Thứ tư, 24/04/2024 13:05 (GMT+7)

Chế tạo lò đốt chất thải công nghiệp đầu tiên của Việt Nam

MTĐT -  Thứ sáu, 14/08/2020 10:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại đầu tiên ở Việt Nam do GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng và các đồng nghiệp nghiên cứu và chế tạo. Công trình này đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế mang số hiệu 5710.

Có một thực tế là trong thời đại kinh tế phát triển, chất thải công nghiệp độc hại phát sinh ngày càng nhiều cả về số lượng và chủng loại, tính độc hại ngày càng nguy hiểm, nếu không được xử lý triệt để, hợp vệ sinh thì sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng lâu dài đối với môi trường đất, môi trường nước và môi trường không khí, và cuối cùng là hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và các hệ sinh thái.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng và Lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại đầu tiên của Việt Nam

Năm 2004, GS Phạm Ngọc Đăng đã đăng ký với Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường làm đề tài “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo Lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại”. Với vai trò là Chủ nhiệm đề tài, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp (CEETIA), trường Đại học Xây dựng Hà Nội, GS Đăng đã cùng một số đồng nghiệp trao đổi về ý tưởng, nguyên lý thiết kế và tiến hành chế tạo lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại đầu tiên ở Việt Nam.

Mỗi người một công việc: PGS.TS Vũ Công Hòe chủ trì thiết kế và chế tạo lò đốt, PGS.TS Nguyễn Bá Toại và PGS.TS Bùi Sỹ Lý chủ trì thiết kế và chế tạo hệ thống xử lý khói thải của lò đốt...

Trong những lần đi công tác nước ngoài: Thái Lan, Malaysia, Mỹ… GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng đã tham quan một số lò đốt chất thải nguy hại, nhưng không thể tìm kiếm được bản thiết kế lò đốt đó. Vì vậy, GS Đăng đã cùng với các đồng nghiệp vừa phải tìm đọc các tài liệu của nước ngoài, vừa phải vận dụng kiến thức cơ bản đã được đào tạo. Từ đó, xây dựng sơ đồ nguyên lý hoạt động, tính toán thiết kế chế độ nhiệt của lò đốt và hệ thống xử lý khí thải để lò đốt khi hoạt động thực tế phải đạt được các quy định của Tiêu chuẩn môi trường Việt Nam, chi phí vận hành thấp, vận hành phù hợp với điều kiện của nước ta.

Với nguồn kinh phí hạn hẹp nên đề tài chỉ dừng ở việc nghiên cứu thiết kế và chế tạo mô hình lò đốt mà chưa xây dựng được một lò đốt hoàn chỉnh, ứng dụng vào thực tiễn.

GS Phạm Ngọc Đăng muốn kết quả nghiên cứu đó phải được xây dựng trong thực tế sản xuất, giải quyết được vấn đề bức bách nhất của các đô thị lớn là việc tồn đọng chất thải công nghiệp nguy hại nên ông đã liên hệ với Kỹ sư Chử Văn Chừng, khi đó là Tổng Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO Hà Nội) để bàn về việc đầu tư xây dựng lò đốt này tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.

Kỹ sư Chử Văn Chừng đã không ngại rủi ro, rất nhiệt tình ủng hộ, nhanh chóng ký văn bản hợp tác, và đầu tư kinh phí 1,5 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí từ Nhà nước và từ Công ty URENCO Hà Nội, Đề tài đã hoàn thành về lý thuyết và chế tạo, lắp đặt xây dựng lò đốt tại Nam Sơn. Thời gian đó nếu mua lò đốt tương tự của nước ngoài thì rất đắt, ước tính khoảng 10-15 tỷ đồng.

Để sản xuất ra lò đốt hoàn chỉnh này, có bộ phận được chế tạo tại Trung tâm CEETIA, có bộ phận phải đặt chế tạo ở các xưởng cơ khí ngoài trường Đại học Xây dựng như bộ phận điều khiển lò tự động đã được Công ty Tư vấn tự động hóa thiết kế lắp đặt; có bộ phận phải mua ở nước ngoài, như vòi phun dầu được đặt mua từ nước Ý hoặc nước Đức.

Lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại có tên gọi là CEETIA150 [4], được thiết kế, sản xuất dựa trên nguyên lý đốt 2 tầng: buồng sơ cấp đốt chất thải công nghiệp nguy hại biến thành hơi khí, và buồng thứ cấp đốt phần khí thải ra từ buồng sơ cấp với nhiệt độ cao để biến thành khí trơ. Khi đốt chất thải nguy hại thì thông thường sẽ thải ra một số khí rất độc hại.

Đã có nhiều nơi khi mua lò đốt chất thải ở nước ngoài nhưng lại không mua bộ phận xử lý khí thải vì giá thành đắt. Còn với lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại này được thiết kế và chế tạo có hệ thống xử lý khí thải thoát ra hoàn thiện nên đảm bảo an toàn, không gây độc hại cho môi trường.

Nhóm nghiên cứu, chế tạo Lò đốt chất thải còn trực tiếp đào tạo đội ngũ công nhân vận hành lò. Lễ khánh thành và bàn giao lò đốt cho Công ty URENCO được tổ chức rất long trọng, có lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đến dự. Vì đây là lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại đầu tiên do người Việt Nam thiết kế, chế tạo, lắp đặt và vận hành thành công nên nhiều báo chí, đài phát thanh và truyền hình đến dự và đưa tin.

Từ khi Lò đốt được đưa vào hoạt động đến nay, Công ty URENCO Hà Nội đã liên tục nhận xử lý các chất thải công nghiệp nguy hại của nhiều công ty công nghiệp ở Hà Nội và ở một số tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên. Trước kia, một số nhà máy như nhà máy sản xuất ô tô của Nhật Bản tại Việt Nam phải chở rác thải độc hại về nước để xử lý, nhưng từ khi có Lò đốt, họ đã thuê Công ty URENCO Hà Nội xử lý rác thải độc hại.

Đề tài mang lại hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và ứng dụng cao nên năm 2006 Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã cấp cho GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng và các tác giả Bằng độc quyền sáng chế về đề tài “Lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại”. Tấm bằng được GS Phạm Ngọc Đăng trân trọng, cất giữ cẩn thận, năm 2010 ông tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ.

Một vài nét về GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng  
 

Sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống hiếu học của tỉnh Ninh Bình , GS.TSKH.NGND Phạm Ngọc Đăng luôn nỗ lực học tập, rèn luyện, vượt qua gian khổ để trở thành một nhà khoa học đầu ngành, góp phần xây dựng cho quê hương đất nước. Ông là một trong các nhà khoa học đặt nền móng cho sự phát triển của hai bộ môn “Vật lý Kiến trúc - Kiến trúc xanh” và “Môi trường Không khí - quản lý Môi trường Đô thị và Công nghiệp”. Sau gần 60 năm công tác, ông đã cống hiến nhiều công trình khoa học quan trọng về BVMT, xây dựng xanh và phát triển bền vững cho đất nước.

Năm 1959, ông tốt nghiệp Khóa I - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và được giữ lại làm giảng viên của trường. Năm 1966, khoa Xây dựng tách khỏi trường Đại học Bách Khoa Hà Nội để thành lập Trường Đại học Xây dựng, ông chuyển về Trường Đại học Xây dựng và đảm nhận chức vụ Chủ nhiệm bộ môn Vật lý Kiến trúc, kiêm Phó phòng Quản lý Khoa học và Trưởng phòng Thiết kế. Đây là bộ môn khoa học mới, nghiên cứu về cơ sở khoa học của các giải pháp thiết kế kiến trúc - xây dựng để đảm bảo môi trường trong nhà về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, âm thanh, thông gió... đáp ứng nhu cầu đời sống của con người ngày càng được nâng cao. Để chuẩn bị đề cương giảng dạy thử nghiệm cho sinh viên, ông mất nhiều năm đi khắp mọi miền của đất nước để khảo sát chế độ nhiệt ẩm của các tòa nhà ở các vùng khí hậu khác nhau, đồng thời nghiên cứu đưa ra những giải pháp kiến trúc - xây dựng phù hợp. Kết quả nghiên cứu trong thời gian này chính là cơ sở quan trọng để ông hoàn thành đề tài luận án tiến sĩ ở Liên Xô.

Với đề tài “Nghiên cứu chế độ nhiệt ẩm của nhà trong điều kiện khí hậu nhiệt đới của Việt Nam”, năm 1973, ông hoàn thành luận án Phó Tiến sỹ (ở Việt Nam lúc đó gọi là tiến sỹ) tại Trường Đại học Xây dựng Moskva trước thời hạn nửa năm. Năm 1978, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học (TSKH) kỹ thuật. Trong luận án TSKH, với phạm vi khoa học rộng lớn về vấn đề môi trường trong nhà, ông đã nghiên cứu chuyên đề “Phương pháp tính toán lượng nhiệt bức xạ mặt trời chiếu qua cửa sổ có kết cấu che nắng vào nhà”. Kết quả nghiên cứu này đã được chấp nhận đưa vào Tiêu chuẩn thiết kế xây dựng của Liên Bang Nga.

Trở về nước, sau 1 năm ông được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng (từ năm 1979 - 1981), rồi Hiệu trưởng (từ năm 1982 - 1990) Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Được Nhà nước và đồng nghiệp tin tưởng giao phó, ông chủ động đề xuất với cấp trên cho phép dành tối đa 50% quỹ thời gian để làm công tác quản lý, 50% thời gian còn lại cống hiến cho giảng dạy và nghiên cứu phát triển khoa học. Năm 1990, ông được đề cử làm Tổng Thư ký đầu tiên của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước. Tuy bận rộn với công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhưng ông vẫn chú trọng đến việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy, nề nếp làm việc của Hội đồng Giáo sư, tham khảo các tài liệu của nước ngoài để trực tiếp dự thảo các văn bản quy định, tiêu chuẩn và thủ tục xét phong Phó Giáo sư, Giáo sư của Hội đồng. Tính đến nay đã 27 năm, những vấn đề cơ bản về quy chế hoạt động của Hội đồng Giáo sư vẫn được thực hiện cho tới ngày nay.

Từ năm 1993 -  2003, ông là Ủy viên Hội đồng Bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau thời gian đó đến nay, ông là Ủy viên Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Năng lực cạnh tranh. Ông cùng với các thành viên khác trong Hội đồng đảm nhiệm chức năng tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về vấn đề phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trước tình hình hội nhập thế giới.

Không chỉ làm nghiên cứu khoa học, ông còn tích cực tham gia xây dựng các văn bản pháp luật về BVMT của quốc gia, như Luật BVMT (1994, 2005,2014); Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21); Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Chủ trì thực hiện xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm môi trường khu công nghiệp/cụm công nghiệp đến năm 2020; Chiến lược phát triển công nghệ môi trường Việt Nam giai đoạn 2009 - 2015, định hướng đến năm 2020...

Mặt khác, các kết quả nghiên cứu khoa học của ông trong nhiều năm đã được viết và trình bày trong 19 quyển sách khoa học kỹ thuật (được xuất bản chính thức), cùng với khoảng 180 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên môn ở trong nước và ngoài nước. Các sách của ông được dùng làm tài liệu học tập, nghiên cứu cho nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh, các thầy giáo ở nhiều ngành học có liên quan như xây dựng, kiến trúc và môi trường. Cuộc đời của ông luôn luôn gắn bó với sự nghiệp đào tạo đại học và trên đại học và cho đến nay ông đã trực tiếp đào tạo hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp kỹ sư, hàng chục thạc sỹ và hướng dẫn 6 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ.

Để ghi nhận những cống hiến của ông với nền khoa học nước nhà, ông được tặng Bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (năm 1982); Huân chương Lao động hạng Ba (năm 198); Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước (năm 1987); Giải thưởng Môi trường Việt Nam (năm 2004) và nhiều bằng khen của các Bộ: KH&CN, TN&MT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Mặc dù đã  tuổi 83, ông vẫn miệt mài say mê nghiên cứu khoa học. Ông cùng với các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu lập Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược đối với Dự án “Quy hoạch sử dụng Biển và Hải đảo Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” (Bộ TN&MT), để trình Chính phủ và Quốc hội thông qua; “Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích cộng đồng tham gia BVMT” (Tổng cục Môi trường); “Đánh giá thực trạng môi trường vi khí hậu và không khí của các nhà làm việc và đề xuất các biện pháp cải thiện” (Bộ Xây dựng).


PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KHCNMT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Chế tạo lò đốt chất thải công nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.