Thứ năm, 28/03/2024 22:59 (GMT+7)

Chuyện của những công nhân môi trường thời dịch bệnh

MTĐT -  Thứ sáu, 24/04/2020 15:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trời về đêm, những ngõ phố vắng lặng chỉ còn lại bóng người quét rác cùng tiếng chổi tre xào xạc. Khi cả thành phố ở nhà để tránh dịch thì họ - những công nhân vệ sinh môi trường vẫn cần mẫn làm việc.

Vào thời điểm cuối chiều, khi người ta vội vã trở về nhà sau một ngày làm việc thì chị Ninh Thị Loan - công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, chi nhánh Hoàn Kiếm lại “lên đồ” chuẩn bị vào ca. Do đang là mùa dịch nên ngoài những bộ đồ bảo hộ chị còn được Công ty trang bị thêm găng tay, khẩu trang, nước sát khuẩn… để đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc.

Chị Loan cho biết, đến thời điểm hiện tại, chị đã gắn bó với nghề thu gom rác được hơn chục năm. Ca làm việc của chị thường bắt đầu vào lúc 17h và chỉ kết thúc khi các loại rác thải trong khu vực phụ trách đã được dọn xong.

Trong đêm khuya  tĩnh lặng, trên đường phố chỉ còn lại bóng người công nhân quét rác với những tiếng chổi tre xào xạc. 

Trên con phố Hàng Đào và Hàng Đường nơi chị Loan hằng ngày lùa chổi giờ đây vắng bóng người qua lại. Chị Loan chia sẻ, từ ngày dịch Covid-19 bùng phát đến nay, các cửa hàng, khách sạn ở phố cổ đã lần lượt đóng cửa, hạn chế tối đa việc tụ tập đông người. Vậy nên, khi màn đêm buông xuống, phố xá dường như chẳng còn ai ngoài những công nhân môi trường như chị.

“Dịch dã mọi người đều ở trong nhà còn mình thì lao ra đường, nhiều lúc tôi và các chị em cũng sợ lắm. Đặc biệt là thời điểm trước khi cách ly xã hội, khách tây qua lại nhiều, đã vậy họ còn không đeo khẩu trang, hồn nhiên nói cười… Biết là nguy hiểm nhưng việc của mình, mình vẫn phải làm. Vắng công nhân môi trường một hôm rác thải ứ đọng, đường sá bẩn thỉu sẽ tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan. Như vậy thì nguy hiểm lắm” - chị Loan tâm sự.

Vất vả là vậy nhưng chị Loan chưa từng nghĩ tới chuyện bỏ việc. Với chị, nghề này đã mang lại cho chị nhiều thứ hơn là một công việc. Vợ chồng chị có 2 người con, bé lớn đang học lớp 9 bị bệnh tim từ nhỏ, chính những đồng lương từ công việc này đã giúp gia đình có chi phí để chữa bệnh cho con và nuôi dưỡng chúng nên người.

Niềm vui của những người công nhân môi trường chính là giữ cho đường phố được sạch đẹp.

Giống như chị Loan, gần 30 năm gắn bó nghề thu gom rác cũng mang lại cho chị Nguyễn Thanh Vân - công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, chi nhánh Ba Đình nhiều kỷ niệm, đặc biệt là trong mùa dịch Covid-19. Chị Vân cho biết, những ngày này khối lượng rác đặt hàng tại các công ty giảm nhưng lượng rác tại các khu dân cư lại tăng lên do người dân hạn chế ra đường. Người dân sợ dịch nên thường vứt rác trước cửa nhà hoặc trong các góc phố chứ không mang ra đổ trực tiếp khi có kẻng như trước. Vì vậy, người công nhân khá vất vả khi phải đi tới tận nơi, đến trước cửa từng nhà để thu gom rác.

Không chỉ cực nhọc hơn, trong mùa dịch, những người công nhân môi trường còn gặp phải những tình huống dở khóc dở cười khi bị chính người dân kỳ thị vì công việc của mình.

“Thời gian có dịch này công nhân môi trường chúng tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ lắm. Mới tuần trước, trong lúc đi thu gom rác, có một người chẳng nói chẳng rằng quẳng túi rác xuống ngay dưới chân chúng tôi. Khi tôi hỏi vì sao bác không cho vào xe mà lại làm như vậy thì người kia thẳng thừng trả lời rằng nghề của các cô toàn tiếp xúc với những thứ bẩn thỉu, độc hại lại còn thường xuyên di chuyển khắp nơi nên thấy kinh khi đến gần. Lúc ấy tôi thật sự cảm thấy thất vọng và tổn thương ghê gớm. Cũng biết nghề này không được nhiều người coi trọng. Nhưng bị nói thẳng ra như vậy thì thấy buồn lắm”- chị Vân kể.

Dù thường xuyên gặp phải những tình cảnh trớ trêu, nhưng khi được hỏi tại sao không chọn nghề khác để làm chị Vân chỉ trả lời ngắn gọn rằng chị yêu thích công việc này. Bởi nhờ công việc, chị được đóng góp 1 phần sức lực nhỏ bé của mình vào việc giữ gìn cảnh quan sạch đẹp cho thành phố.

“Tôi gắn bó với nghề gần 30 năm rồi. Công việc rất vất vả, thậm chí có ngày làm luôn chân luôn tay không được rời chổi, xẻng ra để uống cốc nước. Nhưng vì cuộc sống mình vẫn phải làm và cũng là vì yêu ngành yêu nghề, muốn cho thành phố xanh sạch đẹp nên tôi vẫn gắn bó đến ngày hôm nay"- chị Lan bộc bạch.

Không thể phủ nhận một phần vì miếng cơm manh áo, nhưng nếu không có tình yêu nghề, không có tinh thần hy sinh, cống hiến vì một thành phố xanh, sạch, đẹp thì những công nhân vệ sinh môi trường như chị Loan, hay chị Vân… đã không gắn bó với cái nghề làm bạn với rác lâu đến thế.

Hà Nội về khuya, cơm mưa nặng hạt bắt đầu trút xuống, trên đường phố, những lao công vẫn cần mẫn nhặt nhạnh, gom từng túi rác. Mùa dịch, nỗi lo lắng có thể khiến cho niềm vui dần thưa vắng nhưng với người công nhân môi trường hạnh phúc mỗi ngày của họ chính là giữ cho đường phố luôn sạch sẽ, làm đẹp cho đời.

Theo Lê Thắm/Lao động Thủ đô

Bạn đang đọc bài viết Chuyện của những công nhân môi trường thời dịch bệnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Thêm vất vả vì vừa thu gom rác vừa giải thích với người dân
Liên quan đến việc người dân phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy phản ánh công nhân Công ty Cổ phần đô thị Cần Thơ không thu gom rác trong nhiều ngày dẫn đến ùn ứ, phóng viên đã tìm gặp đội ngũ công nhân trực tiếp làm việc để hiểu rõ nguyên nhân.
Những phụ nữ "xuyên đêm" giữ sạch đẹp phố phường
Vượt lên nhiều khó khăn, các nữ công nhân của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Bắc Kạn vẫn sớm khuya gắn bó với công việc, âm thầm đóng góp sức mình giữ gìn cảnh quan thành phố Bắc Kạn xanh - sạch - đẹp.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.