Thứ năm, 25/04/2024 04:39 (GMT+7)

Nỗi niềm của công nhân môi trường trong mùa dịch Corona

Hồng Anh -  Thứ hai, 23/03/2020 11:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Giữa dịch bệnh, những người công nhân vệ sinh môi trường hàng ngày vẫn ra ngoài đường thu gom, quét dọn rác thải.

Tình hình dịch bệnh Covid – 19 đang diễn ra ngày càng phức tạp, mặc dù Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình nhưng mầm mống dịch bệnh vẫn hiện hữu và đe doạ sinh mạng con người. Chính quyền khuyến cáo người dân không nên ra ngoài đường, tránh tụ tập đông người vì rất dễ bị lây nhiễm.

Vậy mà với đặc thù công việc của mình, những người công nhân vệ sinh môi trường hàng ngày vẫn ra ngoài đường thu gom, quét dọn rác thải. Họ thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với cơ man các loại chất bẩn, nào là thức ăn ôi thiu, kim loại sắc nhọn, vật dụng chứa nguồn bệnh, …Đây là các nguồn gây bệnh truyền nhiễm. Chính vì vậy, trong thời điểm dịch Covid – 19 bùng phát khắp thế giới, công nhân vệ sinh môi trường là những người dễ bị lây nhiễm nhất.

Vất vả nhân đôi vì dịch bệnh:

Virus Corona lây truyền qua không khí khiến người dân phải tự bảo vệ mình bằng cách đeo khẩu trang y tế. Mọi người đổ xô đi mua và sử dụng khẩu trang y tế dùng một lần. Hiện nay chính quyền cũng đã bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở những nơi công cộng để tránh lây nhiễm. Do đó, lượng rác thải tăng đột biến đặc biệt là khẩu trang y tế, mỗi ngày, có đến hàng chục triệu chiếc khẩu trang dùng một lần bị thải bỏ.

Năm nay dịch bệnh đến ngay sau dịp tết nguyên đán. Vỗn dĩ, cứ mỗi dịp Tết là công nhân môi trường phải làm việc vất vả hơn. Những anh chị công nhân vừa oằn lưng dọn rác vứt bỏ bừa bãi từ trong tết nay lại phải gánh thêm một lượng khổng lồ rác thải là khẩu trang y tế.

Tại các địa điểm thu gom rác, ngoài những nguồn chất thải rắn sinh hoạt thường ngày thì hiện nay xuất hiện rất nhiều khẩu trang y tế đã qua sử dụng... Nhiều chiếc khẩu trang bị vứt lăn lóc cạnh thùng rác hoặc ngay miệng nắp cống, bị gió thổi bay phất phơ khiến người đi đường ái ngại.

Khẩu trang y tế bị vứt la liệt ngoài đường phố (Nguồn: Internet)

Một người công nhân chia sẻ: “Thời gian này, người dân ai cũng sử dụng khẩu trang y tế. Nhiều người không có ý thức, sử dụng xong tiện đâu vứt đó, có khi quẳng ngay dưới đường mà không bỏ vào thùng rác. Chúng tôi đi quét rác cứ một lúc lại lom khom đi nhặt từng cái khẩu trang vứt lung tung”.

Với khẩu trang y tế, đeo thì dễ nhưng thu gom thế nào để tránh các nguy cơ lây nhiễm thì không hề đơn giản, nếu thu gom không đúng cách rất dễ để xảy ra lây nhiễm chéo. Vì vậy, khi thu gom khẩu trang y tế, các công nhân phải xử lý riêng. Họ phải dùng dụng cụ để gắp, hoặc đeo găng tay, cho vào túi kín riêng. Đặc biệt, tại các khu dân cư, nếu mà ở những vùng có dịch, khu dân cư có người mắc bệnh thì bắt buộc phải thực hiện thu gom và xử lý riêng khẩu trang y tế dùng một lần, không xử lý chung với các loại rác sinh hoạt

Nhìn chung việc thu gom và xử lý khẩu trang bị thải bỏ làm sao để tránh lây bệnh rất mất công và phức tạp, công việc của các anh chị công nhân cũng vì thế mà vất vả hơn.

Thực tế, trong tình cảnh dịch bệnh bùng phát này, các công nhân vệ sinh môi trường cũng không khỏi lo lắng. Nghe báo đài đưa tin về tình hình dịch bệnh mỗi ngày lại có hàng trăm hàng ngàn người trên thế giới dương tính với dịch bênh, mọi người cũng hoang mang, nhất là khi công việc khiến họ hàng ngày phải tiếp xúc với mầm mống bệnh tật từ đủ các loại rác thải.

Anh T. (công nhân vệ sinh ở quận 3, TP.HCM) chia sẻ: “Nghề làm thu gom rác rất vất vả, hàng ngày tiếp xúc nhiều nguồn gây bệnh truyền nhiễm. Rác thì loại nào cũng có, nhất là kim tiêm không rõ từ đâu có khi quăng đại trên đường, buổi tối đi không khéo là đạp trúng. Bữa nay lại thêm dịch Corona nữa làm chúng tôi lo càng thêm lo. Kim tiêm thì chúng tôi quen rồi, có mang giày bảo hộ thì cũng không đến nỗi nhưng mấy con virus có khi nó bám trong khẩu trang y tế đã qua sử dụng rồi chui vô mắt, mũi hồi nào không hay” - anh Tùng lo lắng nói.

Tuy lo sợ là vậy song do đặc thù công việc nên bất kể trời nắng hay mưa, hàng ngày, các công nhân môi trường đều phải bám sát đầu đường, xó chợ để dọn rác. 

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Dịch bệnh nổ ra, chính quyền chỉ đạo các địa phương phải thực hiện tổng vệ sinh, làm sạch môi trường. Tuy có sự tham gia cùng của người dân, lực lượng đoàn viên, thanh niên nhưng các công nhân vệ sinh môi trường vẫn là lực lượng chủ yếu. Ngoài dọn rác đường phố theo công việc thường nhật, nay các công nhân phải đảm nhiệm thêm việc tổng vệ sinh khu dân cư, hỗ trợ các lực lượng chức năng tiến hành phun thuốc khử trùng những khu vực công cộng, những trung tâm văn hoá, chợ, công viên…nơi tập trung số lượng người đông đúc.

Đặc biệt, để đảm bảo môi trường xanh sạch, hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan, các cơ quan chức năng cũng chủ trương, yêu cầu các công ty Môi trường đô thị bố trí công nhân tăng cường thu gom rác triệt để, công nhân phải thu gom rác trong ngày không để tồn lưu. Vì vậy khối lượng công việc của các anh chị em công nhân thêm muôn phần nặng nhọc.

Chủ động phòng tránh lây nhiễm

Mặc dù được công ty trang bị đồ bảo hộ lao động, nhưng trước dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona, các công nhân phải tự thực hiện thêm các biện pháp phòng tránh như đeo hai lớp khẩu trang, đeo thêm một lớp găng tay ni-lông bên ngoài găng tay bảo hộ thông thường; thường xuyên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, trang bị thêm cồn rửa tay khi đi làm, tắm giặt nhiều lần trong ngày

Ngày thường, chị N. (người làm công việc thu gom rác tại thành phố Hà Nội) bắt đầu công việc quen thuộc với chiếc nón, chiếc khẩu trang vải che đủ mặt, đôi găng tay cao su và bộ quần áo bảo hộ lao động. Thế nhưng trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, hành trang đi làm của chị N. có thêm lỉnh kỉnh nhiều thứ đồ. Một chiếc khẩu trang y tế ôm vừa mặt đeo bên trong khẩu trang vải, một chiếc găng tay ni-lông bọc ngoài găng tay cao su, một chai nước súc họng, chai nước rửa tay có cồn…

Không chỉ trong công việc, giây phút nghỉ ngơi của những người thu gom rác cũng trở nên căng thẳng hơn giữa mùa dịch. Chị L. (một đồng nghiệp của chị N.) chia sẻ: “Thường thì sau vài tiếng thu gom rác trên các tuyến phố, chúng tôi giải lao ở một con phố vắng, tháo nón, tháo khẩu trang, gỡ găng tay, uống ngụm nước, lấy tay quệt mồ hôi trên mặt. Nhưng những thói quen ấy giờ đây khiến chúng tôi “giật mình thon thót”. Qua đi hơn một tháng, bây giờ thì tôi đã quen với việc dùng nước rửa tay có cồn và súc họng mỗi khi giải lao rồi. Lỉnh kỉnh một chút nhưng an toàn cho bản thân và gia đình”.

Tăng cường bảo vệ cho các công nhân vệ sinh môi trường

Trước tình hình dịch bệnh diễn ra hết sức phức tạp, anh chị em công nhân môi trường cần lưu ý: Công nhân có biểu hiện bất thường như sốt cao, ho kéo dài, cần nghỉ làm việc vào báo ngay đến lãnh đạo công ty và đến đường dây nóng của Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng…không để dịch lây lan trong đơn vị.

Các công nhân thường xuyên tiếp xúc với rác thải phải sử dụng đầy đủ trang thiết bị, quần áo bảo hộ lao động, găng tay, khẩu trang. Với các công nhân trực tiếp thực hiện công tác thu gom chất thải y tế, chất thải lây nhiễm, chất thải sinh hoạt tại các bệnh viện, ngoài việc chấp hành nghiêm quy định bảo hộ lao động, khi cần thiết phải sử dụng bảo hộ lao động chuyên dụng để phòng dịch như quần áo phòng dịch, nón, khẩu trang y tế than hoạt tính bốn lớp, găng tay, đồ bao giày…

Các công ty để bảo vệ người lao động cần phối hợp với cơ quan y tế địa phương chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, lãnh đạo các đơn vị theo dõi và quản lý tốt sức khỏe cán bộ, công nhân viên, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh. tăng cường trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động trực tiếp thực hiện công tác thu gom chất thải để phòng dịch. các đơn vị thường xuyên phun xịt khử trùng tại khu vực hoạt động, làm việc nhằm đảm bảo công tác phòng ngừa dịch Corona hiệu quả hơn.

Dịch Covid - 19 đã khiến nhiều người dân lo lắng và với những công nhân vệ sinh cũng không nằm ngoài tâm lý đó. Nhưng do đặc thù công việc, họ phải vượt lên trên nỗi sợ hãi, lo lắng để thực hiện nhiệm vụ hằng ngày. Dù được công ty chủ quản cung cấp nhiều biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhưng trên hết vẫn cần sự hợp tác tích cực từ mỗi người dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ý thức và trong từng hành động cụ thể thường ngày./.

Bạn đang đọc bài viết Nỗi niềm của công nhân môi trường trong mùa dịch Corona. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành