Thứ sáu, 29/03/2024 08:59 (GMT+7)

Tiếng chổi 'thở dài' nơi phố thị

MTĐT -  Chủ nhật, 08/03/2020 16:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bất kể đêm đông giá rét, hay những ngày hè nắng như đổ lửa, tiếng chổi tre xao xác, tiếng xe đẩy nặng nề của các nữ công nhân môi trường vẫn văng vẳng như thứ âm thanh không thể thiếu nơi phố thị náo

Có lẽ, ít ai biết được để giữ gìn cho mỗi con đường xanh - sạch - đẹp, họ phải đối mặt với đủ sự rè bỉu, ảnh hưởng về sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng.

Mưu sinh vất vả

6h sáng, trên mọi tuyến đường ở thành phố Thanh Hóa, không khó để bắt gặp các “chiến sĩ môi trường” với trang phục đặc trưng: Đội nón lá, khăn bịt kín mặt, áo đồng phục màu xanh có gắn phản quang, trên tay là cây chổi tre cán dài, bản hót và không thể thiếu “bạn đồng hành” chiếc xe đẩy nặng nề. Với hành trang như vậy, các chị cứ rong ruổi khắp “hang cùng ngõ hẻm” nơi phố thị, dọn đi những thứ xú uế, đủ loại rác thải mà không phải do mình tạo ra.

Ca thứ 2 trong ngày bắt đầu từ 7h sáng của nữ công nhân vệ sinh môi trường.

Chị Nguyễn Thị Hương, người có hơn 15 năm làm công nhân thu gom rác ở khu vực phường Đông Vệ. Với dáng người mảnh khảnh, nhỏ nhắn, do bịt kín mặt nên chúng tôi chỉ thấy được đôi mắt lộ rõ sự mệt mỏi, thoáng chút buồn của người phụ nữ tần tảo, chị chia sẻ: Ngày lễ cũng như ngày thường, chị em chúng tôi vẫn thường bắt đầu công việc từ 2, 3h sáng đến 7h, nghỉ ăn sáng 30 phút rồi lại vào ca tiếp theo đến 11h. Bất kể thời tiết nắng mưa hay nắng, có những đêm nhiệt độ hạ xuống 10°C, ngoài đường gió lạnh như “cắt da cắt thịt”, nhưng phần vì trách nhiệm, phần vì mưu sinh nên cũng chẳng nề hà gì”.

Những người công nhân thu gom rác như chị Nga luôn phải đối mặt rất nhiều nguy hiểm khi làm ca đêm.

Nói đến đây, chị cười trừ như để xua tan đi cái cảm giác vất vả, rồi lặng lẽ tiếp tục công việc của mình. Những chiếc lá rơi phủ kín mặt đường nhanh chóng “theo” “nhát” chổi thuần thục của chị mà dồn về một góc. Vèo một cái, đoạn đường dài vài chục mét cùng vỉa hè rộng được chị quét sạch sẽ. Rồi cứ thế, như một thói quen chị lại “cong mình” đẩy chiếc xe nặng nề đến những “chiến trường” tiếp theo.

Tưởng chừng công việc đơn giản chỉ là “quét”, “hốt” và “đẩy”, nhưng khi theo chân các chị để tìm hiểu rõ hơn về công việc của những người “trang điểm” cho thành phố, thì quả thực công việc này không phải ai cũng làm được. Đây là công việc đòi hỏi sự chịu khó, lòng dũng cảm nữa và sự hy sinh…bởi khoảng thời gian làm việc “khắc nghiệt” bất chấp thời tiết, ít người qua lại, cùng với đó là muôn vàn hiểm nguy từ “bóng tối” mà các chị phải đối mặt.

Chị Đỗ Thị Hạnh đang miệt mài với công việc trên phố Quang Trung.

“Thời điểm ban đêm là lúc vắng vẻ, ít có sự kiểm soát của lực lượng chức năng, vì vậy tệ nạn cũng xảy ra nhiều, lúc mà gặp chuyện gì bất trắc không biết cầu cứu vào ai”. Chị Đỗ Thị Nga, người dành gần nửa cuộc đời làm nghề “phu quét rác” tâm sự.

Nói đến đây chị lắc đầu ngao ngán, khẽ nhún vai rồi hồi tưởng lại những chuyện đã từng chứng kiến, chị kể tiếp: Có những đêm, một số thanh niên kẹp ba lạng lách, đua xe từng tốp, cả chục chiếc phóng bạt mạng, thậm chí nhiều cánh tài xế ô tô đường dài do buồn ngủ, không kiểm soát được tốc độ, vỉa hè hay lòng đường cũng đi cả lên. Năm ngoái tổ chúng tôi có chị bị xe đụng văng cả xe, may mà không ảnh hưởng đến tính mạng. Có hôm, tôi bị những kẻ nghiện ngập, “ngáo” đá lang thang ngoài đường dọa nạt, uy hiếp, lúc đó chẳng biết làm gì hơn ngoài việc “bỏ của chạy lấy người”.

Gian khổ biết dành phần ai?

Thấy chúng tôi chăm chú ghi chép lại những câu chuyện lần đầu được nghe, chị Nga nhắc: Chú cẩn thận không lại dẫm phải mảnh chai tôi đang quét thì lại khổ. Giật mình nhìn xuống chân, chúng tôi mới nhận ra mảnh sành, chai vỡ để trần bên vệ đường, chỉ nhìn thôi đã thấy rùng mình. Ấy thế mà chỉ với đôi găng tay cũ mỏng manh, chị Nga nhanh nhẹn gom gọn hết số mảnh vỡ vào chiếc thùng giấy, sau đó để riêng một góc. Ngoài những nguy hiểm dình dập vào ban đêm, các chị còn phải đánh đổi nguy cơ về bệnh tật và sức khỏe.

Đủ các loại rác thải được thu gom trên xe.

Tiếp xúc với chúng tôi, chị Lê Thị Nga, sống ở phường Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa cho hay: Hàng ngày chúng tôi tiếp xúc với “ti tỉ” các loại rác thải nào là xác động vật, thức ăn ôi thiu… mùi hôi thối bám vào người đến nỗi có tắm như thế nào cũng không hết, nhiều hôm về nhà mệt nhưng chẳng thể nào nuốt nổi cơm. Sợ nhất là rác thải y tế như khẩu trang dùng một lần, kim tiêm dính máu không được bọc gói nhiều vô kể. Vậy nên, so với những ngành nghề khác, chúng tôi có nguy cơ lây nhiễm bệnh tật cao hơn nhiều.

Các “chiến sĩ môi trường” hàng ngày vẫn “hành quân” qua mọi con phố với chiếc xe chở đầy rác.

Cũng theo chị Nga, một bộ phận người dân không nhỏ luôn có suy nghĩ “đã đóng tiền vệ sinh thì rác nào mà chả vứt ra được, kiểu gì cũng sẽ có người đến dọn đi”. Thế là cả những chiếc tủ gỗ mọt cồng kềnh, gạch đá tạp nham, cây cảnh bỏ đi sau Tết bị vứt la liệt ra vệ đường, mình lại “oằn mình” bốc lên xe rồi lại đẩy đi, để lại sau họ là những con đường sạch bóng rác thải. Có lúc xe nặng lên đến cả tạ, vậy nên ai nấy đi làm cái nghề này không bị các bệnh về đường hô hấp thì xương khớp cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Mức thu nhập thấp, nhưng họ phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy.

Vất vả, độc hại là vậy nhưng khi được hỏi tại sao lại không chọn cho mình một ngành nghề khác?, các chị mỉm cười đáp: Ai cũng chọn cho mình việc nhẹ nhàng, còn gian khổ vất vả thì dành cho ai hả chú. Tuy có đôi chút vất vả nhưng bù lại công việc này không gò bó áp lực, đôi lúc có những ánh mắt dè bỉu nhìn mình, nhưng đồng tiền mình kiếm ra là chân chính nên chẳng có gì phải xấu hổ cả. Các cháu ở nhà được ăn học đầy đủ cũng nhờ công việc quét rác này đấy, may mắn thay chúng nó đều rất tự hào về mẹ cũng như công việc này.

Thầm cảm ơn những người phụ nữ tảo tần đã và đang góp công sức to lớn trong công tác bảo vệ môi trường.

Đối với các chị, ngày 8/3 tới đây vẫn là một ngày lao động bình thường, điều họ nhận được không phải là những bông hoa tươi thắm trên tay mà là cây chổi tre quen thuộc, khoác trên mình bộ quần áo công nhân cũ kỹ thay cho chiếc áo dài truyền thống. Nhưng điều chúng tôi chắc chắn, món quà ý nghĩa nhất đối với các chị là ý thức người dân ngày một tốt hơn, lượng rác thải sẽ giảm đi, để rồi những đôi tay chai sạn, những đôi chân mỏi mệt kia vơi đi nỗi vất vả của cuộc sống mưu sinh.

Thu Thủy - Hoàng Anh/TNMT
Bạn đang đọc bài viết Tiếng chổi 'thở dài' nơi phố thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.
Lặng thầm làm đẹp cho đời
"Khi được Công ty làm hồ sơ để đề cử đi nhận giải thưởng “Cây chổi vàng”, tôi nghĩ, được giải khuyến khích là đã mừng lắm rồi. Vậy nên khi được giải bạc, tôi và cả nhà rất vui, nhất là mẹ chồng vì bà là người tìm công việc này cho tôi khi tôi...".
Ninh Thuận: Những người hùng thầm lặng
Từng là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường, đến nay, nhờ sự chung tay của nhóm thiện nguyện bảo vệ môi trường, người dân địa phương và khách du lịch, vịnh Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) ngày càng trở nên xanh – sạch – đẹp.
Bông hồng Thành phố
20 năm trôi qua, thấp thoáng trong ánh mắt hiền hòa của chị Lê Thị Thuỳ Tân là những câu chuyện về hành trình vất vả, nhưng đầy lòng tự hào.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.