Chỉ số chất lượng không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người
Chúng ta thường nói với nhau: không khí càng ô nhiễm thì càng ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nhưng làm thế nào để xác định được không khí ô nhiễm và ô nhiễm ở mức độ nào? Và những ảnh hưởng cụ thể đến con người khi không khí bị ô nhiễm?
Ở Việt Nam, ô nhiễm không khí đang có tác động lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là ở các thành phố lớn.
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng cứ 10 người thì có 9 người phải hít thở bầu không khí có chứa các chất gây ô nhiễm ở mức cao. Chỉ riêng ô nhiễm không khí ngoài trời được coi là nguyên nhân thứ tư gây ra những ca chết yểu trên toàn thế giới.
Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi. Cả phơi nhiễm ngắn hạn và dài hạn với các chất ô nhiễm không khí đều gây tác động đến sức khỏe. Trẻ em, phụ nữ, phụ nữ mang thai, người già, người có thể trạng yếu, người đang mang bệnh là những người phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ ô nhiễm không khí.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, trên thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí như các bệnh về tim, phổi và đột quỵ. Hàng ngày, có khoảng 93% trẻ em trên thế giới dưới 15 tuổi (tương đương với 1,8 tỷ em) phải hít thở bầu không khí ô nhiễm khiến cho sức khỏe và sự phát triển của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chất ô nhiễm có hại nhất cho sức khỏe – liên quan chặt chẽ với tử vong sớm là hạt mịn PM2.5 thâm nhập sâu vào đường phổi.
Bụi PM2.5 được đánh giá là tác nhân ô nhiễm không khí có ảnh hưởng tiêu cực nhất tới sức khoẻ con người. Vì có kích thước rất nhỏ nên bụi PM2.5 rất nguy hiểm, có khả năng lắng đọng, thẩm thấu và đi sâu vào tận các phế nang trong phổi và vào máu. Mỗi ngày chúng ta hít thở khoảng 10.000 lít không khí hoặc hơn tuỳ vào lứa tuổi và hoạt động thể lực. Do đó nếu nồng độ bụi PM2.5 trong không khí cao thì mức phơi nhiễm hàng ngày là lớn và tăng nguy cơ bị các vấn đề sức khoẻ cấp tính và mãn tính.
Theo thống kê của Tổ chức Thông tin về Chất lượng Không khí Toàn cầu IQAir AirVisual dựa trên mức đo về lượng bụi siêu mịn PM2.5/m3. Việt Nam đứng thứ 17 trong đó riêng Hà Nội và TP.HCM nằm trong top 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Cũng theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất do ô nhiễm không khí
Tại Việt Nam, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Trong cơ cấu bệnh tật, các bệnh về đường hô hấp cũng là 1 trong 5 nhóm bệnh bị mắc phải cao nhất. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016, hơn 60.000 người tử vong do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phổi ở Việt Nam đều có liên quan tới ô nhiễm không khí. Mỗi năm, nước ta ghi nhận hơn 20.000 người mắc bệnh ung thư phổi, khoảng 56 người mắc mỗi ngày, trong đó, có đến 17.000 người đã tử vong. Ước tính đến năm 2020, có tới 34.000 người mắc mỗi năm, mỗi ngày, có thêm 90 người phát hiện mắc bệnh.
1. Chỉ số chất lượng không khí
Chỉ số chất lượng không khí (AQI: Air Quality Index) là thước đo đơn giản hóa mức độ ô nhiễm không khí hiện tại hoặc dự báo mức độ ô nhiễm không khí trong tương lai.
Rủi ro sức khỏe cộng đồng tăng lên khi AQI tăng.
Chỉ số AQI tập trung vào sự ảnh hưởng tới sức khỏe người dân có thể gặp trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau khi hít thở không khí ô nhiễm.
2. Những ảnh hưởng của chất lượng không khí đến sức khỏe con người
Tác động lớn đến hệ hô hấp
Các tác động của ô nhiễm không khí trên đường hô hấp phụ thuộc vào loại và sự pha trộn các chất ô nhiễm với nhau, nồng độ trong không khí, thời lượng tiếp xúc, lượng chất gây ô nhiễm được hít vào và lượng chất gây ô nhiễm thâm nhập vào phổi.
Trong khi PM10 đi vào cơ thể qua đường dẫn khí và tích tụ trên phổi, thì PM2.5 đặc biệt nguy hiểm hơn vì chúng bé đến mức có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu. Bụi PM 2.5 cộng với khí CO hay SO2, NO2 nhiều, sẽ cản hemoglobin kết hợp oxi khiến tế bào thiếu oxi.
Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tác động rõ rệt nhất lên phổi. Các triệu chứng ban đầu và dễ nhìn thấy là viêm đường hô hấp, dị ứng, nặng hơn nữa là hen suyễn.
Tiếp xúc trực tiếp với bụi mịn và các chất ô nhiễm sẽ làm giảm chức năng của phổi, dẫn đến mắc các bệnh phổi mãn tính, lâu dài có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.
Mũi là cửa ngõ của đường hô hấp, nên là cơ quan đầu tiên chịu ảnh hưởng từ việc thay đổi thời tiết hay môi trường, khí hậu. Viêm mũi dị ứng, viêm xoang,… là những bệnh rất thường gặp ở hầu hết các lứa tuổi.
Tác động đến tim
Nhiều nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí có tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch, làm tăng nguy cơ đau tim và tỷ lệ đột quỵ.
Các loại bụi có kích thước nhỏ, các chất hóa học hay chất kháng viêm trong bụi có thể phát tán từ phổi vào hệ tuần hoàn, ảnh hưởng đến tim mạch.
Nguyên nhân khác nữa là không khí ô nhiễm ảnh hưởng đến khả năng giãn nở và co thắt của các mạch máu. Dưới tác động của không khí ô nhiễm, của khói thuốc lá, các mạch máu bị giảm kích cỡ, cản trở lưu thông huyết mạch. Không khí ô nhiễm còn làm tăng nguy cơ tạo cục máu đông ở động mạch - nguyên nhân chính của chứng nhồi máu cơ tim.
Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
Phụ nữ sống trong khu vực ô nhiễm không khí có nguy cơ sinh con tự kỉ cao gấp 2 lần so với bình thường. Mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến thai nhi sẽ càng tăng cao vào giai đoạn cuối của thai kỳ.
Ngoài ra, ô nhiễm không khí cũng được cho là liên quan đến sự giảm chất lượng tinh trùng, gây ảnh hưởng đến khả năng có con của nam giới.
Tổn thương thận
Nguyên nhân là do ô nhiễm không khí tạo gánh nặng khiến thận không thể lọc hết các phân tử ô nhiễm trong máu, nên phát sinh nhiều bệnh lý liên quan đến thận và suy thận.
Và những ảnh hưởng khác
Ngoài những ảnh hưởng nặng nề đến từng chức năng và tế bào trong cơ thể con người thì ô nhiễm môi trường còn có thể gây ra tình trạng loãng xương, lão hóa da hay những hiện tượng đau đầu dễ gặp.
3. Giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí
Mỗi người dân hãy là một thành viên tích cực, có ý thức bảo vệ môi trường: hãy trồng thêm cây xanh, không đốt vàng mã, sử dụng nguyên liệu sạch… Mỗi người có ý thức một chút sẽ góp phần bảo vệ môi trường trong lành cũng là bảo vệ lá phổi của chúng ta.
Ngoài những biện pháp mang tính lâu dài của các nhà chức trách như quy hoạch lại giao thông, xử lý triệt để nguồn ô nhiễm từ các nhà máy, trồng nhiều cây xanh,… thì mỗi một cá nhân, gia đình cần có ý thức tự bảo vệ chính mình:
Không tập thể dục ở nơi nhiều khói bụi
Trồng nhiều cây xanh xung quanh nhà và nơi làm việc
Mùa lạnh, tránh đi bộ ở những nơi nhiều phương tiện và khói bụi
Mùa nóng, hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời hoặc chỉ nên ra ngoài vào buổi sáng lúc mức độ ô nhiếm còn thấp.
Đeo khẩu trang khi ra đường, đeo kính để giảm bớt việc tiếp xúc với khói bụi.
Chọn ô tô hoặc xe, phương tiện công cộng để di chuyển. Bởi ô tô có máy lọc không khí, có thể lọc được phần nào không khí bẩn từ bên ngoài. Việc sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, cũng góp phần giảm bớt lượng khí thải.
Trong nhà hoặc nơi làm việc, nên trang bị máy lọc không khí có chức năng lọc bụi mịn PM2.5