Thứ sáu, 19/04/2024 17:52 (GMT+7)

Trò chuyện với công nhân thu gom rác khu cách ly trong dịch Covid-19

MTĐT -  Thứ năm, 09/04/2020 08:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để hiểu được công việc của công nhân VSMT tại các khu cách ly trong dịch Covid-19, phóng viên đã trò chuyện với anh Tạ Văn Duẩn, Tổ trưởng Tổ vận chuyển kiêm thu gom ở khu cách ly trường Đại học FPT.

Thu gom rác từ khu cách ly về xử lý tại Nhà máy là công việc hàng ngày của anh Tạ Văn Duẩn và 5 anh em của Urenco13 trong mùa dịch Covid-19. 

Anh Tạ Văn Duẩn cho biết: Cách đây tròn 1 tháng (ngày 8/3), Công ty CP Vật tư thiết bị môi trường 13 - Urenco 13 bắt đầu đặt thùng thu gom rác ở khu cách ly đầu tiên ở phố Trúc Bạch, TP. Hà Nội. Đến hôm nay, Urenco 13 đã và đang thu gom tại 5 khu cách ly trên địa bàn Hà Nội.

Trò truyện với anh Tạ Văn Duẩn sau ca làm việc của anh vào trưa 8/4. 

Phóng viên: Thưa anh, đây rõ ràng là công việc không dễ trong mùa dịch Covid-19, anh em đã đón nhận công việc như thế nào khi được lãnh đạo Urenco 13 phân công?

Anh Tạ Văn Duẩn: Bắt đầu từ ngày 8/3/2020, Ban Giám đốc Công ty phát động anh chị em trong Urenco 13 xung phong thực hiện nhiệm vụ thu gom rác tại khu cách ly Trúc Bạch, quận Ba Đình. Khi đó tôi và 5 anh em đều là lái xe của Công ty đăng ký thực hiện nhiệm vụ này.

Nhận nhiệm vụ, anh chị em chúng tôi cũng trăn trở lo lắng trước sự nguy hiểm của Covid-19. Tuy vậy, do Urenco 13 đã thực hiện công tác thu gom xử lý chất thải y tế nguy hại từ rất lâu và chúng tôi thường xuyên được đào tạo tập huấn về quy trình sản xuất. Ngoài ra, chúng tôi được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động nên chúng tôi tự tin, mình có thể làm việc ở các khu cách ly. Hơn nữa, Urenco 13 đã có kinh nghiệm trong việc thu gom xử lý chất thải nguy hại trong các đợt dịch trước đây như dịch SARS năm 2003 và dịch H5N1 những năm trước đây nên quy trình an toàn cũng nghiêm ngặt khiến chúng tôi yên tâm.

Bất cứ ngày làm việc nào trong dịch Covid-19, công nhân Urenco13 đều được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động đặc chủng.

Phóng viên: Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao và đặc biệt an toàn cho bản thân trước nguy cơ lây nhiễm, anh và các đồng nghiệp đã chuẩn bị như thế nào trước khi vào khu cách ly?

Anh Tạ Văn Duẩn: Ngay từ khi Hà Nội xuất hiện khu cách ly Trúc Bạch, tôi và 5 anh em được Công ty lựa chọn giao nhiệm vụ đi thu gom ở khu vực này đã được lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị và trực tiếp là lãnh đạo Urenco 13 tập huấn về quy trình đảm bảo an toàn nghiêm ngặt trong công tác thu gom vận chuyển đến việc đưa về nhà máy xử lý.

Cụ thể, hàng ngày, trước khi đi vào khu thu gom cách ly đều phải qua các khâu kiểm tra nghiêm ngặt như: Kiểm tra toàn bộ trang thiết bị bảo hộ lao động; khử khuẩn toàn bộ vật tư, dụng cụ thu gom chứa rác, phương tiện thu gom…

Đối với các cá nhân, trước khi vào ca, anh em chúng tôi đều được kiểm tra thân nhiệt, cấp phát dung dịch khử khuẩn cơ thể. Đặc biệt, đồ bảo hộ lao động của anh em dùng hàng ngày đều được ngâm khử khuẩn bằng dung dịch CoraminB, sau đó, được giặt bằng xà phòng diệt khuẩn và đem đi sấy khô.

Còn các dụng cụ trang thiết bị bảo hộ phòng dịch dùng 1 lần gồm kính, khẩu trang, áo liền quần có mũ chum đầu, túi bọc giầy… đều được cấp phát theo chuyến thu gom. Khi về đến điểm xử lý, các trang thiết bị này đều được cho vào hệ thống xử lý như đối với chất thải y tế có nguy cơ lây nhiễm.

Quá trình khử khuẩn của Urenco 13 nói riêng và Urenco nói chung luôn phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt nhất.

Phóng viên: Trong quá trình làm việc, các anh phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt như thế nào để đảm bảo an toàn nhất?

Anh Tạ Văn Duẩn: Tại hiện trường, tất cả các thùng rác trong khu cách ly đều có nguy cơ lây nhiễm cao. Vì vậy, khi xuống xe, chúng tôi phải mặc đầy đủ đồ bảo hộ theo quy định. Sau đó, khi di chuyển vào khu vực có chứa các thùng rác, chúng tôi phải dùng bình xịt khử khuẩn chuyên dụng dung tích 20 lít phun xịt lên toàn bộ bề mặt chất thải bên trong thùng chứa.

Ở phía bên ngoài, chúng tôi cũng phun khử khuẩn trước khi kéo thùng đưa lên xe về khu xử lý. Các dung dịch khử khuẩn được pha theo đúng nồng độ do các cơ quan có thẩm quyền là Bộ Y tế, Bộ TN&MT hướng dẫn. Vì vậy, chúng tôi luôn an tâm khi làm nhiệm vụ.

Trong suốt quá trình thu gom vận chuyển từ khu vực cách ly về đến nhà máy, chúng tôi đều mặc đồ bảo hộ 1 lần. Kết thúc ca làm việc, chúng tôi phun khử khuẩn toàn bộ người và xe sau đó mới cởi quần áo bảo hộ 1 lần cho vào thùng rác… Như vậy, mới đảm bảo an toàn tuyệt đối khi làm nhiệm vụ trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm.

Công nhân Urenco 13 luôn rửa thùng rác và phun khử khuẩn trang thiết bị làm việc sau mỗi ca thu gom.

Phóng viên: Trong thời gian làm việc, các anh có trò chuyện được với những người đang thực hiện cách ly trong đó hay không? Và anh chị em được công ty hỗ trợ như thế nào?

Anh Tạ Văn Duẩn: Niềm vui nhất của chúng tôi khi đi thu gom tại các điểm cách ly là ở đó những người có trách nhiệm và ngay cả những công dân đang cách ly đều có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rõ ràng là rác y tế và khẩu trang để trong túi ni lông màu vàng có cảnh báo, còn rác thải thông thường khác thì để vào túi màu xanh để tạo thuận lợi cho công tác thu gom.

Trong thời gian làm nhiệm vụ mùa dịch Covid-19, 6 anh em chúng tôi được trang bị khẩu trang, thuốc khử khuẩn nhiều và liên tục hơn. Chúng tôi được bố trí ăn ở miễn phí tại công ty. Bên cạnh đó, chúng tôi được cung cấp thuốc và vitamin C, sữa tươi hàng ngày để tăng sức đề kháng. Ngoài ra, mỗi ngày, chúng tôi được hỗ trợ thêm 100.000 đồng/người. Đây cũng là động viên kịp thời để anh chị em chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.

Phóng viên: Anh chị em mong muốn và nhắn nhủ điều gì đến người dân đang sống trong khu cách ly?

Anh Tạ Văn Duẩn: Cũng như mọi công dân của đất nước, chúng tôi đều mong muốn dịch bệnh sớm qua đi để cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Chúng tôi cũng mong người dân sống ở trong và ngoài khu cách ly thực hiện việc phân loại chất thải rõ ràng thì anh chị em công nhân môi trường chúng tôi sẽ đỡ vất vả hơn trong quá trình thu gom, xử lý chất thải nhất là chất thải nguy hại.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn anh!

Hiện nay, Công ty CP Vật tư thiết bị môi trường 13 - Urenco13 - có 2 ca gồm 6 người đang thay nhau thu gom tại 3 khu cách ly trên địa bàn Hà Nội gồm: Tam Hiệp (Thanh Trì); Đại học FPT (Thạch Thất); Ký túc xá Đại học Quốc gia (Thạch Thất).

Tổng cộng mỗi ngày các chiến binh của Urenco 13 đi thu gom khoảng 500 - 600kg chất thải y tế nguy hại về xử lý tại khu xử lý chất thải Y tế Tây Mỗ.

Theo Báo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Trò chuyện với công nhân thu gom rác khu cách ly trong dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...