Thứ bảy, 20/04/2024 15:30 (GMT+7)

Chuyện đời, chuyện nghề gian nan của người đàn bà làm nghề gom rác

PV -  Thứ tư, 16/06/2021 14:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công nhân vệ sinh môi trường là một nghề khó khăn vất vả nhưng khi đến và chứng kiến hoàn cảnh của gia đình chị thì chúng tôi càng thấu hiểu hơn.

Vào một buổi chiều muộn, được sự giới thiệu của lãnh đạo Ban quản lý các công trình công cộng huyện Thanh Sơn, chúng tôi đến nhà chị Đinh Thị Hương, khu Thống Nhất, Thị trấn Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ - nhân viên vệ sinh môi trường của Ban quản lý. Công nhân vệ sinh môi trường là một nghề khó khăn vất vả nhưng khi đến và chứng kiến hoàn cảnh của gia đình chị thì chúng tôi càng thấu hiểu hơn. Nghe những chia sẻ về công việc, cuộc sống mới thấu hiểu được sự vất vả, nhọc nhằn của chị, nhưng chính tình yêu, trách nhiệm với nghề đã giúp chị vượt qua, góp phần làm đẹp đường phố, làm sạch cho môi trường của địa phương.

Chị Hương đang thu gom rác khi trời đã về chiều

Chị Hương sinh ra lớn lên ở miền quê đồi núi huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, chị lấy chồng và làm công nhân trong nhà máy chè. Cuộc sống bắt đầu thực sự khó khăn khi sinh ra hai đứa con cũng là thời điểm chồng chị bị tai nạn lao động cụt một cánh tay. Căn nhà chật hẹp lụp xụp mấy chục mét vông xuống cấp của nhà chồng  không đủ để hai ba thế hệ cùng sinh hoạt nên anh chị bao lâu nay phải đi thuê trọ ở nhờ. 

Chị Hương năm nay 34 tuổi, vừa bế đứa con trai nhỏ vừa mời khách vào nhà. Căn nhà cấp bốn vợ chồng chị thuê tuy nhỏ nhưng khá gọn gàng, ngăn nắp. Được biết, vợ chồng chị ra ở riêng từ năm 2012, không lâu sau chồng chị bị tai nạn lao động, gánh nặng gia đình lại đè lên vai chị khi chồng hạn chế về sức khỏe và hai đứa con còn thơ dại. Sinh xong cháu đầu, năm 2013 chị xin vào đội vệ sinh môi trường của Ban quản lý các công trình công cộng làm việc, đến nay chị đã làm được 6 năm, thu nhập bình quân được 4 triệu đồng/ tháng.

Ngôi nhà chật chội, xuống cấp của gia đình nhà chồng chị Hương

Ngoài chi phí ăn học cho đứa lớn lên 6 tuổi, tiền sữa, thuốc men cho đứa bé mới 1 tuổi, hàng tháng chị còn mất vài trăm nghìn thuê nhà. Vừa trò chuyện và nhìn sâu thẳm vào mắt chị tôi nhìn thấy những giọt nước mắt đọng lại và vẻ mặt khắc khổ của người phụ nữ già trước tuổi. Hoàn cảnh tuy kém may mắn nhưng đã bù đắp cho chị niềm hạnh phúc khi chồng chị hết mực thương yêu vợ con. Chị chia sẻ: Thương vợ, lo cho con, chồng chị sau khi bị tai nạn không còn làm công nhân Công ty chè Phú Đa (Thị trấn Thanh Sơn) nhưng tiếp tục xin ở lại trồng rau nuôi công nhân và làm việc phụ ở đó.

Lương của anh được hơn 2 triệu đồng/tháng. Với giá cả như hiện nay thì mọi chi phí sinh hoạt đều thiếu thốn. Anh động viên chị làm thêm nghề chè, chăn nuôi gà. Sau khi kết thúc công việc, anh chị cùng trở về lao động để có thêm thu nhập. Tính để hai vợ chồng cùng làm nhưng phần lớn là chồng chị đảm đương việc nhà vì đặc thù công việc của chị sáng phải đi từ 5h, tối thì có hôm muộn mới về. Cũng nhờ có anh đỡ đần, chị mới thu xếp ổn thỏa được việc nhà, việc cơ quan giao cho.

Theo chân chị đi thu gom rác ở hai khu chợ Hùng Nhĩ và khu chợ Vàng, khu vực này được xem là nhiều rác nhất trên địa bàn Thị trấn Thanh Sơn. Đến đây, tận mắt trông thấy các loại rác, túi bóng ni lông, phế phẩm, lông gà, vịt... chưa được phân loại. Cả đội chị có 17 người, thay ca nhau vệ sinh môi trường, thu gom rác thải của 16 khu dân cư. Thông thường mỗi ngày chị cùng đội vệ sinh được 8 khu (sáng 4 khu, chiều 4 khu) rồi lại tiếp tục chuyển sang ngày hôm sau vệ sinh các khu còn lại. Trước kia, chưa có xe cuộn ép rác, các chị phải làm thủ công, đẩy thùng, bốc rác lên xe, sau khi Ban quản lý các công trình công cộng được thành lập và được trang bị xe gom rác, xe ép rác chuyên dụng thì công việc đã đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, công việc này chịu ảnh hưởng nhiều từ thời tiết. Trời nắng thì việc thu gom rác nhanh hơn nhưng lại bụi và mùi hôi rất nặng, gió bụi đầy đường, bay tấp vào mặt, như muốn nghẹt thở trong lớp khẩu trang dày đặc; còn trời mưa thì rất bẩn, nhiều bùn đất, rác gom lại vì bị ướt nên khó gom. Những tối mùa đông, trời lạnh đôi bàn tay như cóng lại, việc thu gom sẽ càng mất nhiều thời gian.   

Lau những hạt mô hôi ướt đẫm trên mặt, chị cho biết thêm: “Lúc mới làm, tôi cảm thấy rất tủi thân, không ít người coi thường, mỉa mai nghề vệ sinh, quét rác. Có những người vô tâm xả rác bừa bãi, khi được nhắc nhở, còn lớn tiếng chửi bới, thách thức; có trường hợp nhiều tải đất, vật liệu xây dựng, tải rác nặng và to, chưa kịp chuyển lên xe người ta cũng ý kiến, quát mắng, thậm chí xông ra dọa đánh... Tuy nhiên vẫn có những người tốt, tử tế đã động viên, khuyến khích nên bản thân đã vượt qua khó khăn và trụ vững với nghề này. Giờ đây tôi cảm thấy tự hào khi mình là công nhân vệ sinh môi trường, người làm đẹp cho cảnh quan đường phố”. 

Chị Trịnh Thị Thủy, Đội phó Đội quản lý tổng hợp phụ trách tổ vệ sinh môi trường cho biết: “Trong tổ, Hương tuy ít tuổi nhưng là một trong những người gắn bó lâu nhất với nghề, em chị khó, nhiệt tình và trách nhiệm với công việc. Dù cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn song em luôn nỗ lực vươn lên, Hương còn biết chia sẻ công việc, nhiệt tình giúp đỡ mọi người khi ốm đau, bệnh tật. Hàng năm, Hương đều được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được lãnh đạo huyện, lãnh đạo Ban quản lý khen thưởng”.

Dẫu biết rằng mỗi nghề đều có cái nhọc nhằn riêng nhưng gắn bó được với nghề này quả thật rất đáng khâm phục. Bởi dù có trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cần thiết nhưng phần nào vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe do làm việc trong môi trường độc hại. Thấu hiểu được nỗi vất vả đó, lãnh đạo huyện, lãnh đạo Ban quản lý, tổ chức công đoàn cũng thường xuyên chăm lo đời sống cho nữ công nhân đội vệ sinh môi trường. Chị Hương và các chị em trong đội được tạo điều kiện hưởng chế độ BHYT, BHXH, ngày lễ, tết, 8/3, 20/10... đều được nhận quà của đơn vị. Điều này là niềm động viên, an ủi rất lớn cho chị em.

Những năm gần đây, diện mạo của thị trấn Thanh Sơn từng bước được cải thiện, đặc biệt ở các tuyến đường chính của thị trấn. Đạt được kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của những công nhân như chị Hương trong Đội vệ sinh môi trường. Tuy công việc nhỏ bé, thầm lặng, ít người biết đến nhưng thu gom rác là công việc ý nghĩa. Thiết nghĩ, mỗi người chúng ta cần hiểu và thông cảm với công việc nặng nhọc của những công nhân vệ sinh, qua đó nâng cao ý thức giữ gìn môi trường xung quanh và xây dựng thị trấn ngày càng văn minh xanh - sạch - đẹp./.

Bạn đang đọc bài viết Chuyện đời, chuyện nghề gian nan của người đàn bà làm nghề gom rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ