Thứ ba, 23/04/2024 22:26 (GMT+7)

Chiến lược và các vấn đề mấu chốt khi mở cửa nền kinh tế an toàn, hiệu quả

MTĐT -  Thứ sáu, 17/09/2021 11:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 trên thế giới nói chung, tại Việt Nam nói riêng, rất cần những điều kiện và chiến lược để mở cửa nền kinh tế an toàn, hiệu quả.

Mặc dù tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng Việt Nam cũng cần chủ động mở cửa lại nền kinh tế và sẵn sàng chủ động cho tương lai. 

Cùng lắng nghe chia sẻ của những chuyên gia về các điều kiện, chiến lược trong quá trình mở cửa, phục hồi và phát triển nền kinh tế.

PGS.TS Vũ Minh Khương (Đại học Quốc gia Singapore) chia sẻ với báo giới, thế giới đã trải qua đại dịch Covid-19 hơn 20 tháng và đã gây ra những tổn thất to lớn cả về kinh tế và sinh mạng trên quy mô toàn cầu.
Tuy nhiên, cho dù tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường, nhiều nước đang có những nhận thức mới trong chiến lược chống dịch với chủ trương coi Covid là bệnh đặc hữu không thể loại bỏ. 

Sự tàn phá của đợt dịch Covid-19 vừa qua là khá nặng đối với Việt Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Việt Nam thể hiện đã mạnh hơn chứ không yếu đi sau cơn bão này, đặc biệt là về tâm thế và kinh nghiệm chống dịch.
Với con mắt của nhiều nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn vì khả năng trụ vững, kiên cường, và tình người trong khủng hoảng. Điều đáng ngạc nhiên là nhiều nhà đầu tư thấy Việt Nam càng đáng tin cậy khi đất nước này cũng trải qua những tổn thương như nhiều nước.

Với kinh nghiệm đã trải qua và kiến thức từ động thái chống dịch toàn cầu, bên cạnh việc tiêm chủng ở nhịp độ cao nhất có thể, Việt Nam cần chủ động mở cửa lại nền kinh tế và sẵn sàng cho tương lai. Quá trình mở cửa này cần ba điều kiện cơ bản sau:

Thứ nhất, lãnh đạo và người dân thống nhất cao về nhận thức chiến lược và tâm thế trong quyết định quan trọng này. Nhận thức này cần thấy rõ là dịch Covid-19 sẽ không biến đi mà sẽ tồn tại dai dẳng và có thể gây nên những biến thể mới mà hôm nay chúng ta chưa hình dung được. Do vậy, chống dịch Covid không chỉ còn là mục tiêu kép là sinh mạng và sinh kế hiện tại, mà còn là sự sinh tồn của một dân tộc để thích ứng với tương lai.

Thứ hai, cả nước và mỗi địa phương đều có phương án với đồng thuận cao về chống dịch. Trong đó, có một số nội dung cần lưu ý là: các bệnh viện và cá nhân đều có cẩm nang về các giải pháp nhất quán về điều trị F0 và quản lý F1.  
Thứ ba, chuẩn bị tốt để có thể xử lý kịp thời và hiệu quả cho cả ba phương án trong quá trình mở lại nền kinh tế: tiến triển thuận lợi, biến động trong mức độ dự báo, và biến động bất thường. Chúng ta nên sẵn sàng với biến động bất thường ở một vài địa phương. Số ca nhiễm có thể tăng cao trong 1 - 3 tháng như đã thấy ở TP. Hồ Chí Minh trước khi giảm hẳn. 

Hiện nay, cả nước và từng địa phương nên có phân loại rõ mỗi hoạt động kinh tế - xã hội theo hai tiêu chí chính. Tiêu chí thứ nhất là sự thiết yếu cho nền kinh tế và cuộc sống của người dân. Tiêu chí thứ hai là mức độ rủi ro lây nhiễm. Tiêu chí này phục thuộc vào mức độ tiếp xúc và tỷ lệ phủ vaccine.

Trong chiến lược sống chung với dịch trong thời gian tới, các địa phương nên quán triệt ba phương châm: Quả cảm nhưng cẩn trọng; nhất quán nhưng linh hoạt; và khai thác sức mạnh tổng lực của xã hội, đặc biệt là lòng dân và dịch vụ xã hội hóa để vượt qua đại dịch.

tm-img-alt
Các doanh nghiệp tại VN cần có chiến lược và lộ trình phù hợp để vượt qua giai đoạn khó khăn chưa từng có trong lịch sử. Ảnh: Internet

Khôi phục kinh tế là mục tiêu hàng đầu khi TP.HCM xác định sẽ sống chung với COVID-19, ông Phạm Phú Ngọc Trai, chủ tịch GIBC cũng chia sẻ với truyền thông, báo giới về chiến lược và 5 vấn đề mấu chốt tại Diễn đàn “Từng bước mở cửa kinh tế an toàn, hiệu quả”. 

TP Hồ Chí Minh cần cân bằng những tầm nhìn ngắn hạn để sớm ban hành một lộ trình, chiến lược mang tính dài hạn, bền vững hơn trong giai đoạn sống thích ứng với COVID-19.

Rút kinh nghiệm những bất cập từ các chỉ thị của Nhà nước cũng là một trong những điểm mấu chốt để nâng cao năng lực phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Giữa Nhà nước và doanh nghiệp (DN) cần có sự phối hợp để phục hồi, thông qua 5 vấn đề lớn như sau:

Cần có chiến lược vắc xin. Các chuỗi cung ứng cần được "phủ xanh", bên cạnh "phủ xanh" khu dân cư. Phải để DN tiếp cận được vắc xin một cách chủ động hơn, DN sẽ tính toán bộ phận ưu tiên để tiêm mũi 2. Khi đó, DN sẽ đăng ký nhu cầu vắc xin với các đầu mối, tự tổ chức tiêm với các đơn vị dịch vụ. Vắc xin và 5K luôn là điều kiện cần và đủ để vừa phục hồi, vừa chống và sống chung với COVID-19.

Cần quản lý y tế an toàn. Nhà nước chỉ ban hành quy trình, theo dõi và kiểm tra việc tuân thủ. DN đóng vai trò chủ động, có y tế tại chỗ, tự chủ việc sàng lọc, xét nghiệm, chăm sóc F0... Nơi nào DN không thể tự chủ, có thể kết hợp với các dịch vụ y tế tư nhân. 

Quản lý y tế an toàn là của Nhà nước, nhưng tổ chức kinh doanh sản xuất an toàn là của DN. Trong đó, cần lưu ý đến những DN vừa và nhỏ, cần có những điều kiện để DN có sự kết hợp linh hoạt, Nhà nước không thể ôm hết nhưng cũng không thể phó mặc hết cho DN quy mô quá nhỏ.

Việc quản lý lưu thông phải giải quyết được những bất cập vừa qua. Nhà nước cấp mã QR đi lại thông qua "giấy thông hành vắc xin" cho những ai đã tiêm đủ 2 mũi (hoặc 1 mũi có điều kiện kèm theo). Vận tải hàng hóa cũng quản lý bằng mã QR như đã áp dụng. Cần có sự liên thông dữ liệu, DN sẽ khai báo những ai đủ điều kiện, lộ trình di chuyển vào hệ thống nhà nước, việc kiểm tra sẽ dựa trên dữ liệu.

Cần tiếp tục các chính sách an sinh, hỗ trợ người lao động. TP.HCM đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân, song thực tế vẫn có bất cập và khó khăn. Cần có sự hỗ trợ từ ngân sách, quỹ BHXH, công đoàn... chi đến từng DN để chi trả ngay cho người lao động đang sản xuất, người lao động bị ngừng việc.

Cần sự hỗ trợ tài chính DN. Đây là vấn đề mọi DN đều quan tâm. Họ đang khó khăn, cần được miễn giảm các nghĩa vụ thuế, phí; thậm chí Nhà nước cần chi quỹ công đoàn, tạm thời không thu quỹ này và các quỹ khác. Về nguồn tiền, cần cung tiền cho các ngân hàng thương mại khoanh nợ, giảm lãi suất. DN cần chủ động đăng ký giảm nghĩa vụ tài chính, đăng ký giảm lãi suất, đăng ký gia hạn nợ... Đây là phần rất quan trọng để tiếp sức cho DN phục hồi.

Các DN cần đánh giá "sức khỏe" của mình, khi kiến nghị phải dựa trên những kế hoạch cụ thể của từng DN. Qua đợt dịch này, các DN cần nâng cao năng lực quản trị rủi ro, khủng hoảng thay vì đối phó. Các DN FDI đã có những kịch bản rất cụ thể, họ dự đoán từng tình huống để đưa ra những kế hoạch rất bài bản để thích ứng.

Khánh Chi (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Chiến lược và các vấn đề mấu chốt khi mở cửa nền kinh tế an toàn, hiệu quả. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới