên đại sớm này thường chứa đựng các lớp niên đại nối tiếp nhau và để lại dấu vết của nhiều đợt trùng tu trong lịch sử như đình Bảng Môn, đình Thượng Phú, chùa Hoa Long, đền Trần Khát Chân, đền Độc Cước. Các di tích có cấu trúc bộ khung gỗ ở tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh hiện còn mang phong cách nghệ thuật từ cuối thế kỷ 18, có khung niên đại muộn hơn so với tỉnh Thanh Hóa như đền Cả, đình Hội Thống, đền Lê Khôi (Hà Tĩnh), đình Đông Viên, đình Hoành Sơn (Nghệ An)…

Độ dốc mái của các công trình kiến trúc gỗ truyền thống

Các công trình kiến trúc gỗ truyền thống của người Việt ở Bắc Bộ có hệ mái theo mặt phẳng, với độ dốc trung bình khoảng 32-350. Các góc mái được tạo thành các âu tàu dâng góc đao, tỉ lệ mặt mái chiếm đến 2/3 chiều cao công trình và luôn vươn cao hơn hẳn so với nhà dân dụng. Trong khi đó, hệ mái của các công trình kiến trúc gỗ truyền thống ở vùng Bắc Trung Bộ không quá cao, được bố trí hài hòa vừa đảm bảo nhu cầu kinh tế, vừa phù hợp với điều kiện môi trường, địa chất.

Độ dốc mái của các công trình kiến trúc gỗ cổ truyền ở khu vực Bắc Trung Bộ trung bình từ 33 – 380, lớn hơn so với vùng Băc Bộ. Tuy nhiên, độ dốc mái của ba tỉnh vùng này cũng có sự khác biệt: Độ dốc mái các công trình kiến trúc ở Thanh Hóa tương đương với các di tích ở khu vực Bắc Bộ, thường từ 33 đến 350 (trường hợp Đại bái đình Phú Điền có độ dốc mái tới 370). Độ dốc của mái các công trình kiến trúc ở Nghệ An – Hà Tĩnh lớn hơn ở Thanh Hóa (khoảng từ 33 đến 380), cá biệt có những công trình như đình Hậu, đình Liên Trì, đền Phú Thọ, đình Phú Yên (Nghệ An) độ dốc mái tới 37-390… Bởi khu vực này có lượng mưa trung bình hàng năm khá lớn, nên độ dốc mái lớn sẽ giúp nước thoát nhanh hơn.

Hệ mái của các công trình kiến trúc ở Thanh Hóa thường được làm cầu kỳ, với hai lớp ngói (ngói lót và ngói lợp) có nhiều điểm tương đồng với vùng Bắc Bộ. Ngói lợp ở các công trình mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17 thường có kích thước lớn như ở đền thờ Nguyễn Văn Nghi (Thanh Hóa) có lợp ngói mũi hài loại lớn (kích thước 0,26m x 0,46m x 0,03m). Ở Nghệ An, Hà Tĩnh, hệ mái thường chỉ có một lớp ngói lợp, không có lớp ngói lót. Để chống trượt cho hệ mái, các ngói được tạo móc để liên kết với các khấc trên thanh rui như ở đền Thanh Liệt, đền Trần Đăng Dinh, đền Rậm (Nghệ An)… Cách tạo hình này rất độc đáo, tạo cảm giác bộ mái trở nên nhẹ nhàng, nhưng nhược điểm là dễ bị thấm dột bởi lớp ngói mỏng. Lớp rui, hoành thường bị ngấm nước vào mùa mưa, nên dễ bị mục, thường xuyên bị thay thế.

Để tăng khả năng chịu lực của tàu mái, các công trình kiến trúc ở tỉnh Thanh Hóa thường dùng các then tàu nối giữa tàu mái và xà dọc, tương tự như vùng Bắc Bộ. Tuy nhiên, đến vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, không sử dụng các then tàu nối với xà dọc như ở đền Trần Đăng Dinh, đền Rậm, đền Phùng Hưng (Nghệ An), đền Voi Mẹp, đền Cả (Hà Tĩnh)… Kết thúc mái là diềm mái, sử dụng các thanh rui chặn tàu mái (nằm cách đầu bẩy khoảng 40cm) nối với diềm mái bằng các chốt để đảm bảo khoảng cách không bị xô lệch, tránh cho đầu bẩy không bị mục.

Cách xử lý góc đao ở Thanh Hóa được làm tương tự với vùng Bắc Bộ, các âu tàu dài và déo cong. Một số di tích ở Nghệ An, Hà Tĩnh vẫn sử dụng các âu tàu, nhưng độ déo ngắn như ở đình Hội Thống (Hà Tĩnh), đền Cờn Trong (Nghệ An)… đa số ở các công trình kiến trúc không sử dụng âu tàu, chỉ sử dụng tàu mái liên kết với nhau tại góc, được đỡ bởi đầu kẻ góc và cột góc. Trường hợp các góc đao được làm tương tự như miền Bắc đều là những trường hợp được tu sửa bởi thợ miền Bắc như đền ông Hoàng Mười (Nghệ An); đền Cả (Hà Tĩnh)…

Các di tích ở Thanh Hóa, mặt mái bên lớn, do khu hồi được mở rộng, thường thêm cột trốn liên kết với xà đùi, nhưng ở Nghệ An – Hà Tĩnh có mặt mái bên nhỏ hơn. Nhiều công trình kiến trúc không sử dụng vì lửng ở hai bên hồi, hoặc không sử dụng cột trốn ở vì nách hồi, nên đối với công trình 1 gian 2 chái có mặt bằng nhà gần vuông khiến cho hệ mái bè và độ dốc mái lớn hơn so với hệ mái ở các công trình kiến trúc vùng Bắc Bộ.

Cấu trúc vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt vùng Bắc Trung Bộ - Tạp chí Kiến Trúc
Góc đao ở đình Trung (Hà Tĩnh) sử dụng âu tàu
Cấu trúc vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt vùng Bắc Trung Bộ - Tạp chí Kiến Trúc
Cấu trúc vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt vùng Bắc Trung Bộ - Tạp chí Kiến Trúc
Liên kết hồi ở đền Trần Đăng Dinh (Nghệ An)

Bước cột, bước gian trong bộ khung gỗ

Các di tích ở Thanh Hóa có khoảng cách bước gian lớn hơn so với Nghệ An, Hà Tĩnh, đặc biệt là các ngôi đình, khoảng cách giữa các bước gian trung bình 3,5-3,9m, khoảng các bước cột cái trung bình 3,2-3,5m, chiều cao cột cái trung bình từ 4,8- 6,5m như chiều cao cột cái đình Phú Điền 6,2m, đình Thượng Phú 4,88m… đồng nghĩa các cấu kiện được tạo tác lớn để tăng khả năng chịu lực. Tuy nhiên, bộ vì ở các ngôi đền có kích thước nhỏ hơn, nên khoảng cách bước cột, bước gian hẹp hơn so với các ngôi đình.

Số hàng chân cột trong các công trình kiến trúc ở Thanh Hóa lớn nhất gồm 6 hàng chân (đình Thượng Phú, đình Phú Điền…), nhưng ở Nghệ An, Hà Tĩnh chỉ sử dụng nhiều kết cấu 4 hàng chân. Những công trình dựng đầu thế kỷ 20 với quy mô nhỏ còn lược bớt hàng chân (trốn hàng chân cột) để mở rộng lòng công trình như đền Lê Khôi, đền Chợ Củi (Hà Tĩnh), đền Thanh Liệt (Nghệ An)…

Các dạng vì nóc trong bộ khung gỗ

Cấu tạo của vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền ở vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh về cơ bản vẫn sử dụng các kiểu thức cơ bản như ở vùng Bắc Bộ là giá chiêng, chồng rường, vì kèo, ván mê…

Kiểu vì nóc giá chiêng chồng rường con nhị vẫn còn được sử dụng ở Thanh Hóa, mang nhiều nét tương đồng với vùng Bắc Bộ, gồm nhiều cấu kiện liên kết với nhau, kích thước các cấu kiện khá lớn. Kiểu liên kết giá chiêng- chồng rường ở Nghệ An, Hà Tĩnh mang phong cách nghệ thuật từ cuối thế kỷ 18 đến thế kỷ 19, có chiều cao thấp, trụ trốn ngắn và các con rường cụt được lược bớt đi, giữa lòng giá chiêng không còn ván bưng, thường để trống.

Vì nóc kiểu vì chồng rường cũng được sử dụng phổ biến, nhưng số lượng con rường được lược bớt ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Mỗi vì chỉ gồm từ 2-3 con rường, chiều dài ngắn, các con rường chồng lên nhau qua đấu kê, ít sử dụng kiểu cốn chồng rường gồm 5-7 con rường liên kết với nhau qua các chốt như miền Bắc (trừ trường hợp kiểu vì chồng rường mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17 ở đền thờ Trần Khát Chân, đình Bảng Môn ở Thanh Hóa cũng chỉ sử dụng 4 con rường).

Vì nóc kiểu vì kèo cọc báng, biến thể thành kiểu các kèo suốt, chạy thẳng từ thượng lương qua cột cái, cột quân ra hiên khá phổ biến ở khu vực này và dần dần biến thể vào khu vực Trung Bộ với kiểu kẻ chuyền xuyên trính. Nhìn chung, tất cả các vì kèo đã phân tích ở trên đều được dựng với quy mô nhỏ và được đơn giản so với miền Bắc. Tại Nghệ An, Hà Tĩnh hình thức kèo được sử dụng nhiều trong các công trình kiến trúc. Kiểu liên kết này được cấu thành từ hai thanh gỗ có tiết diện hình chữ nhật, chạy dài theo chiều dốc của mái nhà, giao nhau tại đỉnh vì.

Cấu trúc vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt vùng Bắc Trung Bộ - Tạp chí Kiến Trúc
Kết cấu vì nóc kiểu giá chiêng chồng rường con nhị
Cấu trúc vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt vùng Bắc Trung Bộ - Tạp chí Kiến Trúc
Kết cấu vì nóc kiểu giá chiêng chồng
Cấu trúc vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt vùng Bắc Trung Bộ - Tạp chí Kiến Trúc
Kết cấu vì giá chiêng chồng rường
Cấu trúc vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt vùng Bắc Trung Bộ - Tạp chí Kiến Trúc
Kết cấu vì giá chiêng kẻ ngồi (nguồn: Ths. KTS. Nguyễn Văn Dũng)
Cấu trúc vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt vùng Bắc Trung Bộ - Tạp chí Kiến Trúc
Kết cấu vì cốn chồng rường (nguồn: Ths. KTS. Nguyễn Văn Dũng)
Cấu trúc vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt vùng Bắc Trung Bộ - Tạp chí Kiến Trúc
Kết cấu vì chồng rường (nguồn: Ths. KTS. Nguyễn Văn Dũng)
Cấu trúc vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt vùng Bắc Trung Bộ - Tạp chí Kiến Trúc
Kết cấu vì kèo cọc báng tay đòn ngang (nguồn: Ths. KTS. Nguyễn Văn Dũng)
Cấu trúc vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt vùng Bắc Trung Bộ - Tạp chí Kiến Trúc
Kết cấu vì kèo cọc báng (nguồn: Ths. KTS. Nguyễn Văn Dũng)

Các dạng vì nách

Vì nách kiểu chồng rường còn được gọi tắt là chồng rường nách hoặc cốn chồng rường, xuất hiện sớm nhất ở đền thờ Trần Khát Chân, đình Thượng Phú, đình Phú Điền (Thanh Hóa)…mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ 17. Trong một vì gồm 4 hoặc 5 con rường chồng lên nhau qua các đấu kê, một đầu ăn mộng vào cột cái bằng mộng xuyên, còn một đầu đỡ hoành mái, giữa các con rường nong ván nỏng để tạo diện trang trí

Vì nách kiểu kẻ là kiểu liên kết phổ biến ở các công trình kiến trúc mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17-18 ở vùng Bắc Bộ, nhưng vẫn được sử dụng ở khu vực Thanh – Nghệ – Tĩnh. Kẻ suốt có phong cách nghệ thuật sớm nhất là ở đình Thượng Phú, chùa Hoa Long (Thanh Hóa). Hình dáng kẻ suốt vùng này tương tự với vùng Bắc Bộ, thường là các kẻ có dáng thẳng, phía trên gắn ván dong đỡ hoành mái, trong đó kẻ suốt ở đình Thượng Phú có kích thước khá dài 5,06m (đỡ 6 hoành mái), kẻ ở chùa Hoa Long dài 2,9m… Các dạng kiểu kẻ ngồi cũng được sử dụng nhiều trong các công trình kiến trúc ở vùng này.

Cấu trúc vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt vùng Bắc Trung Bộ - Tạp chí Kiến Trúc
Vì nách kiểu chồng rường
Cấu trúc vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt vùng Bắc Trung Bộ - Tạp chí Kiến Trúc
Vì nách kiểu kẻ suốtVì nách kiểu kẻ ngồi
Cấu trúc vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt vùng Bắc Trung Bộ - Tạp chí Kiến Trúc
Hình dáng bẩy chéo
Cấu trúc vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt vùng Bắc Trung Bộ - Tạp chí Kiến Trúc
Liên kết góc ở bộ khung gỗ (nguồn: THS. KTS. Nguyễn Văn Dũng)

Các dạng liên kết hiên

Hình dáng của bẩy ở khu vực Thanh Hóa mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17-18 được tạo hình thẳng, chỉ uốn khúc ở đầu, nhưng đến thế kỷ 19, các bẩy được tạo hình khá dài, đỡ từ 4-5 hoành mái. Để tăng khả năng chịu lực của bẩy, người ta đã phải dựng cột đỡ đầu bẩy từ khi khởi dựng như ở đình Nam, đình Cẩm Bào (Thanh Hóa)… Đến Nghệ An, Hà Tĩnh, hình dáng bẩy, kẻ được tạo có độ cong/võng ở giữa thân, nên ván dong đỡ hoành mái thường có tiết diện lớn để đỡ hoành mái.

Sử dụng mộng liên kết giữa các cấu kiện gỗ

Trường hợp câu đầu liên kết với cột qua đấu kê tương tự các di tích cùng thời ở vùng Bắc Bộ rất hiếm gặp ở khu vực Thanh – Nghệ – Tĩnh, mới chỉ thấy ở các công trình mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17 ở đình Thượng Phú, đền Nguyễn Văn Nghi (Thanh Hóa), hay đền Cả (Hà Tĩnh) thế kỷ 18. Cách liên kết phổ biến giữa câu đầu, xà nách với cột cái, cột quân hầu hết sử dụng mộng sập. Một số trường hợp đặc biệt là ở hàng cột hiên trước là cột đá (đình Thượng Thọ, đình Động Bồng, đền Hoàng Bùi Hoàn ở Thanh Hóa) và các kẻ, bẩy hiên có thể được gác trực tiếp lên đỉnh cột hoặc xẻ mộng để cả cây cột đá xuyên qua…

Cách xử lý liên kết ở hai bên hồi ở các công trình kiến trúc ở Nghệ An, Hà Tĩnh có những điểm khác biệt. Nếu như các công trình kiến trúc truyền thống ở Thanh Hóa được làm tương tự với khu vực Bắc Bộ, có sử dụng thêm cột trốn ở vì nách hồi, nên mái hồi được mở rộng, thì hai bên hồi nhà trong các công trình kiến trúc ở Nghệ An, Hà Tĩnh bị thu hẹp. Do không sử dụng các cột trốn ở vì nách hồi, thậm chí chỉ làm điểm gác mái hồi, nên mặt bằng nhà gần vuông.

Liên kết góc trong các công trình kiến trúc ở Thanh Hóa vẫn sử dụng các kẻ góc tương tự như vùng Bắc Bộ. Các cấu kiện này của hai mái giao tiếp với nhau tại vì góc. Do vậy, vì góc chịu tải trọng rất lớn và phức tạp bởi sự thay đổi phương chịu lực của chính các cấu kiện đỡ mái ở góc hồi. Một số công trình ở Nghệ An, Hà Tĩnh có cách xử lý góc khác biệt, các kẻ góc khá ngắn, tiết diện nhỏ, khả năng chịu lực yếu, nên phải bổ sung thêm các bẩy gánh, cột góc để tăng khả năng chịu lực. Kiểu liên kết này xuất hiện trong các công trình mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 19 như ở đình Hương, đền Phùng Hưng, đền Trần Đăng Dinh (Nghệ An), hoặc đầu kẻ góc ăn mộng qua thân cột quân và đỡ dạ xà nách ở đền Trần Đăng Dinh, đình Sừng (Nghệ An)…

Nhiều công trình kiến trúc được dựng vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 có các kẻ được tạo dáng thẳng từ thượng lương đến xà nách, đỡ trực tiếp hoành mái mà không qua ván dong. Trên thân kẻ sử dụng các chốt chặn hoành (con bọ) là có thể giữ được hoành mái ổn định như ở đền Thanh Liệt, đền Trần Đăng Dinh, đền Rậm (Nghệ An)…

Cấu trúc vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt vùng Bắc Trung Bộ - Tạp chí Kiến Trúc
Liên kết hồi ở đền Thanh Liệt (Nghệ An)
Cấu trúc vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt vùng Bắc Trung Bộ - Tạp chí Kiến Trúc
Liên kết hồi ở đền Voi Mẹp (Hà Tĩnh)

Đặc điểm riêng về điêu khắc trang trí

Nghệ thuật điêu khắc trang trí kiến trúc trong các di tích vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh có nhiều điểm rất khác biệt với khu vực Trung Bộ (đặc biệt từ Quảng Bình, Quảng Trị trở vào Nam), nhưng lại có sự tương đồng với vùng Bắc Bộ.

Các cấu kiện kiến trúc đã được người thợ tận dụng hết cả các xà dọc, quá giang để chạm khắc, trang trí; nhiều ngôi đình có các cấu kiện xà được chạm khá đẹp (đình Trường Lưu, đình Trung, đình Hội Thống ở Hà Tĩnh, đình Đông Viên ở Nghệ An, đình Thượng Phú ở Thanh Hóa). Kỹ thuật chạm khắc chủ yếu là chạm nổi, chạm nét. Các kỹ thuật chạm thủng và kênh bong cũng được sử dụng nhưng ít hơn so với vùng Bắc Bộ. Có những mảng chạm rồng, lân mang phong cách nghệ thuật đầu thế kỷ 20 người thợ đã tạo riêng phần đầu và gắn vào thân mảng chạm bằng các đinh chốt. Điểm đặc biệt nữa là nhiều ngôi đình đã được người thợ tận dụng hết cả các xà dọc, quá giang để chạm khắc, trang trí; nhiều cấu kiện gỗ được chạm khá đẹp ở cả hai mặt như đình Trường Lưu, đình Trung, đình Hội Thống (Hà Tĩnh), đình Đông Viên (Nghệ An); đình Thượng Phú (Thanh Hóa)…

Đầu thế kỷ 19, chạm khắc trang trí vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của phong cách nghệ thuật của cuối thế kỷ 18, các cấu kiện cũng được chạm khắc kín cả hai mặt như ở đền Rậm (Nghệ An), đền Thái Yên, đền Nen (Hà Tĩnh)… Đến nửa đầu thế kỷ 20, các cấu kiện chỉ chạm những đề tài đơn giản như hoa văn con triện, hoặc gờ soi đơn giản. Chạm khắc trên vì mái cũng chỉ tập trung những vị trí dễ quan sát, hãn hữu mới được chạm khắc dày đặc trên hai mặt của cấu kiện.

Chủ đề chạm khắc trên kiến trúc đình làng vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh mặc dù chiếm số lượng không nhiều như ở vùng Bắc Bộ nhưng cũng có sự hiện diện đầy đủ các chủ đề như tứ linh, chủ đề con người, hoa lá… Ở đây ta bắt gặp những hoạt cảnh sinh hoạt dân gian có khung niên đại muộn hơn so với vùng Bắc Bộ. Điều đó phản ánh một sự bảo lưu và tiếp biến trong nghệ thuật điêu khắc kiến trúc truyền thống của người Việt, đồng thời cũng tạo nên nét đặc trưng riêng so với các khu vực khác. Tính chất của các mảng chạm như sự kế thừa trực tiếp từ nghệ thuật dân dã đỉnh cao ở cuối thế kỷ 17. Song tới đây, hình tượng con người đã khá thực, nhiều khi chú ý tới từng chi tiết, chỉ có động tác, dáng dấp là được chọn lọc khá kỹ để cho mảng chạm trở nên tươi vui, sống động. Toàn bộ các linh vật được chạm trên kiến trúc ở vùng Bắc Bộ đều được tái hiện ở khu vực này, nhưng nét chạm phóng khoáng, to bản hơn. Ở Nghệ An, Hà Tĩnh, các nét chạm không thiên về chi tiết nhỏ, nhiều cấu kiện chỉ chạm một chủ đề chiếm hết cả chiều dài của cấu kiện.

Lời kết

Về phương diện địa lý tự nhiên, tuy nằm trong cùng một hệ thống lịch sử – văn hóa với Bắc Bộ, nhưng xứ Thanh, xứ Nghệ vẫn mang tính “biệt lập” như là sự mở đầu, thể hiện tính trung gian chuyển tiếp giữa vùng Bắc Bộ và Trung Bộ không chỉ trên bình diện môi trường địa lý tự nhiên mà cả về phương diện lịch sử, văn hóa. Do những biến thiên lịch sử, chịu sự tác động của những biến đổi khí hậu, nên các công trình kiến trúc gỗ cổ truyền ở vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh có niên đại muộn hơn so với vùng Bắc Bộ. Di tích có cấu trúc bộ khung gỗ chỉ mang phong cách nghệ thuật từ thế kỷ 17 trở lại đây, chỉ còn lại ở tỉnh Thanh Hóa.

Bộ khung gỗ ở vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh vẫn tiếp thu tối đa những kỹ thuật gỗ cơ bản của vùng Bắc Bộ. Điều đó cho thấy sự bảo lưu, ít thay đổi và tính hợp lý của cấu trúc bộ khung gỗ, nhưng vẫn không ngừng phát huy và hoàn thiện những phong cách kiến trúc phù hợp với đặc trưng văn hóa vùng miền. Dù là các công trình kiến trúc lớn hay nhỏ, thì vẫn thấy nét khác biệt ở vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh với vùng Bắc Bộ và giữa các tỉnh, được thể hiện rõ ở cấu trúc bộ mái với bờ chảy, bờ dải được làm thẳng, độ dốc mái lớn, các âu tàu gần như vắng bóng ở góc đao, nếu có thì khá ngắn và không déo cong như vùng Bắc Bộ. Lượng ngói lợp trên hệ mái trong các công trình kiến trúc ở Nghệ An, Hà Tĩnh được giảm tối đa, nhưng vẫn có thể tiết chế gió bão khắc nghiệt. Số hàng chân cột, bước gian trong một công trình kiến trúc ở Nghệ An, Hà Tĩnh giản lược, ngắn hơn so với Thanh Hóa. Các vì mái về cơ bản vẫn sử dụng kiểu giá chiêng, chồng rường, vì kèo, ván mê, nhưng lại ít biến thể hơn. Liên kết kiểu vì kèo kẹp vào đầu thế kỷ 20 đã bắt đầu được sử dụng rộng rãi ở khu vực này và trở thành đặc trưng riêng ở khu vực miền Trung.

Ths. Nguyễn Thị Xuân
Viện Bảo tồn Di tích

Tài liệu tham khảo

1. L.Bezacier (1955): Nghệ thuật An Nam, Paris. 
2. Hipolyte Le Breton (1999): An – Tĩnh cổ lục, Nxb Văn hóa – Thông tin, HN. 
3. Trần Lâm Biền (chủ biên) (2008): Diễn biến kiến trúc cổ truyền Việt vùng châu thổ sông Hồng, Nxb. VHTT. 
4. Trần Thị Mỹ Hạnh (2015): Nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc chạm khắc gỗ truyền thống ở Nghệ An, đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh Nghệ An. 
5. Nguyễn Hồng Kiên (1991): Bộ vì nóc của kết cấu nhà khung gỗ cổ truyền Việt Nam, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 7. 
6. Tạ Quốc Khánh (2014): Một vài đặc điểm ngôi chùa ở Nghệ An, Tạp chí kiến trúc số 4. 
7. Tạ Quốc Khánh (2018): Khảo sát, đánh giá đình làng Việt ở vùng Bắc Trung Bộ (Thanh – Nghệ – Tĩnh), NVTXTCN, Viện Bảo tồn di tích. 
8. Viện Bảo tồn di tích (2017): Khảo sát sơ bộ các di tích tôn giáo tín ngưỡng ở tỉnh Thanh Hóa, Tư liệu Viện Bảo tồn di tích. 
9. Nguyễn Thị Xuân (2019): Khảo sát, đánh giá hệ thống vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt (vùng đồng bằng Bắc Bộ), NVTXTCN, tư liệu Viện Bảo tồn di tích. 
10. Yukimasa Yamada và Trần Thị Quế Hà: Nguồn gốc và quá trình phát triển của kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống Việt Nam”, đăng trên hội thảo Việt Nam học và Phát triển, ký hiệu VNH3.TB3.132.

Bạn đang đọc bài viết Cấu trúc vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt vùng Bắc Trung Bộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchikientruc.com.vn

Cùng chuyên mục

Ngành chiếu sáng Việt Nam trên lộ trình chuyển đổi số
Khai thác, sử dụng những thành tựu, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của ngành kỹ thuật số vào ngành chiếu sáng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng tại các đô thị và tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, ...

Tin mới