Thứ sáu, 19/04/2024 07:55 (GMT+7)

Kỳ lạ chuyện kể về những người sợ hai chữ... World Cup

Phan Ngân -  Thứ sáu, 06/07/2018 20:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong khi nhiều đấng mày râu đang hô hào cổ vũ ở các quán nhậu thì những nữ công nhân vệ sinh môi trường vẫn đang loay hoay với núi rác thải.

World Cup và những cuộc vui nơi quán xá!

Tất bật và nhộn nhịp, từ các nhà hàng sang trọng cho tới quán ăn uống vỉa hè, đâu đâu cũng sục sôi tinh thần của cổ động viên bóng đá mùa World Cup. Mặc dù đã được 2/3 chặng đường đi tìm ngôi vương cho bóng đá thế giới nhưng những trận bóng về cuối mùa mới là những trận được cổ động viên mong chờ nhất. World Cup vì thế mà ngày một nóng hơn.

Nhân cơ hội này, các nhà hàng, quán bia rầm rộ tung ra nhiều chiêu trò hút khách như: giảm giá, khuyến mại, mua sắm ti vi màn hình lớn hay máy chiếu cỡ lớn để phục vụ khách hàng. Vì vậy mà lượng khách mùa này tăng đột biến. 

Các quán bia rộn ràng mùa World Cup, lượng khách tăng đột biến.

Chị Trần Hương Lan (Chủ một quán bia trên đường Đỗ Đức Dục) chia sẻ với PV: "Không như những ngày thường, mùa World Cup quán chị phục vụ khách đến tận 3 giờ đêm, khi nào hết trận, hết khách thì quán mới đóng cửa.

Còn như thường lệ là sẽ nghỉ làm từ khoảng 23h30. Mùa này khách đông nên thực phẩm nhà chị phải bổ sung lớn về số lượng. Ước tính tăng khoảng 40 - 50 % so với ngày thường".

Mặc dù World Cup được phát sóng bản quyền trên kênh của VTV nhưng đa phần các đấng mày râu không thích xem bóng tại nhà mà phải ra quán, tụ tập cho...có khí thế.

Cuồng nhiệt cùng trái bóng bên những cuộc vui, mấy ai biết rằng có những con người thầm lặng đang phục vụ hết mình cho những cuộc vui đó. Không phải đầu bếp cũng chẳng phải bồi bàn, người phục vụ tận lực nhất cho World Cup chính là công nhân vệ sinh môi trường.

Tàn dư còn lại cuối cùng sau mọi cuộc vui đó là rác thải.

Chúng tôi sợ World Cup kinh khủng...!

Một ngày đầu tháng 7 trời nắng như đổ lửa, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới 50 độ C. Trận này cũng là trận đấu cuối cùng của vòng loại trực tiếp đầu tiên trước khi bước vào 4 trận tứ kết cam go.

22 giờ đêm, tại điểm tập kết cẩu rác tạm thời trên đường Đỗ Đức Dục (Nam Từ Liêm, Hà Nội), gần 30 xe rác chất đầy như núi đang nằm chờ được mang đi. Hơi nóng hầm hập từ đường nhựa bốc lên khiến núi rác như nhão ra, bốc mùi nặng nề. Trời đã về khuya nhưng nhiệt độ không khí chẳng giảm là bao, vẫn oi ả và bỏng rát, đây cũng là lúc những công nhân vệ sinh môi trường bắt đầu vào "trận đấu". 

Vài chục xe rác ngồn ngộn, cao hơn cả đầu người, xếp dài cả chục mét vẫn không hết...

 Trong khi nhiều đấng mày râu đang hô hào cổ vũ ở các quán nhậu thì những nữ công nhân vệ sinh môi trường vẫn đang loay hoay với núi rác thải.

Gặp gỡ chị Khoản Thị Ng. (công nhân vệ sinh môi trường), PV không khỏi choáng ngợp trước khối lượng công việc của chị. Nhìn dáng người bé nhỏ thọt lỏm giữa hàng chục xe rác cao hơn 2 mét mới thấy người phụ nữ này có sức mạnh phi thường. 

Cuộc đời công nhân môi trường gắn liền với rác!

 Chị kể: "Mùa này vất vả lắm em à! Con đường này tập trung nhiều hàng quán, nhà nào nhà đấy vài xe rác mỗi ngày. Như hôm nay chỗ này là còn ít đó, mấy chục xe vẫn không đủ phục vụ, tụi chị còn phải dùng ván gỗ để cơi nới thêm chiều cao cho xe rác mà vẫn ngồn ngộn thế này đây! Đa phần mùa bóng đá công nhân môi trường đều phải làm thêm giờ mới hoàn thành xong công việc".

Vừa kể chị vừa nhanh tay thu dọn rác lên xe để chuẩn bị chờ giờ ép rác. 

Không biết bằng cách nào mà những nữ công nhân vệ sinh môi trường lại có thể đẩy được xe rác vừa cao vừa nặng như thế này...

 "Đây này, rác toàn là đồ ăn thừa của các nhà hàng, quán nhậu. Những thứ như vỏ ngao, hải sản, thức ăn ướt, phân hủy và bốc mùi rất nhanh, rỉ nước ra khó thu dọn lắm em à! Nếu như trước đây một nhà hàng chỉ xả ra 2 xe rác thì bây giờ phải lên tới 3,4 xe. Chị đến là sợ World Cup!" - chị Ng. tâm sự. 

Công nhân môi trường phải làm việc cật lực mới có thể hoàn thành công việc và trở về nhà vào nửa đêm.

 Tiếp lời, chị Vũ Thị Q. (cùng tổ với chị Ng.) cười nói: "Hôm nào mà chồng chị bảo có trận hay là y như rằng đêm hôm đấy dọn rác mệt phờ.

Đấy, kể mà ít rác hơn thì chị còn được về sớm ăn cơm với cả nhà, chứ cứ ùn ứ như thế này chẳng ai dám bỏ việc mà về cả, dù có mệt đến cỡ nào.

Nói vui chứ, tụi chị cũng muốn xem bóng lắm đấy, đi làm thấy người ta hô hào cũng ham em ơi!".

Nghe những lời tâm sự của các chị, nếu là ai đi chăng nữa cũng sẽ phải thấy mủi lòng, thương và cảm thông cho những người phụ nữ mạnh mẽ ấy. 

Nhiều lúc mệt quá nhưng nghĩ tới thành quả là đường phố sạch đẹp thì các chị lại có thêm động lực.

Nụ cười trong lao động

"Làm nghề này, trước hết phải cảm thấy vui và yêu nghề trước đã" - đó là lời tâm sự của chị Ng. khi nói về nghề vệ sinh môi trường. 

Dù là ban ngày hay ban đêm, trời nắng hay trời mưa thì môi trường làm việc của người công nhân vệ sinh môi trường đều khắc nghiệt. 

Rác cứ ùn ứ thế này, dù mệt tới đâu cũng chẳng ai dám bỏ việc mà nghỉ ngơi.

 Nhất là mùa hè năm nay, Hà Nội có lúc nhiệt độ hơn 40 độ C. Không quạt, không điều hòa, hơi nóng từ trên hắt xuống, từ dưới hắt lên, từ các phương tiện giao thông phả ra đủ làm cho những giọt mồ hôi của những công nhân vệ sinh môi trường thi nhau lăn tăn trên trán.

Môi trường làm việc khó khăn, vất vả nhưng hàng nghìn công nhân vệ sinh môi trường trên cả nước vẫn đang làm tốt nhiệm vụ mỗi ngày.

 Bên cạnh tình yêu với nghề thì sự hi sinh thầm lặng trong lao động khiến cho hình ảnh những công nhân vệ sinh môi trường đang phải làm việc vất vả trở nên đẹp đẽ hơn bao giờ hết. 

 Trong buổi họp báo giới thiệu chương trình Cây chổi vàng - tôn vinh công nhân vệ sinh môi trường năm 2017, TS.LS.Tổng biên tập Đồng Xuân Thụ Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam đã từng tâm sự: “Các nhà báo trước nay hay viết nhiều về vấn đề lớn lao mà quên mất những con người tuy nhỏ bé nhưng lại rất có ích với cộng đồng, với cuộc sống gần gũi của chính chúng ta”.

Những chiến binh thầm lặng trên đường phố...

Dẫu vất vả nhưng các chị luôn nở nụ cười tươi tắn khi nhìn thấy đường phố được gọn gàng. Đó là nụ cười của lao động chân chính, nụ cười đẹp nhất mà tôi từng thấy trên môi người lao động!

Chứng kiến những hình ảnh này, tôi thầm cảm phục các chị, cũng như tất cả những công nhân vệ sinh môi trường trên cả nước. 

Những người phụ nữ lọt thỏm trong núi rác...

 Ra về, trong lòng tôi vẫn đầy dư âm câu nói của chị Ng.: "Làm nghề này, trước hết phải cảm thấy vui và yêu nghề trước đã", từ đáy lòng tôi cảm ơn các chị.

Ngoảnh đầu lại, tôi thấy bóng dáng hai người phụ nữ nhỏ nhắn ấy vẫn chật vật, loay hoay trong núi rác ngập đầu, và đâu đó ở một quán nhậu, những đấng mày râu đang hò reo! 

Bạn đang đọc bài viết Kỳ lạ chuyện kể về những người sợ hai chữ... World Cup. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Thêm vất vả vì vừa thu gom rác vừa giải thích với người dân
Liên quan đến việc người dân phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy phản ánh công nhân Công ty Cổ phần đô thị Cần Thơ không thu gom rác trong nhiều ngày dẫn đến ùn ứ, phóng viên đã tìm gặp đội ngũ công nhân trực tiếp làm việc để hiểu rõ nguyên nhân.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.