Thứ tư, 06/11/2024 23:57 (GMT+7)

Chí Linh: Tài nguyên “chảy máu”, UBND “mất bò mới lo làm chuồng'

Văn Bình- Phan Ngân -  Thứ năm, 08/03/2018 11:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đất được khai thác với độ sâu quá mức so phép, lại ngay sát nhà dân, gây nguy hiểm và khiến mạch nước ngầm bị đe dọa nghiêm trọng.

Đất được khai thác với độ sâu quá mức so với giấy phép, lại ngay sát nhà dân, gây nguy hiểm và khiến mạch nước ngầm bị đe dọa nghiêm trọng. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ được phát hiện ra khi chính người dân phải lên tiếng “kêu cứu”.  Đó là thực trạng đang diễn ra tại công trình xây dựng Trạm y tế của phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Người dân “điêu đứng”, nơm nớp trong muôn vàn lo sợ

Để có được những hình ảnh cụ thể và chính xác, ngày 7/3 PV của Môi trường và Đô thị Việt Nam Điện tử đã thâm nhập vào công trường của công trình trạm y tế phường Cộng Hòa. Khi thấy nhóm PV xuất hiện, ngay lập tức có một người đàn ông đi xe máy với vẻ mặt căng thẳng đi theo dò xét, theo dõi hành động của PV.

Nếu đem chiều cao của con người ra làm thước đo thì chắc hẳn sẽ thấy được độ sâu của hố khai thác này!

Được biết, công trình Trạm y tế được UBND phường Cộng Hòa làm chủ đầu tư, do công ty TNHH một thành viên Thái Bình làm chủ thầu xây dựng. 

Khi bắt đầu làm móng, thì công ty phát hiện dưới đất có một khối lượng khoáng sản (đất sét, cát) lớn. Theo Luật, số khoáng sản dưới công trình sẽ được tận thu, tránh lãng phí. Sau đó, công ty được cấp Giấy phép tận thu khoáng sản từ công trình xây dựng trạm y tế này.

Trong giấy phép có ghi rõ: "Cho phép công ty TNHH một thành viên Thái Bình được thu hồi khoáng sản (đất sét, cát) trong quá trình thi công công trình xây dựng Trạm y tế . Với diện tích là 664,48m2, chiều sâu tối đa là 6m so với mặt bằng hiện trạng, thiết bị thu hồi khoáng sản bao gồm 01 máy xúc thủy lực gầu ngược, diện tích gầu 0,8m2, 01 ô tô tự đổ loại 5 tấn, thời gian là 50 ngày, chỉ được thực hiện trong giờ hành chính".

Tuy nhiên, thực tế PV ghi nhận tình trạng công trường đang thi công không hề có biển hiệu, không mốc giới, đất đai bị múc sâu hoắm thành từng hố, đặc biệt còn múc sâu gần nhà dân gây tâm lý hoang mang, lo sợ.

Những chiếc xe "hổ vồ" liên tục ra vào để tiến hành đổ đất, hoàn thổ trả lại mặt bằng sau khi đã tận thu tài nguyên, khoáng sản dưới lòng đất.

Dẫu những chiếc xe cỡ lớn ấy làm việc hết công suất để thực hiện việc hoàn thổ, thì cũng sẽ mất rất nhiều thời gian nữa mới có thể san đầy được các hố sâu do khai thác gây ra.

Trò chuyện với PV, ông Đ.N.S (Bích Động – Tiên Tiến) chia sẻ về nỗi lo sạt lở nhà của của mình: “Chúng tôi làm cả đời mới được cái nhà, nay vì trục lợi cá nhân mà họ đã tiến hành khai thác đất quá sâu như thế này. Nhà cửa, vườn tược của chúng tôi sẽ bị sạt lở bất cứ lúc nào”.

Cũng đồng quan điểm với ông Đ.N.S,  ông N.V.B - một người dân sống ngay cạnh khu công trình thi công nói: “Chúng nó múc sâu quá, bây giờ nguồn nước ngầm cũng bị ảnh hưởng rồi, chúng tôi tha thiết đề nghị cần chấm dứt ngay việc khai thác này”.

UBND phường là chủ đầu tư, nhưng đứng ngoài cuộc

Đem những thắc mắc và nỗi lo sợ của người dân trao đổi với ông Nguyễn Quang Dũng - Phó chủ tịch UBND phường Cộng Hòa, PV đã nhận được những câu trả lời vô cùng bàng quan.

Ông Nguyễn Quang Dũng - Phó chủ tịch UBND phường Cộng Hòa trao đổi với PV

Tại buổi làm việc ông Dũng không ngần ngại cho biết, sự việc chỉ được phát hiện ra khi nhân dân có ý kiến phản ánh lên phường, sau đó UBND phường đã tiến hành kiểm tra, phối hợp và yêu cầu việc dừng khai thác.

Một công trình do UBND phường làm chủ đầu tư, và cũng chỉ cách trụ sở của Uỷ ban phường độ mấy trăm mét, thế nhưng những sai phạm giữa ban ngày lại chỉ được phát hiện khi nhân dân có ý kiến phản ánh. Vậy trách nhiệm của chủ đầu tư là UBND phường với công trình này là như thế nào?

Giải thích về việc những chiếc xe ô tô trọng tải lớn đang hoạt động trong công trường, ông Dũng cho biết việc sử dụng xe ô tô 5 tấn là để thực hiện cho việc khai thác, còn hiện tại những chiếc xe đang hoạt động tại công trường dùng để hoàn thổ và san lấp mặt bằng.

Vậy có lẽ, theo cách lí giải của ông Dũng, thì nên chăng Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nên kí một văn bản khác nữa quy định riêng cho việc san lấp và hoàn thổ mặt bằng sau khi đã tiến hành khai thác, tận thu khoáng sản.

Đáng chú ý khi PV thắc mắc về việc công trình đang thi công lại không có biển báo, hay biển hiệu, cắm mốc giới khai thác…

Vị lãnh đạo phường cũng cho hay: “Đây chỉ là công trình nhỏ, còn việc cắm mốc giới thì cũng có cắm, nhưng do quá trình san lấp nên hiện tại bị sạt lở trôi mất”.

Hiểm họa khôn lường!

Môi trường nơi đây đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và những hậu quả sẽ thật khó lường nếu như tình trạng vẫn tiếp diễn mà không có biện pháp ngăn chặn. Mạch nước ngầm sẽ bị xâm hại, kết cấu đất thay đổi dẫn đến nguy cơ sạt lở vườn tược, nhà cửa của người dân. Xe tải trọng lớn đi lại khiến khói bụi vương vãi gây ô nhiễm không khí và môi trường sống. Đó là những hậu quả "nhãn tiền" mà dự án này gây ra cho nhân dân phường Cộng Hòa.

Nguy hiểm là thế nhưng dự án lại "vắng bóng" của Đề án bảo vệ môi trường. Chủ tịch UBND phường còn khẳng định: “Đến nay UBND phường chỉ nhận được duy nhất một văn bản cho phép tận thu khoáng sản, ngoài ra không có văn bản nào về việc này".

Thậm chí, trong giấy phép có ghi rõ về trách nhiệm của công ty TNHH MTV Thái Bình: "Trước khi thực hiện việc thu hồi khoáng sản phải thông báo bằng văn bản về Sở tài nguyên môi trường, UBND thị xã Chí Linh, UBND phường Cộng Hòa về số lượng phương tiện, thiết bị và kí hiệu phương tiện, thiết bị thực hiện việc thu hồi vận chuyển khoáng sản để kiểm tra thực hiện".

Văn bản của UBND tỉnh Hải Dương về việc thu hồi khoáng sản 

 Nhưng kể cả cho đến nay - khi đã hết 50 ngày được tận thu khoáng sản - thì những ngày vừa qua công trình vẫn thi công mộ cách bình thường, tài nguyên khoáng sản dưới lòng đất vẫn được đào bới lên để trục lợi và bỏ mặc nỗi lo mất đất, mất nhà, của người dân đang sinh sống xung quanh. 

Mất bò mới lo làm chuồng

Trao đổi với PV về phương hướng cũng như những biện pháp khắc phục sắp tới. Ông Dũng cho biết, sau khi có tin báo thì liên tiếp trong hai ngày 05/3 và 06/3, lực lượng Công an phường đã tiến hành kiểm tra, làm việc lấy lời khai với các chủ và công nhân điều khiển thiết bị phương tiện trong công trường.

Đồng thời yêu cầu đình chỉ mọi hoạt động, yêu cầu đánh máy xúc ra khỏi hiện trường. Nhưng cho tới ngày 07/3 khi nhóm PV có mặt tác nghiệp thì tại công trường vẫn còn tồn tại một chiếc máy xúc. Giải thích về việc này vị lãnh đạo phường cho biết chiếc máy xúc là để phục vụ cho việc san lấp hoàn thổ mặt bằng.

Thiết nghĩ, cũng thật khó cho lực lượng Công an phường khi chẳng có một văn bản thông báo cụ thể về số hiệu phương tiện và thiết bị được phép khai thác tại dự án.

Nói thêm về tiến độ của việc tận thu khai thác khoáng sản từ công trình dự án, ông Dũng cho hay: “Từ nay (7/3 – PV)cho đến ngày 20/3 công việc hoàn thổ trả lại mặt bằng sẽ phải kết thúc và chấm dứt hoạt động, còn việc khai thác khoáng sản thì đã chấm dứt rồi, UBND Phường sẽ tiếp tục tăng cường giám sát điều tra".

Xin chính quyền đừng để “chảy máu” tài nguyên, khoáng sản. Có lẽ đã đến lúc cần sự quyết liệt một cách chặt chẽ thực sự của chính quyền cấp trên, và các cơ quan chuyên môn của thị xã Chí Linh cũng như của tỉnh Hải Dương.

Lãnh đạo UBND thị xã Chí Linh, UBND tỉnh Hải Dương, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hải Dương sẽ nói gì và xử lí như thế nào về vụ việc này.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả.

Bạn đang đọc bài viết Chí Linh: Tài nguyên “chảy máu”, UBND “mất bò mới lo làm chuồng'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới