Thứ sáu, 29/03/2024 15:26 (GMT+7)

Cậu con trai kỹ sư tự hào khoe mẹ làm công nhân vệ sinh môi trường

Hoàng Thoa -  Thứ sáu, 10/07/2020 14:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Anh Lê Đức Thiện - con trai của cô Lê Mai Thanh người khiếm thính có gần 30 năm làm công nhân vệ sinh môi trường luôn coi công việc mà mẹ dành trọn cuộc đời tâm huyết, gắn bó là công việc cao quý.

Sau khi tốt nghiệp THPT cô Lê Mai Thanh đã đi học lớp y tá sơ cấp của Viện Quân y 91. Cho đến năm 1990 cô Thanh lập gia đình, cô làm công việc tạp vụ còn chồng cô làm công nhân tuy hai vợ chồng chăm chỉ làm lụng nhưng với đồng lương ít ỏi của cả hai chỉ riêng trang trải cuộc sống còn khó khăn chưa nói nuôi cậu con trai ăn học. 

Từ hoàn cảnh đó cô Thanh xin vào làm công nhân vệ sinh tại Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Sông Công với mong muốn cuộc sống khấm khá hơn và cô đã gắn bó công việc này từ năm 1995 đến nay.

Nụ cười luôn nở trên môi mặc dù công việc nhiều vất vả 

Thời gian đầu cô Thanh còn trăn trở, lo lắng và buồn khi nghĩ đến những hình ảnh bị người khác dè bỉu lúc đó nước mắt cô lăn dài. Nhưng sau đó cô Thanh đã lấy lại được tinh thần khi nhìn thấy sự lớn khôn, thành đạt của cậu con trai có tên Đức Thiện.

Anh Thiện hiểu được những vất vả, hy sinh của cha mẹ lấy đó làm động lực để cố gắng đền đáp công ơn nuôi dưỡng và mang đến cho cha mẹ nhiều niềm tự hào.

Trong thời gian học, anh có liên tiếp 9 năm đạt thành tích học sinh giỏi, 3 năm THPT đều được giấy khen và đạt giải tỉnh trong kỳ thi học sinh giỏi môn hóa.  Hơn hết anh đã thi đỗ vào ngôi trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, một ngôi trường danh giá và là mơ ước của rất nhiều cô cậu học trò.

Chưa dừng lại đó anh không ngừng cố gắng học tập đạt học bổng trong hai năm cuối đại học để đỡ đần cha mẹ học phí. Và hiện tại sau khi ra trường anh làm kỹ sư cho Tập đoàn Samsung một trong những thương hiệu công nghệ đắt giá bậc nhất trên thế giới hiện nay. 

“Mình đỗ vào Đại học Bách Khoa Hà Nội có một phần lớn từ sự hy sinh của mẹ. Mẹ luôn tạo cho mình mọi điều kiện tốt nhất để học tập, chia sẻ và động viên mình thi vào ngôi trường đó”, anh Thiện xúc động chia sẻ. 

Cô Thanh bị khiếm thính từ nhỏ, việc giao tiếp với các thành viên trong gia đình cũng gặp nhiều khó khăn và cách khắc phục tình trạng này của mẹ anh Thiện nói: “Mình luôn cố gắng giao tiếp với mẹ càng nhiều càng tốt. Mình có thể nói to, nói chậm để mẹ có thể nhìn được khẩu hình của miệng. Luôn hỏi lại và nhắc lại khi mẹ không nghe rõ. Nếu mẹ vẫn chưa nghe rõ nữa thì mình sẽ viết ra giấy để mẹ đọc lại. Vì mình luôn cố gắng trong việc giao tiếp nên mẹ và mình cũng giảm được những khó khăn trong giao tiếp với mẹ”. 

Làm công nhân vệ sinh môi trường vốn đã vất vả vì khối công việc lớn còn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm khi hàng ngày xe cộ đi lại nườm nượp chưa nói đến những người đi ẩu, say xỉn, vậy mà cô Thanh vẫn hàng ngày hăng say. Khó khăn với đôi tai không lắng nghe như mọi người nhưng cô Thanh không hề thua kém người khác vì cô làm việc bằng cả tâm và sự cố gắng vượt qua mọi trở ngại. 

Cô Thanh đang hoàn thành công việc của mình tại khu vực được giao

Gần 30 năm làm công việc vệ sinh môi trường mọi sự cố gắng của cô Thanh đã được đền đáp cô đã nhận được những bằng khen, giấy khen với Danh hiệu công nhân viên chức lao động tiêu biểu do Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên trao tặng, Giấy khen thành tích xuất sắc tiêu biểu trong các phong trào thi đua, Danh hiệu Lao động tiên tiến do Chủ tịch UBND thị xã Sông Công trao. Và năm 2017 cô Thanh đã được trao tặng giải Cây chổi Bạc trong chương trình “Cây chổi vàng” do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức.

Nhắc về những giải thưởng mẹ đạt được anh Thiện cho biết: “Khi mẹ nhận được nhiều giải thưởng và đặc biệt giải Cây chổi Bạc mình cảm thấy đây là một dấu ấn và là sự ghi nhận của xã hội về những đóng góp của mẹ trong cả cuộc đời vào công việc xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp. Mình rất tự hào và lấy đó làm động lực mình để tin rằng khi cố gắng thì mọi thứ tốt đẹp sẽ đến với mình”.

Cô Thanh (ngoài cùng bên trái) cùng chụp ảnh gia đình trong đám cưới của con trai

Mặc dù bây giờ cuộc sống gia đình đã bớt khó khăn hơn trước nhưng cô vẫn muốn tiếp tục công việc này cho đến thời gian nghỉ hưu. Khi biết được dự định này của mẹ anh Thiện chỉ biết cố gắng động viên mẹ hoàn thành.

Được hỏi anh có ngại khi mẹ làm công nhân, anh Thiện thẳng thắn chia sẻ: “Đối với mình thì mình không thấy ngại với công việc của mẹ. Khi người khác hỏi mẹ mình làm công việc gì thì mình luôn vui vẻ và tự hào nói mẹ mình làm công việc quét rác vệ sinh môi trường. Có thể nhiều người sẽ kỳ thị với mình về công việc của mẹ nhưng mình không quan tâm tới vấn đề đó. Mình luôn cố gắng mọi thứ tốt nhất để mẹ mình tự hào và mọi người tôn trọng mẹ và gia đình mình.”

Sau tất cả cậu con trai kỹ sư luôn nhắc tới mẹ của mình như một tấm gương sống của mình, luôn tôn trọng, yêu thương và tự hào. Anh muốn qua đây nhắn gửi tới mẹ lời cám ơn mẹ vì mẹ luôn là điểm tựa và là chỗ dựa vững chắc cho con và gia đình mọi lúc mọi nơi. Chúc mẹ luôn luôn mạnh khỏe, vui vẻ bên gia đình.

Bạn đang đọc bài viết Cậu con trai kỹ sư tự hào khoe mẹ làm công nhân vệ sinh môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Thêm vất vả vì vừa thu gom rác vừa giải thích với người dân
Liên quan đến việc người dân phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy phản ánh công nhân Công ty Cổ phần đô thị Cần Thơ không thu gom rác trong nhiều ngày dẫn đến ùn ứ, phóng viên đã tìm gặp đội ngũ công nhân trực tiếp làm việc để hiểu rõ nguyên nhân.
Những phụ nữ "xuyên đêm" giữ sạch đẹp phố phường
Vượt lên nhiều khó khăn, các nữ công nhân của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Bắc Kạn vẫn sớm khuya gắn bó với công việc, âm thầm đóng góp sức mình giữ gìn cảnh quan thành phố Bắc Kạn xanh - sạch - đẹp.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.