Thứ bảy, 20/04/2024 06:01 (GMT+7)

Chạnh lòng ngày Tết thiếu nhi ở nghĩa địa

Nam Phong -  Thứ năm, 03/06/2021 15:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Suốt thời gian dài, nhóm thiện nguyện “bảo vệ sự sống Hải Phòng” đã âm thầm an táng gần 67.000 hài nhi tại nghĩa trang thôn Trang Quan xã An Đồng huyện An Dương, TP Hải Phòng.

Những người tặng quà 1/6 cho gần 67.000 thiên sứ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời

Chạnh lòng ngày Tết thiếu nhi ở nghĩa địa

Với nhiều người trong xã hội, với chính những người làm cha, làm mẹ đã chối bỏ, triệt quyền làm người của các bào thai, mấy ai từng day dứt ? Thế nhưng suốt thời gian dài, có một nhóm thiện nguyện với tên gọi “bảo vệ sự sống Hải Phòng” đã âm thầm an táng gần 67.000 hài nhi tại nghĩa trang thôn Trang Quan xã An Đồng huyện An Dương, TP Hải Phòng. Ngày Tết thiếu nhi tại nghĩa địa đặc biệt này, chợt khiến con người ta chạnh lòng.

Thường thì mỗi năm, vào ngày 1/6, các thành viên của nhóm sẽ dành tâm sức, thời gian tổ chức một buổi lễ long trọng tại nghĩa trang đặc biệt này. Buổi lễ ấy sẽ có thêm các hài nhi được đưa trở về với đất mẹ. Ngày 1/6, trên các ngôi mộ hài nhi sẽ có bông hồng trắng, sẽ có những món đồ chơi nho nhỏ, ấy là “quà” để các ngôi mộ bớt cô quạnh, để đâu đó trong tâm tưởng, các linh hồn trẻ thơ bớt tủi hờn.

Ngôi nhà chung  nơi 65.000 thiên thần an nghỉ

Dịch bệnh covid 19 vẫn đang hoành hành, đe doạ sự sống của mọi người nên 1/6 năm nay, nhóm thiện nguyện chẳng thể tổ chức như mọi năm. Dù mỗi thành viên nhóm thiện nguyện đều bận bịu với cuộc sống cơm áo gạo tiền riêng mình, nhưng họ vẫn hẹn nhau vào 17h chiều 1/6 tại nghĩa trang, cùng dọn cỏ, lau chùi mộ phần của gần 67.000 hài nhi. Tết thiếu nhi buồn nơi nghĩa địa, dẫu vậy, mùi của hương trầm, của hoa tươi vẫn phảng phất, những mong phần nào bớt chút xót xa.

Tết 1/6 đối với những thai nhi nơi đây chỉ có những bông hoa, ánh nến lung linh, những nén hương đang nghi ngút khói

Mộ phần của các hài nhi khá đặc biệt, không phải bởi dưới lớp đất kia là những hài nhi bị chối bỏ, còn là bởi vì ở đây có ngôi mộ tập thể mà nhóm vẫn gọi là “nhà chung” của các hài nhi. Một hầm mộ sâu 3m, diện tích khoảng 30m2, bên ngoài được phủ lớp vôi trắng với những cây thánh giá cắm bên trên; bên trong chia thành nhiều ô nhỏ, cứ xếp hết lớp nọ đến lớp kia, cho đến khi đầy ô và lấp lại chuyển sang ô khác.

Anh N. V. D trưởng nhóm chia sẻ: “Nhóm đã hoạt động được 15 năm, hiện nhóm đã đưa được gần 67.000 thai nhi từ các phòng khám, bệnh viện trên địa bàn thành phố Hải Phòng đem về an táng. Trung bình 1 tháng nhóm cũng “xin” được từ 300-350 thai nhi. Ngoài ra, nhóm cũng làm công tác tuyên truyền, vận động thai phụ giữ lại thai nhi; có những người hiểu ra thì giữ lại nhưng có những bạn nhất quyết từ bỏ vì nhiều lý do”.

Hỏi về hoạt động cụ thể của nhóm, anh D. kể, bất kể là trời nắng hay mưa, chỉ cần nhận được tin báo là các tình nguyện viên phân công nhau tất tả “chạy” từ phòng khám này đến phòng khám khác để làm công việc của mình. Khi thì gặp được người mẹ có ý định bỏ thai, họ sẽ động viên, khuyên nhủ để không phải làm cái việc nhặt xác thai nhi, khâm liệm và an táng. Cũng có khi nhóm thiện nguyện chả gặp may, đến phòng khám khi sự đã rồi, họ chỉ có thể chờ cho các bác sỹ làm xong công việc chuyên môn, rồi lặng lẽ nhặt xác thai nhi bên trong các túi nilon đen sì, lạnh lẽo. Các hài nhi sẽ được nhóm tắm rửa sạch, bảo quản để chờ an táng tập thể.

Những giọt nước mắt bất lực

Những đứa trẻ không có lấy một cơ hội nhìn ánh nắng mặt trời được yên nghỉ và ủ ấm bằng tình thương của các thành viên thiện nguyện.

Anh N V G - người có con được nhóm mai táng tại ngôi nhà chung chia sẻ: “Vợ tôi có bị sảy thai, do tôi quê ở miền Trung nên không thể đưa con tôi về quê mai táng được. Tôi có biết đến nhóm Bảo vệ sự sống cho thai nhi tại Hải Phòng tôi đã liên hệ tới nhóm và nhờ nhóm cho con tôi được mai táng ở đây. Giờ con mất rồi nhưng được mọi người yêu thương, cầu nguyện và an táng một cách long trọng, phần nào tôi cũng cảm thấy an lòng”.

Nhóm thiện nguyện “Bảo vệ sự sống Hải Phòng” thường tổ chức các buổi cầu nguyện theo nghi thức của đạo công giáo. Vào thứ 6 mỗi cuối tháng, nhóm sẽ tổ chức thánh lễ an táng cho các em tại Tòa Giám mục TP. Hải Phòng sau đó đưa các em về ngôi nhà chung mai táng.

Vào thứ 6 cuối tháng nhóm sẽ tổ chức thánh lễ an táng cho các em tại Tòa Giám mục TP. Hải Phòng

Chị N.T. Q – thành viên của nhóm chia sẻ: “Nhiều tháng ngày hoạt động cùng nhóm, tôi thấy việc có quá nhiều trường hợp cha mẹ hay các chị em con gái trót lầm lỡ đi phá thai, đặc biệt có những cháu được 6-7 tháng đã thành hình người có đầu tóc, chân tay và phân biệt được giới tính; thậm chí có em sắp đến ngày chào đời vẫn bị cắt thành nhiều mảnh, vẫn bị cha mẹ nhẫn tâm giết chết, khuyên can thế nào cũng không được. Xót quá! Nhóm trong các tình huống bất lực ấy chỉ có thể chủ động tìm đến các cơ sở, phòng khám y tế để hỏi và xin các hài nhi về chôn cất.”

Trong nhịp sống hối hả nơi phố thị, mỗi phút giây trôi qua vẫn có không ít các bào thai bị lôi ra khỏi bụng mẹ một cách tàn nhẫn. Thường thì người làm cha, làm mẹ ấy có quá nhiều lý do để biện minh cho hành động nhẫn tâm, lý do ấy đôi khi là cách để họ tự khoả lấp chút day dứt đối với giọt máu của chính mình, đôi khi họ cũng chẳng cần lý do. Nhóm thiện nguyện vẫn lặng lẽ mỗi ngày qua, gom những hài nhi xấu số để an táng. Giờ đây, quỹ đất dành cho ngôi mộ tập thể của các hài nhi cũng cạn dần, phương án hoả táng các hài nhi cũng chẳng thể thực hiện do vướng các quy định về pháp lý, “Chúng tôi rất đau lòng và còn nhiều băn khoăn quá chưa biết phải giải quyết ra sao để xây dựng “Ngôi Nhà Chung” Thứ 2 để các em có chung hoàn cảnh, chung số phận được nằm cạnh bên nhau ?” anh D. bày tỏ.

Bạn đang đọc bài viết Chạnh lòng ngày Tết thiếu nhi ở nghĩa địa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...