Thứ năm, 28/03/2024 20:27 (GMT+7)

Chuyện đời sau xe rác

MTĐT -  Thứ ba, 21/05/2019 10:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mãi đến bây giờ, khi nỗi đau lắng xuống sau vụ lao công tử nạn, khi “tiếng chổi tre những đêm hè” mãi thức, khắc khoải, chúng tôi mới viết về họ, những người làm đẹp phố phường.

Công nhân môi trường và xe rác cao quá đầu người trên phố Hà Nội. Nếu không chất thêm rác lên, họ sẽ không kịp giờ thu dọn rác. Ảnh: Trường Phong

Bài 1: Trót yêu rồi phải làm sao!

Cuộc hẹn với anh Ðức, công nhân vệ sinh môi trường Urenco không thực hiện được vì lý do “có việc đột xuất”. Hỏi việc gì, anh bảo, một công nhân có người nhà nằm viện, anh phải đi làm thay. Tôi hiểu, công nhân môi trường, một khi đi làm thì luôn chân luôn tay, chẳng có mấy lúc nghỉ ngơi để nói chuyện! Cuộc hẹn đành dời sang hôm khác!

Ðại gia đình dọn rác

Anh Đinh Duy Đức 35 tuổi, công nhân Cty Môi trường Đô thị Hà Nội có hơn chục năm với công việc làm đẹp cho đường phố Thủ đô. Anh kể về lý do chọn nghề này, đơn giản chỉ vì, trước đây ông bà làm nghề vệ sinh môi trường, rồi đến đời bố mẹ. “Hồi đó, mẹ mình ốm, không làm gì được. Nghĩ thương bố vất vả, mình học hết lớp 12 rồi làm công nhân vệ sinh môi trường như bố luôn”, anh Đức nói. Uống cốc trà đá ven đường, những vết chai sạn của hơn chục năm cầm chổi xẻng, đẩy xe rác in hằn lên bàn tay. Sau một thời gian đi làm anh Đức vào quân ngũ 2 năm, rồi lại trở về gắn bó với nghiệp công nhân vệ sinh môi trường. Nhớ lại thời mới vào nghề, anh bảo, hồi đó mới 19, đôi mươi, đôi lúc cũng tủi thân, nhất là dịp Tết, khi  người người đi xem pháo hoa, đón chào năm mới, còn bản thân lại ôm lấy xe rác...

Sẽ ra sao nếu không có những người làm công tác vệ sinh môi trường. Hà Nội sẽ ra sao nếu ngập rác? Sau nhiều năm làm công nhân, anh Đức được cất nhắc lên làm tổ trưởng. Nói là tổ trưởng có vẻ oai, nhưng phụ phí quản lý chỉ được thêm khoảng hơn trăm nghìn mỗi tháng. Nếu có người nghỉ đột xuất tổ trưởng lại chính là người phải đi làm thay. “Như hôm nay mình phải làm từ 14h đến khoảng 1- 2h sáng vì có chị trong đội có con nằm viện”, anh Đức tâm sự. Đội của anh, ngày xưa duy trì khoảng hơn ba chục người, giờ chỉ còn lại hơn 20 người vì “tiền không được bao nhiêu, lại vất vả” nên nhiều người bỏ việc rồi.

Theo anh Đức, mỗi tháng, anh được khoán kinh phí, chia đều cho 22 người, cũng chỉ được khoảng 5 - 6 triệu/người nếu làm đủ công. Những ai nghỉ làm thì không có tiền vì số tiền đó phải dùng để thuê người khác làm thay khối lượng. “Đội của mình phụ trách địa bàn 3 phường, khoảng 50 vạn dân. Mỗi ngày, cũng phải vài chục tấn rác”, anh Đức kể.

Trót yêu nên theo cả đời

Trong nhiều ngày liên tiếp, phóng viên Tiền Phong lân la hỏi chuyện nhiều công nhân dọn vệ sinh trên các tuyến phố, nhưng nhiều người lắc đầu: “Mình bận lắm, vào mùa lá này nếu chậm vài chục phút là cả hệ thống chậm theo”. Đành vậy. Chờ đến giờ tan ca, chúng tôi mới hẹn gặp được chị Vi Thị Nguyệt, công nhân Cty Môi trường Đô thị ở khu vực đường Trần Phú. Là con đường có nhiều cơ quan ngoại giao, bộ ngành nên “ở trên trông xuống, người ta trông vào”. Vẻ mặt xen lẫn tự hào, chị bảo, vừa qua, kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, chị cũng là một trong nhiều cá nhân được tặng thưởng. Dù phần quà nhỏ thôi, chỉ một triệu đồng nhưng là sự ghi nhận của thành phố với công sức của chị và những người như chị trong một sự kiện mang tầm lịch sử của đất nước.

Chị Vi Thị Nguyệt. Ảnh: Trường Phong

Chị Nguyệt, người nhỏ nhắn và thân thiện. Hết ca làm nhưng chưa thấy phóng viên quay lại, chị đi vòng vòng để chờ, rồi hẹn nói chuyện ở công viên, ngay khu “đại bản doanh” của các chị! Chị kể, hơn 20 năm làm nghề quét rác, dọn vệ sinh tuyến đường Trần Phú, chị chưa bao giờ chán nản hay mệt mỏi. Nghĩ một lúc cho câu hỏi vì sao lại chọn nghề này, chị bảo “Có lẽ phải yêu mới làm được như vậy”. Có lẽ chị nói đúng, bởi theo lời chị Nguyệt, những năm 90, bố chị, khi đó còn đang làm việc ở cơ quan nhà nước, lại có quen biết quan chức cấp cao, xin cho chị làm công việc văn phòng, lương cũng khá, và dù chị đã làm việc trong môi trường đó một năm, nhưng rồi chị vẫn xin ra để làm công nhân quét rác. “Cũng không hiểu tại sao, nhưng mình phải yêu thì mới làm được như vậy”, chị Nguyệt nói.

Có lẽ cũng vì suy nghĩ đó chị Nguyệt, luôn tự tin với công việc của mình. Chồng và con chị, vào mùa lá cũng thỉnh thoảng ra dọn giúp. Thắc mắc mấy lần về chuyện, cứ thấy xe rác chất cao quá đầu người, quá tải thế rồi các công nhân phải è chân è cổ ra đẩy, vì sao lại như thế. Chị Nguyệt bảo, nếu không làm như thế thì tốn công đi lại. Thời gian gấp lắm. Nếu không thế xe rác đến cũng không kịp vận chuyển lên bãi rác nữa, thành ra chậm cả hệ thống. Ngồi nói chuyện một lúc, chị Nguyệt nghe điện thoại của mẹ chồng gọi về ăn cơm.

Chị bảo, nhà ở Thanh Nhàn, hàng ngày vẫn đi xe máy về khu vực Trần Phú để làm việc. Thời gian đầu làm nghề này, bố mẹ cũng khó chịu. Nhưng dần dần thì mọi người hiểu. Chị bảo, được gia đình giúp đỡ, bây giờ có nhà cho thuê rồi, cuộc sống cũng đỡ vất vả. Chị Nguyệt cười “Yêu nghề rồi em ạ, không đi làm thấy nhớ lắm”, chị Nguyệt nói…

Trên đường về, gặp một vài công nhân đẩy xe rác cao quá đầu người, tôi dừng lại chụp ảnh và xin được trò chuyện. Thế nhưng họ từ chối: “Không được em ạ! Chị đang rất vội! Rác nhiều thế này cơ mà”. Vâng, chúng tôi biết họ sẽ phải làm việc xuyên đêm để mang lại bộ mặt mới cho phố khi bình minh ló rạng...

Theo Tiền Phong

Bạn đang đọc bài viết Chuyện đời sau xe rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Thêm vất vả vì vừa thu gom rác vừa giải thích với người dân
Liên quan đến việc người dân phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy phản ánh công nhân Công ty Cổ phần đô thị Cần Thơ không thu gom rác trong nhiều ngày dẫn đến ùn ứ, phóng viên đã tìm gặp đội ngũ công nhân trực tiếp làm việc để hiểu rõ nguyên nhân.
Những phụ nữ "xuyên đêm" giữ sạch đẹp phố phường
Vượt lên nhiều khó khăn, các nữ công nhân của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Bắc Kạn vẫn sớm khuya gắn bó với công việc, âm thầm đóng góp sức mình giữ gìn cảnh quan thành phố Bắc Kạn xanh - sạch - đẹp.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.