Thứ sáu, 29/03/2024 20:37 (GMT+7)

Bông hoa đẹp của Tổ Môi trường số 8 - Urenco Chi nhánh Ba Đình

MTĐT -  Thứ hai, 26/10/2020 09:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những tâm sự chân thành chứa đựng lòng kính trọng, tình yêu thương của chị Trần Thị Thuỳ Dương về người tổ trưởng của mình - chị Nguyễn Thanh Vân tổ Môi trường số 8 - Urenco Chi nhánh Ba Đình.

Trong cuộc sống cũng như trong công việc hàng ngày, mỗi chúng ta quen biết và gặp gỡ rất nhiều người có tấm lòng nhân ái, sẵn sàng hi sinh bản thân, dành cho mình những phần việc khó, giúp đỡ người khác mà không hề so đo tính toán. Đặc biệt trong ngành nghề của tôi - một nghề nặng nhọc và độc hại, tiếp xúc nhiều với xã hội; thường xuyên phải làm việc vất vả và căng thẳng, sẽ dẫn ta đến sự nóng nảy, cục cằn, khó kiềm chế.

Trầm tĩnh, cương nghị, thoạt nhìn có vẻ khó gần, đó là cảm nhận đầu tiên của tôi về lần đầu gặp chị cách đây gần 10 năm. 10 năm là một khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng không phải là ít để nhìn nhận, đánh giá một con người. Người  mà tôi muốn nhắc đến trong câu chuyện của mình đó là một đồng nghiệp, một người chị, người thầy mà tôi vô cùng ngưỡng mộ, khâm phục và chị cũng chính là tấm gương cho tôi cũng như rất nhiều đồng nghiệp học tập, phấn đấu, thi đua trong lao động sản xuất. Đó là chị Nguyễn Thanh Vân, sinh năm 1970, là tổ trưởng sản xuất tổ Môi trường số 8- Chi nhánh Ba Đình (thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội).

Chị Nguyễn Thanh Vân - “Cây chổi vàng” của URENCO Hà Nội.

Lần đầu gặp chị, tôi là công nhân mới ngày đầu được phân công về tổ. Nhìn chị lầm lũi tập trung làm việc, đáp lại lời chào làm quen của tôi chỉ bằng một cái gật đầu, tôi ngần ngại và nghĩ chắc chị là người khó gần. Nhưng suy nghĩ đó của tôi đã thay đổi chỉ sau 15 phút, khi tôi ngồi loay hoay bó chổi để làm việc thì chị đi qua thấy tôi cứ tháo ra rồi lại buộc vào, chị liền cúi xuống ân cần hướng dẫn từ cách xếp nan, buộc chổi sao cho dễ quét, chỉ vậy thôi tôi đã cảm nhận được sự đầm ấm, trìu mến trong tâm hồn chị. Làm việc lâu với chị tôi mới biết không chỉ mình tôi được chị chỉ bảo giúp đỡ, mà gần như hầu hết các công nhân mới được phân công về tổ, chị đều tận tình hướng dẫn từ cách cầm cái chổi, cái xẻng, cách dọn một đống rác sao cho sạch, cách tiếp xúc với người dân sao cho tốt để họ ủng hộ mình. Chị thường nói với chúng tôi: “Hãy gắn bó với người dân nơi mình làm việc như hàng xóm nhà mình, mình nhiệt tình với họ thì họ sẽ tốt với mình và tạo điều kiện để mình làm việc đỡ vất vả”.

Tổ của chúng tôi phụ trách địa bàn không những rộng, phức tạp mà còn thường xuyên phục vụ các công tác chính trị, mỗi năm tiếp đón hàng vạn lượt khách trong nước và quốc tế về thăm bảo tàng Hồ Chí Minh và vào lăng viếng Bác. Đặc biệt, trong đợt phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, mặc dù tổ thiếu nhân lực nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được ban lãnh đạo Chi nhánh ghi nhận và khen thưởng; hay trong giai đoạn giãn cách xã hội chống đại dịch Covid - 19, ngoài việc chọn những công nhân có sức khỏe, có trách nhiệm phục vụ những khu vực trọng điểm, bản thân chị luôn là người nhiệt tình, làm những chỗ khó khăn nhất, những khu vực đòi hỏi sự nhanh nhạy. Nhờ phương pháp làm việc của chị như vậy nên đã thay đổi, cảm hóa hoàn toàn được 100% tư tưởng của những công nhân cũ làm việc tại địa bàn phường Kim Mã. Như chị Nguyễn Thị Hiên, một công nhân đã làm việc tại địa bàn này nhiều năm, chỉ sau một năm làm việc với chị, đã phải thốt lên rằng: “Em vui quá chị ạ, phải cảm ơn chị, bao nhiêu năm đi làm lần đầu tiên được nhận thưởng cá nhân tiên tiến.”, hay như chị Trịnh Bích Hằng, trước đây thường xuyên nghỉ ốm, nghỉ tai nạn thì giờ đây chị nói: “Từ khi làm việc với chị Vân, có động lực làm việc cả năm gần như không nghỉ ngày ốm ngày phép nào.”; và còn rất nhiều, rất nhiều những anh chị em, trong giai đoạn tổ thiếu nhân lực nhờ sự động viên của chị đã xung phong đi làm tăng ca và xin được đi làm vào ngày nghỉ chỉ với lí do duy nhất là đi làm cho vui, khỏe, lại có thêm thu nhập. Chị thường nói vui động viên mọi người: “Nghề của mình là nghề đem lại nhiều lợi ích; đối với xã hội là làm sạch đẹp, bảo vệ môi trường; đối với bản thân vừa không mất tiền đi tập tạ, lại được trả lương, nên mọi người hãy cố gắng.”.

Với đặc thù công việc của chúng tôi, cơ bản là làm việc về đêm nguy cơ xảy ra tai nạn nghề nghiệp luôn rình rập cả về khách quan lẫn chủ quan nên ngoài việc thường xuyên quan tâm động viên anh chị em thì chị cũng rất nghiêm khắc trong công việc. Đầu mỗi ca sản xuất chị đều yêu cầu tập trung công nhân để kiểm tra tình hình sức khỏe, trang bị bảo hộ lao động, nhắc nhở về công tác an toàn lao động – an toàn giao thông. Yêu cầu công nhân kiểm tra kĩ phương tiện, dụng cụ làm việc, đảm bảo an toàn mới đưa vào sản xuất. Nhờ vậy, 06 năm chị làm tổ trưởng, tổ không có trường hợp xảy ra tai nạn lao động nào.

Đặc biệt trong giai đoạn phòng chống đại dịch Covid - 19, cách ly xã hội, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường càng được chú trọng. Ngoài việc yêu cầu sản xuất phải đảm bảo sạch ngay trong ca không để rác tồn đọng, thì việc bảo vệ bản thân của mỗi công nhân cũng là mối quan tâm hàng đầu của chị như yêu cầu công nhân phải trang bị đầy đủ khẩu trang, găng tay, thường xuyên súc miệng và rửa tay diệt khuẩn, quần áo bảo hộ lao động sau mỗi ca sản xuất đều phải giặt sạch phơi khô mới tái sử dụng, chị nói với chúng tôi: “Mặc dù nghề của mình vất vả, nguy hiểm, nhưng vẫn còn hạnh phúc hơn mấy chục ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa, công nhân phải nghỉ làm không có thu nhập nên mọi người hãy cố gắng bảo vệ bản thân vì đặc thù công việc của mình không phải là làm không hết có thể để đến mai và nếu chúng ta không bảo vệ bản thân tốt, chẳng may bị nhiễm bệnh, phải cách ly thì ai sẽ là người đảm đương công việc này.”.

Chúng tôi không chỉ ngưỡng mộ chị trong công việc mà trong các công tác xã hội, đoàn thể chị cũng khiến chúng tôi kính phục, chị luôn là người đi đầu trong các phong trào phát động thi đua, đóng góp ủng hộ quỹ tình thương, thi tìm hiểu về pháp luật, về luật công đoàn... những đóng góp, cống hiến của chị đã được các cấp lãnh đạo ghi nhận, bằng các danh hiệu thi đua cao quý như:

 Những bằng khen chị Nguyễn Thanh Vân đã được trao tặng:

- Đã có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020. Của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Hội liên hiệp Thành phố Hà Nội.

- Cây chổi vàng năm 2018

- Công nhân giỏi thủ đô năm 2016 và 2019

- Người tốt việc tốt cấp thành phố năm 2018

- Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2017

- Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2015, 2017 và 2019

Vâng, ở Công ty MT chúng tôi, có bông hoa đẹp như thế, chị Nguyễn Thanh Vân - một người phụ nữ sinh ra từ gia đình lao động, biết trân quý, đồng cảm, biết sẻ chia yêu thương, tận tụy, nhiệt huyết trong công việc, hiếu thảo với mẹ già, chung thủy với chồng con, xây dựng tổ ấm gia đình 32 năm sống trong hạnh phúc.

Noi gương chị, tôi luôn tự nhủ sẽ cố gắng phấn đấu hơn nữa để cùng chung tay góp phần làm cho thủ đô sáng hơn - xanh hơn - sạch hơn, tự hào với truyền thống 60 năm Urenco hình thành và phát triển./.

Tác giả: Trần Thị Thuỳ Dương

Tổ Môi trường số 8 - Urenco Chi nhánh Ba Đình

Bạn đang đọc bài viết Bông hoa đẹp của Tổ Môi trường số 8 - Urenco Chi nhánh Ba Đình. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Thêm vất vả vì vừa thu gom rác vừa giải thích với người dân
Liên quan đến việc người dân phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy phản ánh công nhân Công ty Cổ phần đô thị Cần Thơ không thu gom rác trong nhiều ngày dẫn đến ùn ứ, phóng viên đã tìm gặp đội ngũ công nhân trực tiếp làm việc để hiểu rõ nguyên nhân.
Những phụ nữ "xuyên đêm" giữ sạch đẹp phố phường
Vượt lên nhiều khó khăn, các nữ công nhân của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Bắc Kạn vẫn sớm khuya gắn bó với công việc, âm thầm đóng góp sức mình giữ gìn cảnh quan thành phố Bắc Kạn xanh - sạch - đẹp.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.

Tin mới