Thứ sáu, 29/03/2024 14:44 (GMT+7)

Hà Nội: Công nhân VSMT đội nắng trên 40 độ C để làm sạch đường phố

Trang Triệu -  Thứ ba, 03/07/2018 14:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội đang trải qua đợt nắng nóng đỉnh điểm kể từ đầu mùa hè năm nay. Ngoài trời, thậm chí nhiệt độ lên đến gần 50 độ C, thế nhưng công nhân VSMT vẫn phơi mình dưới nắng cần mẫn làm sạch đường phố.

Những ngày qua, tại Hà Nội xuất hiện đợt nắng nóng đỉnh điểm. Từ 5 giờ sáng, mặt trời đã tỏa nắng chói chang, càng về trưa và đầu giờ chiều nhiệt độ ngoài trời càng tăng cao, thậm chí có thời điểm lên tới gần 50 độ C.

Người cảm nhận rõ nhất cái nắng nóng của thời tiết chính là những người phải lao động ngoài trời. Trong đó, phải kể đến những công nhân vệ sinh môi trường. 

Dù thời tiết ngoài trời lên đến gần 50 độ C, thế nhưng những công nhân vệ sinh môi trường vẫn phải phơi nắng để làm việc.

 Môi trường làm việc dưới trời nắng nóng, không quạt, không điều hòa. Hơi nóng từ trên hắt xuống, từ dưới hắt lên, từ các phương tiện giao thông phả ra đủ làm cho những giọt mồ hôi của những công nhân vệ sinh môi trường thi nhau lăn tăn trên trán, những chiếc áo thấm đẫm mồ hôi và làn da bị cháy đen vì nắng nóng.

Trò chuyện với PV, anh Trần Quang Vinh (Công nhân của Công ty CP Môi trường và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên) chia sẻ: “Trời mưa hay trời nắng thì chúng tôi đều vất vả cả, trời mưa đường khó quét, trời nắng thì nóng nực dễ mệt. Dù ngoài trời có bão hay nhiệt độ lên đến 40 – 50 độ C thì chúng tôi vẫn phải làm việc bình thường”.

Anh Trần Quang Vinh (Công nhân của Công ty CP Môi trường và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên) chia sẻ với PV.

Tâm sự với PV, bà Nguyễn Thị Toan (Công nhân của Công ty CP Môi trường và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên): “Ca làm của chúng tôi bắt đầu từ 5 giờ sáng. Tuy nhiên, do mùa hè nắng rất sớm, trưa đến nhiệt độ tăng cao nên để vừa bảo vệ sức khỏe bản thân, vừa có thể hoàn thành tốt công việc chúng tôi phải đi làm từ 3 giờ sáng để xong công việc sớm hơn một chút, tránh được cái nắng của buổi trưa”.

"Chúng tôi phải đi làm từ 3 giờ sáng để xong công việc sớm hơn một chút, tránh được cái nắng của buổi trưa”, bà Toan chia sẻ.

“Vất vả một chút, nhưng đã vào nghề là phải chấp nhận, làm lâu sẽ thành quen. Nắng nóng như này, người khỏe thì không sao, chứ người yếu thì ngất là chuyện bình thường, có không ít người bị ngất, bị say nắng khi làm việc rồi.

Những lúc như thế thì đồng nghiệp giúp đỡ nhau là chủ yếu. Thế nên khi đi làm mà thấy có biểu hiện say nắng là phải tìm chỗ dâm để nghỉ ngơi sau đó mới làm tiếp, chứ không được cố”, bà Toan nói thêm.

Những giọt mồ hôi vẫn còn vương trên khuôn mặt của nữ công nhân vệ sinh môi trường.

Đồng hồ điểm gần 12h trưa, PV vẫn bắt gặp chị Nguyễn Thị Hương (Công nhân của Công ty CP Môi trường và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên) đang đẩy xe rác về điểm tập kết, những giọt mồ hôi thi nhau rơi trên khuôn mặt sạm đen vì cháy nắng.

Chị Hương tâm sự: “Hồi mới vào làm, thấy vất vả cũng nản lắm, thế nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên tiếp tục cố gắng. Làm được một thời gian bắt đầu quen, thích nghi dần với công việc, nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì việc gian khổ ai làm. Nhận thấy đây là công việc rất ý nghĩa nên tôi lại càng yêu nghề hơn rồi gắn bó với nó”.

Gần 12h trưa, chị Hương vẫn cặm cụi đẩy xe rác về điểm tập kết, mặc cho cái nắng nóng trưa hè.

Vào mùa hè nắng nóng bắt đầu từ 6 giờ sáng cho tới khoảng 18 giờ tối, với đặc thù công việc của người công nhân vệ sinh môi trường luôn phải làm việc ngoài trời nên cả ngày họ phải hứng chịu cái nắng thì việc bảo vệ sức khỏe là vô cùng quan trọng.

Về cách tránh nắng, chị Hương cho hay: “Cũng đơn giản thôi và cũng không còn cách nào khác, chúng tôi phải đội mũ, mặc quần áo bảo hộ lao động, đeo khẩu trang, gang tay, lót một chiếc khăn ẩm bên dưới mũ cho mát, nói chung là bịt kín người để hở ra là nắng rát lắm.

Đấy là phụ nữ chúng tôi, chứ đàn ông có người họ còn đầu trần ý. Quan trọng là phải uống nhiều nước vào, trên xe mỗi người chúng tôi sẽ phải mang theo chai nước 1,5 lít để uống, có hôm còn không đủ, uống ngoài thì tiền đâu có”.

Để bảo vệ mình khỏi nắng, ngoài việc mặc áo bảo hộ lao động, đội mũ thì những công nhân vệ sinh môi trường còn phải sử dụng cả khẩu trang, mũ bịt kín mặt.
Trên xe của những công nhân vệ sinh môi trường luôn phải có những chai nước dự trữ.

"Một ca làm việc chúng tôi uống hết một chai nước 1,5 lít, có những hôm còn thiếu", chị Hương tâm sự.

Sau giờ làm việc mệt mỏi, những công nhân vệ sinh môi trường lại tranh thủ ngồi trò chuyện với nhau, cùng ăn miếng kem, uống miếng nước và cười nói vui vẻ dù công việc có vất vả đến mấy.

Công nhân vệ sinh môi trường tranh thủ giờ giải lao tìm chỗ dâm mát, cùng nhau trò chuyện, ăn miếng kem, uống miếng nước để tiếp thêm sức chuẩn bị chống chọi với cái nắng.

Kết thúc buổi trò chuyện PV càng khâm phục hơn những công nhân vệ sinh môi trường, dù có nguy hiểm và vất vả họ vẫn luôn gắn bó với nghề, không chỉ vì cuộc sống mưu sinh mà còn vì yêu nghề.

Môi trường và Đô Thị Việt Nam điện tử xin gửi lời cảm ơn chân thành và chúc cho tất cả các công nhân vệ sinh môi trường luôn có một sức khỏe tốt để hoàn thành nhiệm vụ.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Công nhân VSMT đội nắng trên 40 độ C để làm sạch đường phố. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Thêm vất vả vì vừa thu gom rác vừa giải thích với người dân
Liên quan đến việc người dân phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy phản ánh công nhân Công ty Cổ phần đô thị Cần Thơ không thu gom rác trong nhiều ngày dẫn đến ùn ứ, phóng viên đã tìm gặp đội ngũ công nhân trực tiếp làm việc để hiểu rõ nguyên nhân.
Những phụ nữ "xuyên đêm" giữ sạch đẹp phố phường
Vượt lên nhiều khó khăn, các nữ công nhân của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Bắc Kạn vẫn sớm khuya gắn bó với công việc, âm thầm đóng góp sức mình giữ gìn cảnh quan thành phố Bắc Kạn xanh - sạch - đẹp.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.