Thứ tư, 24/04/2024 10:46 (GMT+7)

Cầu truyền hình trực tiếp "Khúc tráng ca hòa bình"

Bình Minh -  Thứ năm, 28/07/2022 08:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tối 27-7, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2022), Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cầu truyền hình trực tiếp “Khúc tráng ca hòa bình” tại 6 điểm cầu

Tham dự chương trình tại điểm cầu Hà Nội có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng...

Cầu truyền hình “Khúc tráng ca hòa bình” tri ân các Anh hùng, liệt sĩ ảnh 1
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự chương trình tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TL

Tham dự chương trình tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh có Thủ tướng Phạm Minh Chính; đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh...

Cầu truyền hình “Khúc tráng ca hòa bình” tri ân các Anh hùng, liệt sĩ ảnh 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự chương trình tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

Tham dự chương trình tại điểm cầu tỉnh Quảng Nam có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng...

Cầu truyền hình “Khúc tráng ca hòa bình” tri ân các Anh hùng, liệt sĩ ảnh 3
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự chương trình tại điểm cầu tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TL

Tham dự chương trình tại điểm cầu tỉnh Bình Định có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư. Cùng dự có các đồng chí: Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương...

Tham dự chương trình tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực. Cùng dự có đồng chí Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng...

Tham dự chương trình tại điểm cầu tỉnh An Giang có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương...

Tham dự tại các điểm cầu có các đồng chí Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương; các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước, đại diện lãnh đạo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nơi tổ chức điểm cầu.

Chương trình “Khúc tráng ca hòa bình” được dàn dựng với 3 phần: "Những dấu chân hòa bình"; "Bài ca không quên"; "Khát vọng hòa bình". Ở phần đầu chương trình, khán giả trở về với lịch sử hào hùng của dân tộc, khi Tổ quốc cần đến, hay nền hòa bình bị đe dọa thì lớp lớp thế hệ lại sẵn sàng lên đường. Những dấu chân thế hệ từ thuở dựng nước đến ngày nay đều cất bước, để lại dấu ấn không thể quên về một thời đã sống và hy sinh vì nền độc lập dân tộc, vì hòa bình của đất nước.

Khán giả tại các điểm cầu thực sự xúc động khi được lắng nghe câu chuyện về “Tuổi 20 giữa bão lửa” của Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Huỳnh Kim Trung-người đã viết đơn tình nguyện vào thực tập và chiến đấu tại Quảng Bình, vùng đất “tọa độ lửa” ngày đêm hứng chịu bom đạn quân thù. Đồng chí Huỳnh Kim Trung hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi, để lại cuốn nhật ký với những dòng viết đầy nhiệt huyết tuổi trẻ: "Nếu lòng ta cứ sợ mưa sa-Thì nắng đẹp mùa xuân đâu sẽ thấy". Bên cạnh đó là câu chuyện về “Một thời hoa lửa” của bà Trần Thị Dự (74 tuổi)-người con đất Quảng Nam về những ngày tháng thanh xuân cùng bạn bè chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Cống hiến hết mình, không ngại khó, ngại khổ hay gian lao-đi qua những mất mát của chiến tranh-đường về nhà của những "dấu chân hòa bình" mỗi người mỗi khác: Có những người trở về với “dấu chân tròn trên cát”, có người mất nhiều năm sau để đoàn tụ được với người thân, có những người mải miết đi tìm những đồng đội cũ... Tất cả để tri ân, tưởng nhớ những người đã ngã xuống. Những người còn sống hôm nay luôn mang trong mình "Bài ca không quên" về các đồng đội đã ngã xuống vì hòa bình.

Tại chương này, khán giả lắng lòng khi nghe câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh (quê Phú Thọ)-người chiến sĩ chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) đã bất khuất hy sinh 38 năm trước, khi trong tay vẫn ôm khẩu súng có khắc dòng chữ: “Sống bám đá đánh giặc/ Chết hóa đá bất tử” lan tỏa khắp mặt trận Vị Xuyên. Dòng chữ ấy được truyền tai nhau và trở thành một “vũ khí tinh thần”, một khẩu hiệu sắt đá của những người chiến sĩ.

Bên cạnh đó là câu chuyện về những gia đình được đón người thân đang nằm lại chiến trường trở về quê hương nhờ phương pháp thực chứng do Đội Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ K53 (Bộ CHQS tỉnh Kon Tum) và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum tiến hành. Cùng với đó là câu chuyện của Đội Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ K93 (Bộ CHQS tỉnh An Giang) đã tìm kiếm và quy tập, hồi hương hơn 3.290 hài cốt liệt sĩ, trong đó tại Campuchia là gần 2.000 hài cốt liệt sĩ và xác định được danh tính gần 400 hài cốt liệt sĩ.

Chiến tranh kết thúc, người Việt Nam hiểu hơn hết về giá trị của hòa bình. Các thế hệ người Việt Nam chung tay giữ gìn, bảo vệ hòa bình; khơi dậy động lực cống hiến, hy sinh vì một Việt Nam phát triển, phồn vinh. “Khát vọng hòa bình” được minh chứng qua câu chuyện về những “Lời hứa hòa bình” của các thương binh trở về sau chiến tranh, mang theo tinh thần lạc quan "tàn mà không phế", chung tay vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, đồng hành với đất nước khi sang những trang sử mới: Trang sử của hòa bình, phát triển và phồn vinh.

Đó là lời hứa thiêng liêng của những người còn sống với các đồng đội đã khuất; câu chuyện về những thế hệ trẻ, mang khát vọng hòa bình vang xa với tấm lòng tri ân, tưởng nhớ thế hệ cha anh đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc...

Bên cạnh những câu chuyện đầy bi tráng về các thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống vì hòa bình, các tiết mục được đầu tư công phu tại những điểm cầu cũng là điểm nhấn vô cùng ấn tượng của chương trình như: Giao hưởng "Khúc tráng ca hòa bình"; Liên khúc: "Lá xanh-Gửi anh đi đầu quân-Hát mãi khúc quân hành"; liên khúc: "Kỷ niệm của tôi-Thời hoa đỏ"; liên khúc: "Vết chân tròn trên cát-Tổ quốc gọi tên mình-Đóa hoa xanh-Lũy đá bất tử-Bài ca không quên"... qua giọng ca của nhiều nghệ sĩ, đưa khán giả trở lại mạch cảm xúc đầy bi tráng và xúc động.

Với sự kết hợp hài hòa, công phu cả về nội dung, hình ảnh và âm nhạc, chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Khúc tráng ca hòa bình” mang đến ký ức và cảm xúc vô cùng thiêng liêng đối với những người trở về sau chiến tranh và thế hệ hôm nay để tri ân các thế hệ đã anh dũng chiến đấu cho tự do, hòa bình và thống nhất non sông.

Bạn đang đọc bài viết Cầu truyền hình trực tiếp "Khúc tráng ca hòa bình". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới