Thứ năm, 28/03/2024 21:30 (GMT+7)

Chuyện đời sau xe rác, Bài 2: Lễ, Tết ư, mơ về nơi xa lắm!

MTĐT -  Thứ tư, 22/05/2019 15:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Đừng gọi là nghề cao quý! Tổn thọ lắm! Nghề cao quý gì mà khổ quá. Cũng vì miếng cơm, manh áo thôi chứ có gì đâu”. Chúng tôi gặp công nhân vệ sinh môi trường nào cũng nói vậy.

Họ bằng lòng với công việc mình đang làm và những gì mình đang có, dù còn nhiều khó khăn, vất vả.

“Ðến giỗ bố có khi không được về”

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, trong khi theo quy định, người lao động được nghỉ 5 ngày, vậy mà các công nhân vệ sinh môi trường ở Hà Nội gần như làm 100% quân số. Đang ngồi nói chuyện, anh Đinh Duy Đức thấy chị  Đặng Thị Huệ, một thành viên trong tổ đi ngang qua liền gọi vào uống nước. Chị Huệ, quê ở Hải Dương, từng gắn bó với nghề vệ sinh dọn rác thải ở Hà Nội cả chục năm.

Hoàn cảnh khó khăn, con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học, ngoài làm việc ở tổ đội dọn vệ sinh, chị còn làm thêm nhiều việc khác. “Nhiều khi mình nhận lời dọn nhà cho người ta, thu nhập thêm vài trăm nghìn”, chị Huệ cười nói. Dù nói về cuộc sống khó khăn, cực khổ, nhưng chị Huệ luôn nở nụ cười. Tay chị, vừa mới bị một vết rộp, do cầm xẻng và đẩy xe rác nhiều trong ca buổi sáng.

Nhiều công nhân vệ sinh môi trường thường phải làm việc đến nửa đêm hoặc gần sáng Ảnh: Trường Phong.

Suốt những năm làm công nhân vệ sinh môi trường, hiếm khi anh Đức hay chị Huệ được nghỉ lễ như những công nhân, viên chức bình thường khác. Hơn chục năm, anh Đức gần như chưa được nghỉ, thậm chí ngay cả ngày Tết, đêm giao thừa cũng phải đi làm. “Nhiều lúc nghĩ cũng tủi thân lắm. Ngày Tết mọi người đi chơi vui vẻ, mình đi dọn rác. Thấy bắn pháo hoa rợp trời, chạnh lòng lắm”, anh Đức nói.

Trước đây, khi đầy đủ người, lương thưởng còn cao, công nhân còn đầy đủ, cứ xoay vòng, có nghĩa là đến lượt ai nghỉ thì được nghỉ. Chị Nguyệt bùi ngùi nhiều khi, đêm giao thừa mà người toàn mùi rác. Những lần như vậy, chị phải nhờ các văn phòng còn mở cửa, tắm rửa sạch sẽ trước khi về nhà.

Có những người ở xa quê, như chị Hiền, quê ở Thanh Hóa, mấy ngày Tết thực sự là ngày cao điểm, dọn rác không kịp nghỉ ngơi. “Cứ sau Tết khoảng vài ngày mình mới được nghỉ Tết. Cũng là dịp để ăn rằm tháng Giêng luôn”, chị Hiền nói. Cũng theo chị Hiền, nhiều khi đến ngày giỗ bố, giỗ mẹ công việc bận, không có người thay chẳng thể về được.

Chị Hiền, công nhân dọn dẹp rác thải ở khu vực phường Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội), bảy năm làm nghề, tâm niệm, nghề nào phải yêu thì mới bám trụ được. Làm hết trách nhiệm, hết công việc mình phải làm. Theo chân chị, dọc con đường Tam Trinh, chị cẩn thận vơ từng nắm rác ven đường, bốc từng túi đựng rác đưa lên xe tải. Ca của chị có 3 người. Một, lái xe, một ngồi trên xe sắp xếp, còn một thu dọn ở dưới. Công việc của chị thường bắt đầu lúc 4h30 sáng và kết thúc lúc giữa trưa.

“Ngày nắng cũng như ngày mưa. Gió bão cũng không được nghỉ. Nếu nghỉ thì không kịp giờ dọn rác”, chị Hiền nói. Gặp ngày mưa còn đỡ, những ngày Hà Nội nắng nóng đến cực điểm, chị Hiền và đồng nghiệp vẫn phải lao ra đường. “Hiện tại đã có nhiều đồng nghiệp nghỉ rồi vì vất vả quá. Lương, thưởng cũng chả bù đắp nổi. Có khi còn bị chậm cả tháng. Nếu chúng tôi ốm, vẫn phải bỏ tiền của mình ra thuê người khác làm, đôi khi có tiền cũng không thuê được”, chị Chiều, đồng nghiệp của chị Hiền chia sẻ.

Thiệt thòi

Hơn 17h chiều, anh Trịnh Ngọc Dinh đang nhặt mớ đồng nát từ một thùng rác ngay đầu đường Trần Phú. Năm nay 41 tuổi, anh Dinh có 22 năm làm nghề “dọn rác thuê”. Nói là dọn rác thuê, bởi anh Dinh không trong biên chế, không phải là người của đơn vị dọn rác. Anh Dinh ký hợp đồng với tổ dọn rác khu vực, làm công việc theo ngày.

“Nếu là công nhân thuộc Cty thì không được nghỉ đâu. Mình làm thế này để thỉnh thoảng ở nhà có việc thì còn chạy về được”, anh Dinh tâm sự. Quê anh Dinh ở Xuân Trường (Nam Định). Nhà anh vẫn làm nông. Bình thường, anh đi làm ở khu vực quanh phố Trần Phú, gần lăng Bác, nơi có các cơ quan ngoại giao, bộ mặt của Hà Nội. “Nói chung là phải làm thật sạch. Mình làm có “thương hiệu” ở đây rồi”, anh Dinh tâm sự. Tính ra, nếu mỗi ngày làm việc, anh Dinh kiếm được 100 - 200 nghìn đồng. Trừ chi phí ăn ở, cũng tiết kiệm được một ít.

Anh Dinh bảo, làng anh có nhiều người làm nghề giống anh. Bản thân anh cũng được người làng giới thiệu lên đây mới làm nghề này. Rời quê từ năm 19 tuổi, đến nay anh có thâm niên gắn bó với rác thải, đến nỗi quen nghề, khó bỏ. Hỏi anh, sao không tìm nghề khác, khi tiếp xúc với rác thải có quá nhiều nguy cơ bệnh tật? Anh bảo, cũng chẳng biết làm nghề gì khác. Nhiều khi mấy ngày không làm gì lại thấy nhớ công việc, nhớ đồng nghiệp...

Bàn tay của một công nhân vệ sinh môi trường bị chai sạn do nhiều năm cầm chổi, xẻng và đẩy xe rácẢnh: Trường Phong.

Với anh Dinh, làm việc ở khu vực nhiều cơ quan ngoại giao, cán bộ, công chức, người dân cũng có ý thức hơn, nhưng rác thải vẫn là nỗi ám ảnh. Trong suốt hơn 20 năm làm nghề, mảnh chai, mảnh sành cứa đứt tay, đứt chân là chuyện thường. Thậm chí, có những đêm đi quét đường, bị các con nghiện đe dọa, trấn lột. “Bây giờ thì gần như không còn, nhưng ngày xưa thì vẫn bị”, anh Dinh cười.

Trong kho ảnh của anh Đức chủ yếu là ảnh chụp các xe rác và rác thải. Cũng có những hình ảnh tác nghiệp và tai nạn của đồng nghiệp. Mới đợt trước, một đồng nghiệp của anh bị mảnh sành cứa đứt tay đứt chân phải điều trị trong bệnh viện. Anh kể, đợt đòi lại vỉa hè, anh vào can ngăn xô xát bị người ta đấm cho lệch mũi. Hay, chính ở khu vực anh làm việc, có hai vợ chồng đồng nghiệp tử vong vì tai nạn giao thông...

“Chuyện đâm phải kim tiêm, mảnh chai lọ vỡ, gai hoa giấy... là chuyện bình thường. Bọn mình cũng đi thử máu nhưng may mắn là không sao cả”, anh Đức nói. Trong một gia đình nhiều người làm nghề dọn dẹp vệ sinh cho thành phố, cũng có người thân bị mất vì bệnh nghề nghiệp như ung thư... nhưng anh Đức bảo, bây giờ có sợ cũng không bỏ nghề, vì đó là kế sinh nhai, là miếng cơm, manh áo của cả gia đình.

“Có người thân của mình vừa nhận sổ hưu được một năm thì mất vì bệnh ung thư. Nhưng, bảo mình bỏ nghề thì cũng chẳng biết làm nghề gì để kiếm sống. Quen với rác rồi, nói yêu rác cũng được. Công việc này chúng mình không làm cũng chẳng có ai làm nữa. Bây giờ nhiều người bỏ việc mà cũng có tìm được người nào thế chỗ đâu. Tre già nhưng măng chẳng thấy mọc gì cả”.

Anh Đinh Duy Đức công nhân vệ sinh đô thị

Theo Tiền Phong

Bạn đang đọc bài viết Chuyện đời sau xe rác, Bài 2: Lễ, Tết ư, mơ về nơi xa lắm!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.
Lặng thầm làm đẹp cho đời
"Khi được Công ty làm hồ sơ để đề cử đi nhận giải thưởng “Cây chổi vàng”, tôi nghĩ, được giải khuyến khích là đã mừng lắm rồi. Vậy nên khi được giải bạc, tôi và cả nhà rất vui, nhất là mẹ chồng vì bà là người tìm công việc này cho tôi khi tôi...".
Ninh Thuận: Những người hùng thầm lặng
Từng là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường, đến nay, nhờ sự chung tay của nhóm thiện nguyện bảo vệ môi trường, người dân địa phương và khách du lịch, vịnh Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) ngày càng trở nên xanh – sạch – đẹp.
Bông hồng Thành phố
20 năm trôi qua, thấp thoáng trong ánh mắt hiền hòa của chị Lê Thị Thuỳ Tân là những câu chuyện về hành trình vất vả, nhưng đầy lòng tự hào.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.