Thứ năm, 25/04/2024 03:21 (GMT+7)

Công nhân môi trường: 'Những ngày này, chúng tôi vất vả hơn cửu vạn'

MTĐT -  Thứ hai, 20/07/2020 15:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những ngày người dân hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) ngăn không cho xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn đã khiến cho rác trong nội đô bị ùn ứ, chất thành đống.

Công nhân vệ sinh môi trường phải làm việc gấp mấy lần khi rác bị ùn ứ. Ảnh: Tú Quỳnh

Ngày 17.7, chúng tôi gặp anh Đỗ Văn Thơm, công nhân Xí nghiệp Môi trường Đô thị số 4 (URENCO 4) trên phố Chùa Láng khi anh đang gồng mình đẩy xe rác đi quét dọn dọc đường. Khuôn mặt anh Thơm đem sạm, mồ hôi rơi thành từng giọt, ánh mắt hiện rõ vẻ thiếu ngủ và mệt mỏi. 

 Công nhân thu gom rác Đỗ Văn Thơm đen sạm vì nắng nóng. Ảnh: Tú Quỳnh

Những ngày này, người dân ở hai xã Hồng Kỳ, Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) căng lều bạt, ngăn cản xe vào đổ rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn đã khiến rác trong nội đô bị ùn ứ, chất đống. Công việc của anh Thơm và nhiều công nhân thu gom rác khác cũng vì thế mà nặng nhọc hơn gấp nhiều lần.

Mọi người đi làm sớm hơn giờ bình thường, ăn uống phải tranh thủ, đến cả chuyện ngủ nghỉ cũng không được trọn vẹn.

Như anh Thơm, hôm nay là ngày thứ 5 phải tăng cường làm việc dù bản thân đang bị zona thần kinh khá nặng. Anh bảo: “Không đủ người, mà rác nhiều nên phải tranh thủ đi sớm để thu gom cho kịp rồi chầu chực có xe cẩu rác nào đến thì cắm vào ép cho đi luôn”.

Mỗi đêm, một mình anh Thơm thu gom ít nhất 20 xe rác. Còn vài ngày qua con số này đã tăng lên rất nhiều. Dù đã cật lực làm cả đêm lẫn ngày, nhưng công việc vẫn không vơi đi chút nào. Suốt hơn 27 năm gắn bó với nghề, anh Thơm chia sẻ, chưa bao giờ anh thấy rác nhiều như vậy. Cứ vừa dọn xong lại thấy rác đã được xả ra trong khi đợi mãi vẫn chưa thấy xe cẩu đến.

Tiếp vào câu chuyện thu gom rác những ngày này, chị C.T.O làm cùng tổ với anh Thơm thốt lên: "Rác không được tải lên xe cẩu chở đi đến bãi rác, cho nên bị ùn ứ lại thành đống ngổn ngang trong thành phố. Mấy ngày nay, chúng tôi vất vả hơn cả cựu vạn vì mỗi người phải làm việc gấp 3 ngày thường".

Công nhân C.T.O chia sẻ công việc mấy ngày nay vất vả nên chị rất mệt mỏi. Ảnh: Tú Quỳnh 

Trung bình, mỗi ngày, chị O. cùng những công nhân khác thu gom 100 xe rác trên phố Chùa Láng (Đống Đa). Thế nhưng, vài ngày qua, lượng rác đó không thể chở đi đâu được vì xe cẩu không đến. 

Do lượng rác quá nhiều, lượng xe lại thiếu, sau khi thu rác về, những công nhân phải mất thêm một lần công đổ rác xuống, phủ bạt cho đỡ bốc mùi để lấy xe đi thu gom tiếp. 

Cũng vì vậy, chị O. cho biết: “Công nhân mấy ngày nay không ăn, không ngủ được, ai cũng oằn mình ra làm”.

Công nhân môi trường thu gom rác khu vực nội thành Hà Nội những ngày này đều phải làm việc cật lực. 

Đó cũng là tâm sự của công nhân thu gom rác Phạm Quốc Đạt (SN 1975). Trước, công việc của anh Đạt bắt đầu lúc 3h chiều và bình quân một ngày anh thu 20-30 xe rác, nhưng giờ thì anh phải làm từ 8h sáng với lượng công việc tăng gấp mấy lần. 

“Tết rác cũng không nhiều như mấy ngày vừa rồi. Tôi đi làm từ 8h sáng đến tận 12h trưa hôm sau mà vẫn chưa được về nhà.  Lượng rác quá nhiều nên tôi không dám về nhà ăn cơm. Buổi trưa toàn tranh thủ ăn bát bún ngoài đường hoặc mua 10 nghìn xôi ăn vội rồi tranh thủ nghỉ ngơi một tí, đến 1h chiều lại đi và làm tới 2h sáng hôm sau. Thu xong rác, tôi chỉ mong xe cẩu đến sớm cẩu rác đi để được về nhà nghỉ là mừng lắm rồi” – anh Đạt chia sẻ. 


Tú Quỳnh - Anh Thư/Lao động Online

Bạn đang đọc bài viết Công nhân môi trường: 'Những ngày này, chúng tôi vất vả hơn cửu vạn'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành