Thứ sáu, 29/03/2024 22:19 (GMT+7)

Phan Tiếng - Người công nhân môi trường 70 tuổi

H. Anh -  Thứ tư, 02/05/2018 10:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sinh năm 1949, dù tuổi đã cao nhưng ông Phan Tiếng vẫn miệt mài lao động trên những đoạn đường Quốc lộ của huyện Lộc Ninh.

Đội quản lý Công trình Đô thị Huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) có một người công nhân đặc biệt năm nay đã gần 70 tuổi. Sinh năm 1949, dù tuổi đã cao nhưng ông Phan Tiếng vẫn miệt mài lao động trên những đoạn đường Quốc lộ của huyện Lộc Ninh. Ở cái tuổi đáng ra được nghỉ ngơi, ông vẫn ngày ngày làm việc. Một phần vì yêu nghề, yêu lao động, phần vì hoàn cảnh gia đình ông quá bấp bênh.

Là người chịu khó lại chất phác, thật thà, ấy vậy mà cái nghèo cái khó vẫn luôn đeo bám ông. Trước khi đến với nghề vệ sinh môi trường, ông bươn chải nhiều nghề khác nhau mà nghề nào cũng vất vả, kham khổ. Năm 1983, ông vào làm công nhân khai thác vùng kinh tế mới, trồng cao su. Năm 1992, nghỉ làm công nhân, ông về làm thuê nuôi sống gia đình. Vợ ông sức khỏe yếu không làm được việc nặng nhọc nên kinh tế chỉ biết dựa vào sức lao động của ông. Lương làm thuê nào có được mấy nêndù ông cố gắng chắt chiu, lao động hết lực thì cuộc sống hai vợ chồng và các con vẫn luôn túng thiếu.

Tuy nghèo nhưng tình cảm gia đình lúc nào cũng ấm cúng, yêu thương lẫn nhau. Đó chính là động lực giúp ông làm việc hết mình dù cho công việc vô vàn những khó khăn. Nhưng tất cả như sụp đổ khi con trai Phan Phước Lân của ông lâm bệnh nặng mất sớm. Mất đi người con yêu thương, ông đau khổ tưởng như mất niềm tin vào cuộc sống.

Hoàn cảnh của ông được chính quyền xét vào hộ nghèo. Ông tâm sự ngày đó nhà cửa rách nát tạm bợ. Mãi đến năm 2005, được nhà nước xây cho nhà tình thương, gia đình ông lần đầu tiên có nơi để che nắng che mưa và sinh sống ổn định. Ông tâm sự, có nhà ở cũng khiến ông được an ủi phần nào và yên tâm hơn để tiếp tục lao động.

Năm 2011, khi đã bước sang tuổi 62, ông mới bắt đầu làm nghề môi trường bằng việc xin vào Đội quản lý công trình đô thị chăm sóc cây xanh tại UBND huyện. Tuy gia nhập nghề muộn nhưng ngay những ngày đầu tiên làm, ông đã có một tình yêu dành cho nghề môi trường và tình yêu ấy càng ngày càng lớn hơn khi công việc này đã giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định hơn. Nhờ công việc này mà đến năm 2013, gia đình ông được xóa nghèo.

Ở tuổi 70, ông vẫn hàng ngày cần mẫn trên con đường quốc lộ, gom cành, xúc đất, nạo vét cống rãnh, làm tròn trách nhiệm của người công nhân môi trường. 

Làm công tác chăm sóc cây xanh một thời gian thì ông chuyển sang phụ trách vệ sinh QL 13, gom cành và xúc đất mỗi khi mưa đổ xuống, nạo vét cống rãnh thị trấn Lộc Ninh. Dù tuổi đã cao nhưng ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông tâm sự mặc công việc tuy vất vả nhưng vì đam mê và niềm vui có thể giúp ích cho cộng đồng nên ông luôn cố gắng hết mình. Công việc giúp ông có mức lương khá hơn. Tưởng rằng cuộc sống từ đây có thể ổn định sau bao năm tháng gian lao nhưng đến năm 2015, con trai ông - Phan Phước Thuận bị phát hiện mắc ung thư thanh quản. Khó lại thêm bần, chưa kịp có cuộc sống an nhàn, đầy đủ thì ông lại phải trầy trật lo tiền chữa bệnh cho con.

Từ ngày con trai lâm bệnh, cuộc sống gia đình ông Tiếng lại càng khó khăn hơn. Do người con trai còn lại chưa tìm được việc làm, các con gái lấy chồng xa mà bản thân cũng chưa ổn định nên không giúp đỡ ông được gì. Khoản tiền lương từ công việc vệ sinh môi trường vốn đã ít ỏi chẳng đủ tiền sinh hoạt nay còn phải lo chạy chữa cho con. Gia đình ông vì thế càng trở nên túng bấn.

Những tưởng khi về già sẽ có con cái làm chỗ dựa nhưng ông vẫn luôn là chỗ dựa cho cả gia đình. Nhìn khuôn mặt đầy nếp nhăn, mái tóc đã thật nhiều sợi bạc, ánh mắt đầy lo toan, ai cũng phần nào thấy được hoàn cảnh của ông. Nhưng vượt lên những muộn phiền của gia đình, ở cái tuổi 70, ông vẫn hàng ngày cần mẫn trên con đường quốc lộ, gom cành, xúc đất, nạo vét cống rãnh, làm tròn trách nhiệm của người công nhân môi trường.

Và không chỉ ông Tiếng mà còn biết bao những mảnh đời công nhân môi trường khó khăn ngoài kia nhưng họ vẫn bỏ lại sau lưng mọi gian khó để ngày ngày làm sạch những con đường, đem lại cuộc sống trong lành cho người dân./

Bạn đang đọc bài viết Phan Tiếng - Người công nhân môi trường 70 tuổi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.
Lặng thầm làm đẹp cho đời
"Khi được Công ty làm hồ sơ để đề cử đi nhận giải thưởng “Cây chổi vàng”, tôi nghĩ, được giải khuyến khích là đã mừng lắm rồi. Vậy nên khi được giải bạc, tôi và cả nhà rất vui, nhất là mẹ chồng vì bà là người tìm công việc này cho tôi khi tôi...".
Ninh Thuận: Những người hùng thầm lặng
Từng là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường, đến nay, nhờ sự chung tay của nhóm thiện nguyện bảo vệ môi trường, người dân địa phương và khách du lịch, vịnh Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) ngày càng trở nên xanh – sạch – đẹp.
Bông hồng Thành phố
20 năm trôi qua, thấp thoáng trong ánh mắt hiền hòa của chị Lê Thị Thuỳ Tân là những câu chuyện về hành trình vất vả, nhưng đầy lòng tự hào.

Tin mới