Thứ sáu, 29/03/2024 05:04 (GMT+7)

Chi viện miền Nam thời kỳ chống Mỹ - Ra đi là không trở về

Văn Bình -  Thứ ba, 30/04/2019 16:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Một trong những nguyên nhân thắng lợi của lực lượng an ninh miền Nam là sự chi viện toàn diện của lực lượng Công an nhân dân, của Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an".

Những câu chuyện về từ ký ức

Những thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 nói riêng và kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung đã làm nên trang sử chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc. Chiến thắng đó là chiến thắng của sức mạnh tổng hợp, sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong đó, có vai trò không nhỏ của lực lượng công an nhân dân, mà nòng cốt có thể kể đến là lực lượng hơn 11 nghìn cán bộ chủ chốt được chi viện cho chiến trường miền Nam.

Các cán bộ công an chi viện miền Nam họp năm 1972 (Thiếu tướng Phan Văn Lai ngoài cùng bên trái ảnh tư liệu).

Nói về sự chi viện cán bộ cho chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng tôi đã có buổi gặp gỡ với Thiếu tướng Công an nhân dân, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Lai - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Chánh Thanh tra Bộ Công an Việt Nam, Chánh Văn phòng Ban An ninh khu Trị Thiên - Huế, nay là Trưởng Ban liên lạc cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nằm khiêm tốn trong một ngõ nhỏ tại Hoàng Cầu, Hà Nội, căn nhà của Thiếu tướng Phan Văn Lai không chỉ là nơi ông sinh sống mà còn chứa đựng một kho tư liệu hiếm có về lịch sử. Năm nay ông tròn 90 tuổi, ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng Thiếu tướng Phan Văn Lai vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn, giọng nói vẫn hào sảng và đầy nhiệt huyết. Ông kể cho chúng tôi nghe tất cả những gì còn nguyên trong dòng ký ức, đó là những câu chuyện về đồng đội, về kháng chiến.

Thiếu tướng Phan Văn Lai trong buổi trò chuyện với PV tại nhà riêng.

Thiếu tướng Phan Văn Lai cho rằng: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an đã sớm có tầm nhìn chiến lược và có quyết sách chi viện toàn diện cho an ninh miền Nam: về đường lối, phương châm, chính sách đấu tranh trấn áp phản cách mạng; cán bộ, nhà trường; thông tin, cơ yếu; phương tiện hoạt động nghiệp vụ; vũ khí đặc chủng; song "chi viện về cán bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong toàn bộ công tác chi viện an ninh miền Nam của lực lượng công an nhân dân" góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng, tăng cường sự lãnh đạo của an ninh các cấp, xây dựng và phát triển lực lượng an ninh tại chỗ, mạng lưới điệp báo; bảo vệ an toàn cơ quan đầu não, căn cứ, hành lang và cán bộ lãnh đạo chủ chốt.

Ở tuổi 90, Thiếu tướng vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn, giọng nói hào sảng, nhiệt huyết.

Vì thế, Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an đã chi viện vào chiến trường miền Nam 11.204 cán bộ công an ưu tú, trong đó có 1 Thứ trưởng, 3 Cục trưởng, 9 Phó Cục trưởng, 25 Trưởng - Phó trưởng ty, 870 Trưởng và Phó Trưởng phòng, huyện, thị... tiêu biểu như các đồng chí: Nguyễn Quang Việt, Bùi Thiện Ngộ, Trần Quốc Hương, Nguyễn Tài, Huỳnh Anh, Thái Doãn Mẫn, Lê Thanh Vân, Nguyễn Sanh Châu, Lê Văn Đại, Nguyễn Đình Bẩy. Vào tới miền Nam, nhiều cán bộ được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo an ninh các cấp.

Nhấp một ngụm trà, ánh mắt Thiếu tướng xa xăm, ông nhớ lại những kỷ niệm với đồng đội và với nhân dân địa phương ngày ấy. "Nghe theo tiếng gọi vì miền Nam thân yêu, với trái tim nhiệt huyết, chúng tôi thanh thản tạm biệt vợ con, cha mẹ, người thân, trong niềm thương nhớ khôn nguôi và hăng hái lên đường vào chiến trường, dẫu biết rằng sẽ đối mặt với muôn vàn gian khổ, sẵn sàng chấp nhận hy sinh và ra đi không hẹn ngày về”. 

Thiếu tướng Phan Văn Lai trong buổi trò chuyện với PV tại nhà riêng.

Ông kể về những ngày tháng thiếu thốn, kham khổ, dai dẳng cùng với củ khoai củ sắn, với các loại rau rừng, măng rừng; ngoài cảnh đói cơm, cán bộ chiến sĩ còn đối mặt với đủ thứ bệnh, nào sốt rét, phù thũng, rồi lại bệnh đường ruột và bại liệt. "Hoàn cảnh lúc ấy có thể nói là bi đát, nhưng mọi người vẫn lạc quan, tin tưởng và sự tất thắng của cách mạng, quyết giành lại sự sống để tiếp tục chiến đấu đến ngày toàn thắng. Không hiểu vì lý do gì mà chúng tôi - những người đã có vợ con - đều hăng hái và sôi sục chẳng kém gì những thanh niên trẻ. Có lẽ đó là tình yêu nước" - thiếu tướng tâm sự.

Hồi tưởng về những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc, Thiếu tướng Phan Văn Lai vẫn không khỏi xúc động trước những người đồng đội đã nêu cao tấm gương bám dân, bám đất, sẵn sàng sống trong cảnh “lấy đất làm giường, lấy hầm làm nhà, đói lòng lấy nước thay cơm” vẫn kiên cường bám trụ trong dân, giữ vững cơ sở, luồn sâu vào vùng địch kiểm soát. Từ đó, củng cố niềm tin trong lòng quần chúng với cách mạng và hạn chế hoạt động chống phá của kẻ thù.

Còn tiếp..

Bạn đang đọc bài viết Chi viện miền Nam thời kỳ chống Mỹ - Ra đi là không trở về. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.