Thứ năm, 25/04/2024 15:14 (GMT+7)

Vất vả không làm mất đi nhiệt huyết với nghề vệ sinh môi trường

Hồng Anh -  Thứ hai, 14/12/2020 16:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khi đã yêu nghề thì sẽ luôn thấy những mặt tích cực, đó là niềm vui của mọi người và niềm vui của bản thân khi môi trường xung quanh luôn trong lành, sạch đẹp.

Chị Trần Thị Xuân, 48 tuổi, là công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Đông Hà. Chị là cá nhân tiêu biểu xuất sắc vừa được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công nhân, viên chức, lao động giai đoạn 2010-2020.

Chị Trần Thị Xuân, công nhân vệ sinh môi trường "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"  của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Đông Hà.

Chúng tôi gặp và trò chuyện với chị Xuân tại nơi tập kết xe gom rác cạnh đường Huyền Trân Công Chúa, TP. Đông Hà, ngay sau ca làm việc buổi sáng vừa kết thúc. Chị Xuân chia sẻ, chị làm công việc thu gom rác thải sinh hoạt tại công ty hơn 20 năm nay. Thời gian làm việc đặc thù không kể trời rét buốt hay nắng nóng, bắt đầu mỗi ngày từ 3 đến 7 giờ sáng; chiều từ 15 đến 20 giờ đêm với lượng rác thu gom bình quân khoảng gần 2 tấn/ ngày/người. Mỗi ngày mỗi công nhân thu gom rác như chị phải đi bộ khoảng 14 km để thực hiện công việc của mình. Việc làm vất vả, khắc nghiệt, môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ như tai nạn giao thông, nhiễm bệnh tật khi tiếp xúc trực tiếp với khói bụi và vô số rác thải độc hại...

Suốt hơn 20 năm qua chị đã đảm đương công việc quét dọn đường phố và thu gom rác thải ở hầu hết các tuyến đường trong nội thành. Những đợt phục vụ cao điểm, ngày Tết Nguyên đán, lễ hội, hay khi COVID-19 xảy ra, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, mọi người đều được động viên ở trong nhà thì chị và các đồng nghiệp vẫn miệt mài đi làm, thậm chí làm nhiều việc hơn nữa. Mấy chục năm qua không một đêm giao thừa nào chị được về nhà sớm để soạn mâm cúng đón chào năm mới, mà phải cùng đồng nghiệp cố gắng hoàn thành thu dọn khối lượng rác thải quá lớn để thành phố được sạch đẹp, tươm tất vào ngày đầu năm. Được gia đình ủng hộ, yêu thương, chị luôn cố gắng vượt lên tất cả để thực hiện tốt công việc của mình.

Công việc nặng nhọc, vất vả cũng không làm giảm đi lòng nhiệt huyết của chị với nghề. Chị nói khi đã yêu nghề thì sẽ luôn thấy những mặt tích cực, đó là niềm vui của mọi người và niềm vui của bản thân khi môi trường xung quanh luôn trong lành, sạch đẹp. Ngoài ra, chị còn dành thời gian phối hợp với khu phố, chính quyền các phường tuyên truyền vận động Nhân dân nâng cao ý thức cộng đồng, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải đúng giờ, đúng nơi quy định, không đổ nước thải, rác thải ra đường, không thả rông gia súc ngoài đường phố; tuyên truyền, vận động Nhân dân không nên bỏ các am thờ, đồ cúng ngày rằm, lễ tết lên các điểm vòng xuyến trên địa bàn vì việc này làm mất mỹ quan đô thị…

Chị Xuân kể, năm 1999 khi mới vào làm công nhân và được phân công đảm nhận công việc thu gom, quét rác đường phố trên địa bàn có 450 hộ thì chỉ có 260 hộ đồng ý gom rác tập trung theo địa điểm. Chị kiên trì vận động từng nhà với lời lẽ thuyết phục giữ vệ sinh chung môi trường chính là giữ vệ sinh cho gia đình mình, nên người dân thấu hiểu và đồng ý tham gia gom rác tập trung ngày càng đông hơn. Đến nay địa bàn chị đảm nhận số hộ tham gia đã lên đến 445/450 hộ.

Với hoàn cảnh gia đình có chồng công tác xa, phải gánh thêm nhiệm vụ chăm sóc dạy dỗ 2 con nhỏ, chị nhận thức rằng muốn “giỏi việc nước” thì phải “đảm việc nhà” và ngược lại. Từ đó chị xây dựng cho mình một chương trình riêng để thực hiện công việc hết sức hợp lý và khoa học, vừa chăm sóc tốt gia đình vừa làm tốt công việc của cơ quan. Nhờ đó gia đình chị luôn hạnh phúc, êm ấm, bà con lối xóm luôn tôn trọng, gia đình chị được công nhận “Gia đình văn hóa”; chị được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen; Đảng bộ Công ty công nhận danh hiệu đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nhiều năm liền được Ban Giám đốc Công ty khen thưởng danh hiệu “Lao động xuất sắc”. Điều đó như tiếp thêm động lực để chị không ngừng thực hiện tốt hơn nữa công việc của mình.

Chia tay chúng tôi, chị Xuân nhắn gửi mong muốn thành phố, tỉnh quy định người dân phân loại rác tại nguồn; trang bị đồng bộ các phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải để chị cũng như các chị em khác trong công ty có thêm điều kiện làm tốt hơn nữa công việc của mình cũng như nâng cao ý thức người dân trong giữ gìn vệ sinh, nếp sống văn minh đô thị, ứng xử tốt với môi trường sống./.

Bạn đang đọc bài viết Vất vả không làm mất đi nhiệt huyết với nghề vệ sinh môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.

Tin mới

Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.