Thứ sáu, 29/03/2024 12:42 (GMT+7)

Chi tiết dự án BT của Phúc Sơn khiến lãnh đạo Khánh Hòa bị kỷ luật

Cẩm Anh (T/H) -  Thứ sáu, 06/09/2019 12:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một trong những vi phạm lớn của Khánh Hòa là các dự án được chỉ định đầu tư và các dự án BT (xây dựng - chuyển giao), đổi nhiều "đất vàng" lấy công trình hạ tầng. Trong đó, có dự án BT của Phúc Sơn.

Hàng loạt lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa phải chịu trách nhiệm

Mới đây, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) trung ương đã vào làm việc tại Khánh Hòa, công bố kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa.

Theo kết luận của UBKT Trung ương thì các vi phạm của Ban thường vụ Tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa đã "gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn tài sản và ngân sách nhà nước".

Về trách nhiệm các cá nhân lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, UBKT Trung ương cho biết, ông Lê Thanh Quang - ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa - chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Tỉnh ủy.

Ông Lê Đức Vinh - phó bí thư Tỉnh ủy, bí thư Ban cán sự Đảng, chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Chiến Thắng - nguyên phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Tỉnh ủy và chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh.

Ông Trần Sơn Hải - nguyên ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, nguyên phó bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh và ông Đào Công Thiên - tỉnh ủy viên, ủy viên Ban cán sự Đảng, phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Tỉnh ủy, của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Dự án của Tập đoàn Phúc Sơn "đóng góp" không ít vi phạm

Một trong những vi phạm lớn của Khánh Hòa là các dự án được chỉ định đầu tư và các dự án BT (xây dựng - chuyển giao), đổi nhiều "đất vàng" lấy công trình hạ tầng nhưng không đấu thầu, đấu giá đất theo quy định pháp luật, gây thất thoát tài sản và ngân sách nhà nước rất lớn.

Được biết, hiện Khánh Hòa có 22 dự án BT, trong đó có 17 dự án đã ký kết hợp đồng với nhà đầu tư và 5 dự án đã được tỉnh phê duyệt nhưng chưa ký hợp đồng thực hiện.

Trong đó phải kể đến việc UBND tỉnh Khánh Hoà giao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện các dự án BT có tổng vốn đầu tư 3.562 tỉ đồng, gồm: Dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang; Dự án Đường vành đai kết nối Nút giao Ngọc Hội và dự án Nút giao Ngọc Hội.

Nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư là các quỹ đất thuộc dự án Trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang (Gọi tắt là dự án Trung tâm Tài chính Nha Trang) phân khu 2A, phân khu 2 và phân khu 3 (trên nền sân bay Nha Trang cũ) có giá trị tiền sử dụng đất tương ứng với chi phí đầu tư các dự án BT.

Cụ thể, từ năm 2016, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định cho thuê đất, giao 62,3 ha đất phân khu 2A, phân khu 2 và phân khu 3 ở Sân bay Nha Trang cũ để Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện dự án theo hình thức chỉ định, không thông qua đấu thầu.

62ha sân bay Nha Trang được tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn để hoàn vốn cho các dự án hạ tầng được ký hợp đồng BT - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN.

Ngay sau khi các hợp đồng BT được ký kết (tháng 11/2017), dự án đối ứng đã được cấp phép xây dựng (tháng 12/2017).

Theo Công văn số 592/BC-PS gửi Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ, Tập đoàn Phúc Sơn cho biết, đã đầu tư tổng cộng 2.364 tỷ đồng, trong đó với 3 dự án BT là 902 tỷ đồng, dự án Trung tâm Tài chính Nha Trang là 1.462 tỷ đồng, gồm chi phí đầu tư xây dựng 1.085,2 tỷ đồng và chi phí nộp tiền sử dụng đất là 376,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế 4 năm qua, dự án sân bay Phan Thiết vẫn “giậm chân tại chỗ” do nhiều vướng mắc, nhất là Chính phủ thay đổi hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng” sang hình thức BOT, tức là phải đấu giá đất để lấy vốn theo Luật đầu tư công. Bộ Quốc phòng cũng đã hối thúc tỉnh Khánh Hoà về bán đấu giá đất sân bay song chưa thực hiện được.

Trong khi phương án bán đấu giá đất sân bay Nha Trang vẫn chưa được Bộ Quốc phòng và tỉnh Khánh Hoà thống nhất, thì Tập đoàn Phúc Sơn lại tỏ ra sốt sắng khi triển khai “thần tốc” làm hạ tầng, phân lô và bán nền của phần đất 20ha đối ứng được giao tại sân bay Nha trang.

Đầu năm 2016, khu vực đất dự án Phúc Sơn bỗng dưng “dậy sóng”, thông tin bán nền đất được rao rầm rộ, thu hút nhà đầu tư đổ xô đến mua bán… Mức giá bán đất giao dịch từ 70-83 triệu đồng/m2, sau đó được đẩy lên tới 100-200 triệu đồng/m2 và sang tay nhiều người.

Hoạt động mua bán đất ồ ạt khiến Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc ký hợp đồng mua bán đất và thu tiền khách hàng, kiến nghị tỉnh Khánh Hoà xử phạt Phúc Sơn là 275 triệu đồng hồi tháng tháng 5/2018.

Dự án BT chậm tiến độ

Đơn cử có thể kể đến dự án Nút giao Ngọc Hội, dự kiến hoàn thành cuối năm nay nhưng hiện mới xong một nhánh rẽ, do không có mặt bằng.

Đây là công trình được UBND Khánh Hòa giao Công ty Cổ phần tập đoàn Phúc Sơn (Công ty Phúc Sơn) thực hiện, hồi năm 2017, với tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng, bằng hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Kinh phí không sử dụng ngân sách nhà nước, mà UBND tỉnh để doanh nghiệp thực hiện, sau đó giao lại một phần đất tại sân bay Nha Trang để hoàn vốn cho công ty.

Một nhánh của nút giao thông hiện vẫn đang dang dở. Ảnh: Xuân Ngọc.

Nút giao thông Ngọc Hội là điểm giao giữa đường sắt với tuyến 23 Tháng 10 tại xã Vĩnh Hiệp, tổng diện tích hơn 5,4 hecta. Dự án được thiết kế với hệ thống cầu vượt bêtông trên không, băng qua đường sắt và cầu vượt cho người đi bộ.

Tổng chiều dài các nhánh 1,66 km. Trong đó, nhánh N1 và N3 nối đường 23 Tháng 10 có bề rộng cầu là 15,5 m; còn nhánh N2, N4 nối đường vành đai rộng 21 m. Phía dưới đường tạo thành vòng xuyến với 4 làn xe cùng nhánh đường dẫn, được thiết kế chạy với tốc độ 50 km/h.

Công trình được kỳ vọng giải tỏa ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm cho đường 23 Tháng 10, 19 Tháng 5, Gò Cây Sung và khu vực có tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua. Ngoài ra, nút giao thông giúp kết nối thị trấn Diên Khánh, giảm tải giao thông cho các khu vực khác.

Theo kế hoạch, dự án hoàn thành vào cuối năm nay, nếu đúng tiến độ bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay công trình mới hoàn thiện 30% khối lượng với 90 cọc khoan nhồi, 12 móng trụ và 10 nhịp dầm tại nhánh N2.

Bạn đang đọc bài viết Chi tiết dự án BT của Phúc Sơn khiến lãnh đạo Khánh Hòa bị kỷ luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới