Thứ năm, 18/04/2024 11:21 (GMT+7)

Châu Âu không chỉ thiếu khí đốt

MTĐT -  Thứ năm, 04/08/2022 15:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các nước châu Âu đang cực lực tích trữ và tiết kiệm khí đốt cho mùa đông. Nhưng ngoài khí đốt còn một loại nhiên liệu cũng có thể sớm rơi vào cảnh thiếu hụt: than đá.

Dù than đá bị Liên minh châu Âu (EU) từ bỏ vì khối tìm cách cắt giảm khí thải, nhưng nhu cầu tiêu thụ - nhiên liệu gây ô nhiễm hàng đầu này lại đang tăng cao bởi một số quốc trong khu vực như Áo và Hà Lan tái mở cửa nhà máy nhiệt điện than cũ hoặc tăng năng suất điện than hiện tại để tiết kiệm khí đốt.

Vấn đề nằm ở chỗ EU sắp mất đi nhà cung cấp số một. Vào tháng 4 khối thông qua loạt trừng phạt mới trong đó có lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga bắt đầu từ ngày 10.8.

Như vậy có nghĩa 2 triệu tấn than EU nhận vào tháng 7 là chuyến hàng cuối cùng, nhà phân tích Alex Thackra thuộc công ty nghiên cứu thị trường Argus Media cho biết. Cộng thêm thách thức nghiêm trọng về kho vận trong việc tìm kiếm nguồn cung và vận chuyển nhiên liệu từ nơi khác, có đủ than cho mùa đông là nhiệm vụ khó khăn.

Indonesia, Nam Phi, Colombia là nhà cung cấp thay thế tiềm năng, nhưng EU sẽ phải trả giá cao do khối thường dùng loại than đá cho nhiệt lượng cao. Giá than API2 tại Rotterdam (chỉ số tham chiếu cho thị trường châu Âu) tuần trước tăng lên đến 380 USD/nghìn tấn – tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhà phân tích Mark Nugent thuộc công ty môi giới Braemar lưu ý rằng EU còn phải cạnh tranh gay gắt với nhiều quốc gia như Ấn Độ hay Hàn Quốc đang có hợp đồng mua hàng dài hạn với Indonesia, Nam Phi, Colombia.

chacoal.jpg
Một số nước châu Âu tái khởi động nhà máy điện than - Ảnh: Euronews

Tình hình thêm trầm trọng do vấn đề kho vận. Phần lớn than nhập vào EU đều được vận chuyển dọc sông Rhine vào các cảng ở Amsterdam, Rotterdam, Antwerp. Nắng nóng bất thường tháng 7 khiến mực nước sông giảm đi 65 cm, làm giảm lượng hàng mà sà lan có thể chở.

Nhà máy điện thường có kho dự trữ riêng, than chưa thể giao cho nhà máy cũng được trữ tại cảng chờ vận chuyển tiếp, nhưng nhà phân tích Nugent cho biết kho tại các cảng đều gần đạt mức trữ tối đa.

Theo dữ liệu từ hiệp hội giao dịch than Euracoal, khoảng 8 triệu tấn than đang bị mắc kẹt tại các cảng.

Ba Lan và Đức là nước có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Giáo sư địa kinh tế Rudolf Juchelka thuộc đại học Duisburg-Essen cho biết tình trạng thiếu hụt ở Đức sẽ khiến ngành thép cùng ngành hóa chất đặc biệt khó khăn. Ông lo ngại chính phủ buộc phải thực hiện biện pháp phân bổ năng lượng nghiêm ngặt hơn nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt hoặc vấn đề kho vận tiếp tục gây khó cho hoạt động vận chuyển than.

Bộ Khí hậu Đức cho biết các đơn vị vận hành nhà máy điện đều đảm bảo có đủ than dự trữ bù đắp cho lượng than Nga không còn nữa. Chính phủ cũng ra quy định ưu tiên chuyến hàng năng lượng trong trường hợp khủng hoảng.

Tại Ba Lan, chính phủ nước này thất bại trong xây dựng dự trữ than. Nhà phân tích Robert Tomaszewski thuộc tổ chức nghiên cứu Polityka Insight cho biết khoảng 2 triệu hộ gia đình Ba Lan vẫn dựa vào than đá để sưởi ấm, mỗi hộ dùng trung bình 3 tấn mỗi mùa đông. Trước khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, Ba Lan hàng năm nhập khoảng 7 triệu tấn than dùng cho sưởi ấm.

Theo nhà phân tích Tomaszewski, lệnh cấm nhập than Nga của EU sẽ khiến Ba Lan thiếu hụt 1 - 2 triệu tấn than trong mùa đông.

Hãng thông tấn Ba Lan Onet qua điều tra biết được vào đầu tháng 3 nội các Thủ tướng Mateusz Morawiecki đã cảnh báo ông về nguy cơ lệnh cấm nhập than gây nên tình trạng thiếu hụt lớn, kêu gọi lập kho dự trữ than. Nhưng nhà lãnh đạo Ba Lan lại không làm theo, chính phủ của ông không nghiên cứu kỹ càng trước khi bỏ phiếu ủng hộ lệnh cấm nhập than.

Để xoa dịu tình hình, Thủ tướng Morawiecki hai tuần trước thông báo hộ gia đình bị ảnh hưởng sẽ nhận được phụ cấp 632 euro hỗ trợ mua than, đồng thời ra lệnh các doanh nghiệp quốc doanh mua 4,5 triệu tấn than trước ngày 31.8.

Nhà phân tích Tomaszewski nhận định mục tiêu trên là bất khả thi, và khi nguồn cung không đủ thì phụ cấp chẳng giúp ích gì cả.

Bạn đang đọc bài viết Châu Âu không chỉ thiếu khí đốt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo 1thegioi.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.