Thứ tư, 24/04/2024 16:07 (GMT+7)

CEO Facebook khẳng định không bán thông tin người dùng

MTĐT -  Thứ tư, 11/04/2018 11:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Rạng sáng ngày 11/4, người sáng lập Facebook phải trả lời Quốc hội Mỹ về bê bối ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử năm 2017 cùng nhiều câu hỏi hóc búa khác.

Chịu trách nhiệm với những gì xảy ra

CEO Facebook – Mark Zuckerberg đã tham gia phiên điều trần đầu tiên trước Thượng viện Mỹ kéo dài gần 5 giờ. Zuckerberg phải trả lời câu hỏi từ 44 thượng nghị sĩ về việc làm cách nào mạng xã hội lớn nhất thế giới có thể được quản lý sát sao hơn.

Tại phiên điều trần, Mark tiếp tục xin lỗi về hàng loạt vấn đề của Facebook gần đây, từ an toàn dữ liệu cá nhân đến sự tác động của nước ngoài lên cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

“Rõ ràng chúng tôi đã không nỗ lực đủ để ngăn các công cụ được sử dụng vào mục đích xấu. Đó là tin giả, sự can thiệp của nước ngoài vào bầu cử, các phát biểu mang tính thù nghịch, cũng như an toàn dữ liệu cá nhân và các nhà phát triển ứng dụng”, anh cho biết đầu phiên điều trần, “Chúng tôi đã không có cái nhìn đủ rộng về trách nhiệm của mình. Và đó là sai lầm lớn. Tôi xin lỗi. Tôi đã lập ra Facebook, điều hành nó và sẽ chịu trách nhiệm với mọi việc xảy ra tại đây”.

Thượng nghị sĩ Hassan cho rằng mình đã nghe Mark và Facebook xin lỗi quá nhiều lần, nhưng mọi chuyện vẫn cứ lặp lại. Ông này quan tâm việc Facebook không có một khoản đầu tư nghiêm túc nào cho việc bảo vệ những dữ liệu mong manh này.

Đáp lại câu hỏi trên, Mark cho rằng vụ việc lần này đã làm công ty cảm thấy tổn thương nặng nề. Việc cần làm bây giờ là xây dựng lại lòng tin của mọi người với Facebook.

Facebook khẳng định không bán thông tin của người dùng

Tại phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Edward Markey hỏi về việc Zuckerberg có thừa nhận thông tin của người dùng bị chia sẻ và bị bán, Mark ngay lập tức phủ nhận. "Nhưng tôi muốn làm rõ điều này trước, đó là chúng tôi không bán thông tin của người dùng", Mark khẳng định. Tuy nhiên, việc chia sẻ thông tin là "có" và ông chủ Facebook cho biết, từ đầu họ đã nói với người dùng về việc chia sẻ thông tin trong "điều khoản dịch vụ".

Nhưng các thượng nghị sĩ Mỹ vẫn chưa dừng lại ở đó. Thượng nghị sỹ Richard Blumenthal giơ lên tấm bảng có các điều khoản dịch vụ mà Aleksandr Kogan đã sử dụng, trong đó có nội dung "Facebook đã được thông báo về việc Kogan có thể bán thông tin có được" và hỏi Zuckerberg đã đọc thỏa thuận chưa. Sau đó, Zuckerberg thừa nhận "chưa đọc hết".

Với câu trả lời thật thà này, Thượng nghị sĩ Blumenthal cho rằng Zuckerberg mâu thuẫn với "điều khoản dịch vụ" mà chính mình và Facebook đã đưa ra. Ông cho rằng Facebook đã "cố ý không biết" Kogan vi phạm điều khoản và đã tối đa hóa lợi nhuận từ chính vấn đề bảo mật này.

Facebook thừa nhận “đã làm hệ thống chưa tốt”

Tiếp đó, Thượng nghị sĩ Jerry Moran đã đưa ra câu hỏi: "Làm thế nào 87 triệu người dùng Facebook bị chia sẻ thông tin cá nhân trong khi chỉ có 300.000 tài khoản tự nguyện chia sẻ thông tin"?

Mark đáp: "Quan điểm của Facebook là chúng tôi không vi phạm thỏa thuận ấy. Ứng dụng này chỉ hoạt động dựa trên những gì chúng tôi đã thiết kế, vấn đề là chúng tôi đã làm hệ thống này chưa tốt".

"Facebook không sản xuất nội dung nào cả" - CEO của Facebook trả lời câu hỏi của Thượng nghị sĩ Dan Sullivan về việc Facebook "là công ty công nghệ hay là một publisher khổng lồ".

Mark Zuckerberg khẳng định điều quan trọng nhất lúc này là đảm bảo không thế lực nào dùng Facebook để can thiệp cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.

Thượng nghị sĩ Richard J. Durbin hỏi ông Zuckerberg "liệu ông có thoải mái chia sẻ tên của khách sạn ông ta ở lại đêm trước, hay liệu ông có thoải mái chia sẻ tên của những người mà ông đã nhắn tin trong tuần này".

"Không. Tôi có lẽ sẽ không chọn làm điều đó công khai ở đây, "ông Zuckerberg nói.

Ông Durbin nói: "Tôi nghĩ rằng đó là tất cả những gì có thể làm được. Quyền riêng tư của các ông. Các giới hạn về quyền riêng tư của các ông. Và bao nhiêu dữ liệu của nước Mỹ hiện đại như tên, câu trích dẫn, các kết nối mọi người trên thế giới đã bị các ông bán đứng".

Cũng tại phiên điều trần, Mark Zuckerberg phủ nhận việc Facebook độc quyền và khẳng định họ là một hãng công nghệ, chứ không phải truyền thông. Anh cũng bảo vệ mô hình kinh doanh cốt lõi của công ty – sử dụng dữ liệu cá nhân để quảng cáo đúng mục tiêu.

“Chúng tôi cho rằng đưa ra một dịch vụ được quảng cáo hỗ trợ là phù hợp nhất với sứ mệnh kết nối mọi người trên thế giới. Chúng tôi muốn có một dịch vụ miễn phí mà ai cũng có thể dùng được”, anh nói.

Cổ phiếu Facebook tăng sau phiên điều trần

Zuckerberg được đánh giá khá bình tĩnh trong buổi điều trần. Reuters nhận xét Zuckerberg cố né các cuộc đối thoại tập trung vào luật mới, và không đưa ra lời hứa hẹn mới.

Và nhà đầu tư hoan nghênh các câu trả lời của anh. “Zuckerberg mang đến tinh thần hòa giải”, Mariann Montagne – Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại Gradient Investments nhận xét, “Cổ phiếu tăng theo các bình luận của cậu ấy”.

Mark Zuckerberg tự tin trong phiên điều trần. 

“Tổ chức một buổi điều trần chung giữa các hội đồng thế này đã là điều phi thường. Còn phi thường hơn khi chỉ có một CEO trả lời câu hỏi của gần nửa thượng nghị sĩ Mỹ”, John Thune – Chủ tịch Hội đồng Thương mại Thượng viện Mỹ cho biết.

Sau phiên điều trần, cổ phiếu Facebook hôm qua tăng tới 4,5% lên hơn 165 USD – cao nhất trong gần 3 tuần qua. Mức tăng ngày của mã này cũng là lớn nhất kể từ tháng 4/2016.

Giữa tháng 3, Facebook bị tố làm rò rỉ thông tin cá nhân của hơn 50 triệu người dùng. Sau đó, mạng xã hội thừa nhận con số thực tế lên đến 87 triệu và hứa hẹn khắc phục. Facebook đã bắt đầu thông báo đến tất cả tài khoản bị lấy thông tin từ ngày 10/4.

P.V (tổng hợp theo Zing, VNE)

Bạn đang đọc bài viết CEO Facebook khẳng định không bán thông tin người dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.