Thứ sáu, 29/03/2024 05:45 (GMT+7)

Tâm sự của chị công nhân với 11 năm làm sạch đường phố

MTĐT -  Thứ tư, 28/10/2020 21:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Tôi nhớ như in lần đầu tiên cầm tay vào cái khung xe gom rác, rồi cái chổi, cái xẻng tất cả đều lạ lẫm đến hoảng sợ...".

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Tôi sinh ra và lớn ở một làng ven sông Hồng thuộc ngoại thành Hà Nội. Từ lâu Urenco đã đi sâu vào tiềm thức của tôi. Ban đầu tôi chỉ hiểu sơ đó là từ viết tắt của thứ tiếng ngoại ngữ nhưng khi lớn lên và được làm nhân viên của Urenco tôi mới thực sự hiểu rõ về bản chất và nguồn gốc cái tên này. Nó là cái viết tắt tên tiếng Anh của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urban Environment Limited Company).

Được thành lập năm 1960, Urenco luôn là đơn vị hàng đầu của Thủ đô trong công tác xử lý rác thải, giữ gìn bảo vệ môi trường Thành phố. Với phương châm “bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo xã hội phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, từ chỗ chỉ có 600 lao động và công cụ làm việc hết sức thô sơ, đến nay Công ty đã có hơn 5.000 công nhân viên với đầy đủ phương tiện máy móc xử lý rác thải hiện đại. Bên cạnh đó, Công ty luôn tạo đủ việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động đạt 7.2 triệu/tháng/người năm 2019. Ngoài ra, Công ty luôn đóng đầy đủ bảo hiểm theo chế độ và người lao động luôn được khám sức khỏe định kỳ hàng năm.

Riêng đợt cao điểm Covid tháng 4,5,6 năm 2020, Công ty trích từ quỹ phúc lợi mua bảo hiểm cho toàn bộ cán bộ công nhân viên và cả bảo hiểm tính mạng lên tới hàng trăm triệu đồng. Lấy phương châm con người là cốt yếu, hàng năm Công ty nghiêm túc mở các hoạt động huấn luyện vệ sinh an toàn lao động, cung cấp trang thiết bị bảo hộ lao động như quần áo, giầy, găng tay, khẩu trang…. kiểm tra định kỳ công tác bảo hộ lao động và hạn chế tai nạn lao động và tai nạn giao thông.

Xã hội ngày càng phát triển, người dân thủ đô ngày càng đặt ra những yêu cầu cao hơn về công tác vệ sinh môi trường, đòi hỏi cán bộ Công ty phải đưa ra những giải pháp tập kết và xử lý rác thải hiệu quả nhất sao cho phù hợp với xu thế phát triển chung của toàn xã hội. Một loạt xe quét hút loại nhỏ thay thế quét hút thủ công, dòng xe cuốn ép 2.5 tấn thu gom ở các tuyến phố chính rồi vận chuyển đổ nhanh vào xe container tại bãi trung chuyển Lâm Du. Hành trình của xe đều được theo dõi bằng camera và GPS nên chất lượng được đảm bảo và đạt năng xuất rất khả quan.

Hành trình 60 năm Urenco thành lập và trưởng thành lớn mạnh như ngày hôm nay không thể không kể đến sự chung tay góp sức của toàn bộ cán bộ công nhân viên của Công ty đã ngày đêm làm việc lao động không mệt mỏi vì mục tiêu chung một Việt Nam xanh-sạch-đẹp và phát triển bền vững. Những nỗ lực đó đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và trao nhiều bằng khen, cờ thi đua tiêu biểu.

Bên cạnh những phát triển của Công ty đã đạt được trong 60 năm qua thì không ít những giọt mồ hôi, thậm chí nước mắt của những người công nhân trực tiếp lao động đã đổ xuống. Họ hàng ngày, hàng đêm hăng say lao động góp công sức nhỏ bé cho công cuộc phát triển toàn Công ty. Những góc khuất ấy ít ai thấy được cho đến hôm nay khi vào bài viết này, tôi thấy lòng mình như trải rộng. Những ký ức của 11 năm 8 tháng 14 ngày công tác và làm việc tại đây được trỗi dậy như mới ngày hôm qua.

Chương Dương vào một ngày mưa gió 14/8/2009, ngày đầu tiên nhận quyết định công tác. Tôi nhớ như in lần đầu tiên cầm tay vào cái khung xe gom rác, rồi cái chổi, cái xẻng tất cả đều lạ lẫm đến hoảng sợ, tôi sợ mình không làm được. Tôi sợ tiếng uỳnh uỳnh của xe cẩu rác, tiếng âm thanh của hai khối sắt giữa thùng và càng xe va đập vào nhau. Rồi nỗi sợ được áp đi vì quyết tâm cao độ cùng sự động viên chân thành của cô tổ trưởng lúc đó là cô Đinh Thị Tuyết. Mọi thứ dần trở nên quen thuộc hơn.

Ngày tháng cứ trôi đi cho đến một buổi chiều khi con đường Vọng Hà được sửa chữa, tôi đẩy xe rác đầy không may đi qua đúng lúc nắp cống bị sập, cả xe rác lật tung. Tôi đứng nhìn xe rác mà lòng tràn ngập nỗi sợ khó tả. Tôi sợ tắc đường ảnh hưởng việc đi lại của người dân. Rồi rác lăn tứ tung ra giữa đường. Người đi kẻ lại nhìn tôi bằng ánh mắt thương cảm, có người còn coi thường bịt mũi sợ bẩn. Lúc đó, tự dưng tôi khóc, tôi không hiểu sao nước mắt cứ rơi. Vài ba người tốt chạy đến nâng xe cho tôi, hai chị đồng nghiệp nhanh chóng lấy xe khác vào bốc dỡ để giải tỏa con đường cho khỏi tắc. Chính sự giúp sức của hai chị đồng nghiệp và những người dân tốt bụng lúc ấy đã cho tôi niềm an ủi và sức mạnh. Tôi quyết tâm để mình không còn yếu đuối nữa, quyết tâm bám trụ với ngành.

Dù làm nghề nào đi chăng nữa, việc trí óc hay lao động chân tay thì luôn cần những người nhiệt huyết chăm chỉ và cống hiến hết mình. Đặc thù ngành môi trường của tôi cũng vậy, người công nhân không có những phẩm chất ấy thì tuyệt đối không trụ nổi với nghề. Lãnh đạo tôi đã nói “Mỗi tuyến đường, mỗi ngõ xóm là một mặt trận và mỗi người công nhân đóng vai trò là người chiến sỹ sẽ phát huy hết sức tinh thần chiến đấu hết mình vì dân phục vụ trên mặt trận đó. Dù có hy sinh gian khổ cũng phải đạt mục tiêu mà Công ty và Chi nhánh đề ra”.

Công việc môi trường có đặc thù là giờ giấc không cố định, vì thế, không ít người thân, vợ hoặc chồng của các anh chị em công nhân không thông cảm và thấu hiểu rồi dẫn đến bất hòa, xung đột, nhiều vụ việc tổ trưởng tổ tôi phải đứng ra hòa giải mới xong. Vì vậy, cần lắm những người vợ, người chồng luôn là hậu phương vững chắc nhất của anh chị em công nhân.

Tôi nhớ có lần, con gái 5 tuổi của tôi nó hỏi rất ngô nghê “Mẹ ơi, sao mẹ không đi dạy học mà lại đi làm quét rác”. Tôi giật mình vì cô con gái nhỏ hỏi như vậy. Đúng là trước khi đi làm công nhân môi trường, tôi có đi dạy trẻ ở trường tư thục nhưng do áp lực công việc cộng với bệnh viêm thanh quản mãn tính khiến tôi phải nghỉ dạy. Tôi đã chọn nghề công nhân quét rác như một cái duyên vì có chị hàng xóm giới thiệu và xin cho tôi. Tôi đã xoa đầu con gái nhỏ và nói "Mẹ quét rác có xấu không?”. Con cười và bảo “Nó bẩn và hôi lắm”. Một chút mặc cảm và tự ti xen lẫn, tôi ôm con vào lòng mà nước mắt cứ tuôn rơi. Tôi khóc không phải cho bản thân mình, mà khóc cho cái suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ 5 tuổi và khóc cho định kiến coi thường nghề môi trường là nghề tận đáy của xã hội thời bấy giờ.

Trải qua năm tháng cùng với sự phát triển văn minh của xã hội, dần dần nghề vệ sinh môi trường của tôi được vào chương trình giảng dạy như bài “Tiếng chổi tre” của nhà thơ Tố Hữu. Điều đó đã thay đổi cái nhìn của xã hội về nghề vệ sinh môi trường. Họ sẽ biết cảm thông, quý trọng và chia sẻ với người công nhân môi trường. 

Môi trường là lá phổi của cuộc sống và cần lắm những tấm lòng hướng về việc bảo vệ môi trường. Một cuộc cải cách sâu rộng của toàn bộ anh chị em trong ngành chúng tôi là đi tuyên truyền và phân loại rác 3R đầu nguồn. Tôi đã đi đgõ cửa từng nhà để giải thích tuyên truyền cho người dân hiểu về đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Kết hợp với tổ trưởng tổ dân phố của từng cụm dân cư để xin vị trí đặt thùng 120l và thùng 600l. Hướng dẫn tận tình từng người dân về phân loại rác vô cơ, hữu cơ, rác tái chế để mọi người biết giúp giảm thiểu những khó khăn về quy trình xử lý rác trên bãi Nam Sơn.

Tôi còn nhớ cái mùa đông giá rét năm 2014, gió lạnh thấu xương, ngoài trời có 7-8 độ. Hàng đêm, mọi người chui vào chăn ấm đệm êm thì ở những vỉa hè các cô, các chị lao công vẫn phải ngồi chờ xe cẩu rác về. Các chị em ngồi quây quần bên ánh lửa nhỏ do cô Tổ trưởng đi nhặt từng mẩu gỗ thừa nhóm lửa lên cho đỡ cóng. Bao chuyện buồn vui, cuộc sống thường nhật được chị em đưa ra tâm sự cùng nhau. Chính những cái bình dị ấy gắn kết chị em gần nhau hơn, yêu thương nhau hơn. 

Những đêm giao thừa người công nhân phải đón Tết ngoài đường. 11 năm công tác là 11 năm tôi giao việc Tết nhất cho bố mẹ chồng và chồng lo giúp. Đi làm ngày nắng đã vất vả thì ngày mưa còn khổ cực hơn. Những đêm mưa gió, sấm sét đùng đùng công nhân chúng tôi vẫn phải cặm cụi làm cho đến khi công việc hòan thành. Chúng tôi phải luôn nhắc nhở nhau cần cẩn thận đề phòng cây đổ, dây điện đứt và các vật dụng rơi từ nóc nhà của người dân khi có hiện tượng mưa gió lớn.

Tất cả những cống hiến âm thầm ấy tôi và những đồng nghiệp không cảm thấy buồn vì coi đó là động lực thúc đẩy để mỗi người công nhân hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Tôi thiết nghĩ một mình tôi không thể làm nên việc lớn nhưng toàn bộ chị em công nhân trong ngành với hàng ngàn cánh tay và trí óc tôi tin môi trường Thủ đô sẽ hoàn thiện hơn, xanh sạch hơn. Tôi mong sao, các cấp ngành của Nhà nước quan tâm đến môi trường nhiều hơn, tạo điều kiện về tinh thần vật chất cho người công nhân tốt hơn để họ yên tâm lao động sản xuất.

Qua đây, tôi muốn gửi thông điệp đến mọi người dân sống ở Hà Nội nói riêng và người dân trên cả nước nói chung "hãy cùng chung tay vì một Hà Nội xanh”. Hà Nội là trái tim của cả nước, tôi muốn nó mãi duy trì nhịp đập khỏe mạnh vốn có của nó. Tôi mơ ước sao cho môi trường Việt Nam ngày càng xanh, sạch hơn để sánh vai với các quốc gia như Singapore hay Nhật Bản…cùng các nước trên thế giới. Những mơ ước của tôi, tôi tin là không còn xa vời vì tôi luôn tự hào mình là thành viên của Urenco. Và Urenco nhất định đang và sẽ gặt hái được nhiều thành công như mong đợi.

Tôi luôn tự hào về Urenco./.

Tác giả: Lương Thị Hương

Công nhân Tổ Môi trường số 9 - Urenco Chi nhánh Hoàn Kiếm

Bạn đang đọc bài viết Tâm sự của chị công nhân với 11 năm làm sạch đường phố. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Thêm vất vả vì vừa thu gom rác vừa giải thích với người dân
Liên quan đến việc người dân phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy phản ánh công nhân Công ty Cổ phần đô thị Cần Thơ không thu gom rác trong nhiều ngày dẫn đến ùn ứ, phóng viên đã tìm gặp đội ngũ công nhân trực tiếp làm việc để hiểu rõ nguyên nhân.
Những phụ nữ "xuyên đêm" giữ sạch đẹp phố phường
Vượt lên nhiều khó khăn, các nữ công nhân của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Bắc Kạn vẫn sớm khuya gắn bó với công việc, âm thầm đóng góp sức mình giữ gìn cảnh quan thành phố Bắc Kạn xanh - sạch - đẹp.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.