Thứ ba, 19/03/2024 18:09 (GMT+7)

Lao công mùa dịch

MTĐT -  Thứ hai, 13/04/2020 08:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Giữa tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nhà nào cũng khó khăn cả, không chỉ tôi mà cả nước phải hứng chịu. Nhưng trong lúc khó khăn cũng phải vững lòng tin để cùng nhau vượt qua cơn đại dịch này

Ngày đặc biệt

Đầu tháng 4, những ngày làm việc đặc biệt của Lê Thị Dung, một công nhân vệ sinh môi trường ở TP Thanh Hóa. Cũng công việc như thường ngày, nhưng khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế ra đường để phòng chống dịch COVID-19 thì chị và những đồng nghiệp khác đang rong ruổi các con đường, ngõ phố để quét dọn vệ sinh, thu gom rác thải.

Đội Cung, Lê Hoàn, Trần Phú hay thậm chí Đại Lộ Lê Lợi, những con phố vốn vẫn ồn ào, náo nhiệt bậc nhất TP Thanh Hóa nay cũng trở nên tĩnh lặng, thưa thớt người qua lại. Chỉ còn lại tiếng chổi tre xào xạc, tiếng xe đẩy kêu cút kít của tổ công nhân vệ sinh môi trường.

Được phân công nhiệm vụ tại tuyến đường Đội Cung (phường Trường Thi), ngày 3 lần sáng - trưa - tối, chị Dung và 1 công nhân khác chia nhau thành hai hướng để thu gom rác thải. Nhiều người dân ở nhà phòng chống dịch bệnh nên lượng rác thải sinh hoạt những ngày này cũng gia tăng, khiến những lao công như chị Dung phải đi sớm, về khuya so với thường lệ.

5h sáng, gửi lại con nhỏ 7 tuổi cho ông bà nội, chị Dung chạy xe từ phường Đông Cương để đi làm. Dáng người nhỏ thó, đẩy xe rác đi từ đầu cầu Hạc về phố Đội Cung, chị Dung bắt đầu một ngày làm việc của mình.

Chị kể, “Buổi sáng là buổi quan trọng nhất của chúng tôi, bởi vì sau 1 đêm ăn uống, sinh hoạt, rác thải sẽ rất nhiều, nếu không dọn xong buổi sáng sẽ gây mất mỹ quan thành phố. Chính vì thế chúng tôi phải đi từ rất sớm.”

Vượt qua sợ hãi

Chị có lo sợ về tình hình dịch bệnh COVID-19, khi mỗi ngày tiếp cận với đủ thứ rác thải không?

Tôi làm nghề này cũng được 5 năm rồi, không phải những ngày dịch bệnh chúng tôi mới lo sợ. Kể cả ngày thường, rác thải sinh hoạt với đủ loại từ thức ăn thừa, túi ni lon, bao bì hay thậm chí là giấy vệ sinh… không chỉ COVID-19 mà kể cả những dịch bệnh thông thường cũng có thể lây nhiễm nếu không được thu gom đúng cách. Nhưng, khi đã chọn cái nghề này thì phải biết hy sinh, biết lao động thế nào để vừa hoàn thành tốt công việc lại không gây hại cho bản thân và gia đình. Mãi rồi cũng thành quen.

Chị làm gì để phòng chống dịch bệnh trong những ngày này?

Chúng tôi vẫn đi làm như thường ngày, vẫn dùng chổi để quét rác, dùng xe đẩy để thu gom. Nhưng đồ bảo hộ thì phải khác. COVID-19 là căn bệnh lây lan qua đường hô hấp, nó rất nguy hiểm, để phòng chống dịch bệnh, tôi dùng 2 lớp khẩu trang (1 y tế, 1 chiếc khăn dày), để bịt kín vùng miệng và mũi, 2 lớp găng tay bảo hộ. Còn nữa, sau mỗi buổi đi làm về thì phải rửa tay xà phòng, sát khuẩn tay và tắm rửa rồi mới sinh hoạt trong gia đình.

Đi sớm về khuya giữa phố phường vắng vẻ trong tâm dịch bệnh chị thấy thế nào?

Kể từ khi làm cái nghề này tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc phải về sớm. Bởi đây là công việc mình đã chọn phải biết chấp nhận. Đi làm từ khi mọi người còn đang ngủ, trở về nhà lúc họ ăn cơm, đôi lúc cả đường phố chỉ mỗi mình với chiếc chổi tre...

Cơm thừa, phế liệu và nỗi lo cơm áo gạo tiền

Khác tổ với chị Dung, chị Trần Thị P. (52 tuổi, phường Đông Hương), một lao công có thâm niên nhiều năm ở TP Thanh Hóa những ngày này cũng bận rộn hơn nhiều so với ngày thường.

Ba thế hệ sinh sống trong một căn nhà nhỏ sau chợ đầu mối Đông Hương, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhiều ngày qua cậu con út của chị không chạy taxi được nữa, cô con dâu làm nghề giáo viên mầm non cho một trường tư thục cũng phải ở nhà để thực hiện giãn cách xã hội. Mọi kinh tế gia đình trông cậy vào đồng lương ít ỏi của chị nhờ nghề lao công quét rác.

--

Để có thêm nguồn thu giữa cơn đại dịch, trong những buổi lao công trên phố, chị P tranh thủ phân loại rác rồi tìm kiếm những vỏ chai nhựa, ống lon để bán phế liệu.

Cùng chung cảnh ngộ như chị P, gia đình lao công Nguyễn Thị Lan (phường Ngọc Trạo, tổ quét rác tại phường Đông Hương) đang phải gồng gánh nhau qua cơn đại dịch. Để có tiền trang trải sinh hoạt nuôi 2 con nhỏ chị phải nuôi thêm đàn gà. Mỗi buổi lao công, thấy nhà ai có cơm thừa, canh cặn là chị vội hỏi xin rồi đùm nắm đem về cho đàn gà ăn.

“Giữa tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nhà nào cũng khó khăn cả, không chỉ tôi mà cả nước phải hứng chịu. Nhưng trong lúc khó khăn cũng phải vững lòng tin để cùng nhau vượt qua cơn đại dịch này. Lương lao công chẳng được mấy đồng, giờ chồng tôi phải nghỉ dịch ở nhà, tranh thủ nuôi thêm đàn gà lấy thu nhập chứ cũng chẳng biết thế nào”. Chị Lan chia sẻ.

Bóng đèn đêm leo lét trên phố đã rực sáng, chị P, chị Dung và Lan thu dọn tư trang để ra về, những bước chân cứ lặng lẽ bước rồi khuất xa sau con ngõ nhỏ. Họ trở về với gia đình thân yêu nhưng trong tâm trí không quên một ý niệm, sớm mai dậy cơn đại dịch sẽ đi qua, người dân sớm trở lại với cuộc sống thường nhật.

Theo Báo Thanh Hóa

Bạn đang đọc bài viết Lao công mùa dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Thêm vất vả vì vừa thu gom rác vừa giải thích với người dân
Liên quan đến việc người dân phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy phản ánh công nhân Công ty Cổ phần đô thị Cần Thơ không thu gom rác trong nhiều ngày dẫn đến ùn ứ, phóng viên đã tìm gặp đội ngũ công nhân trực tiếp làm việc để hiểu rõ nguyên nhân.
Những phụ nữ "xuyên đêm" giữ sạch đẹp phố phường
Vượt lên nhiều khó khăn, các nữ công nhân của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Bắc Kạn vẫn sớm khuya gắn bó với công việc, âm thầm đóng góp sức mình giữ gìn cảnh quan thành phố Bắc Kạn xanh - sạch - đẹp.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.

Tin mới

Quảng Ninh tăng cường kiểm soát khống chế bệnh dại
UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các địa phương khẩn trương tập trung nhân lực, vật lực để kiểm soát khống chế bệnh dại trên địa bàn, đặc biệt việc thành lập tổ xử lý chó thả rông, chó chưa tiêm phòng vắc xin, xử lý chủ nuôi nếu cố tình không chấp hành các qu
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.