Thứ sáu, 29/03/2024 12:26 (GMT+7)

Chính phủ nói gì về việc ĐBQH chê sân bay Long Thành đắt đỏ?

MTĐT -  Chủ nhật, 24/11/2019 10:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chính phủ vừa có giải trình, tiếp thu ý kiến của Quốc hội về Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Trước đó, tại phiên thảo luận ngày 12/11, đa số ý kiến đại biểu tán thành việc tổng mức đầu tư theo Tờ trình của Chính phủ thấp hơn so với khái toán đầu tư tại Nghị quyết 94/2015/QH13.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị làm rõ về việc tổng mức đầu tư đang được tính cho các hạng mục công trình nào, đã đảm bảo công nghệ hiện đại, tính kết nối với các giai đoạn sau chưa?

Đại biểu cũng đề nghị cần cung cấp suất đầu tư của các sân bay có quy mô tương đương để so sánh cho thấy sự hợp lí.

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho biết vốn đầu tư sân bay Long Thành xác định trong báo cáo tiền khả thi là 16 tỉ USD, trong giai đoạn 1 xác định là 4,779 tỉ USD.

Mặt khác, so sánh tổng mức đầu tư 2 công trình sân bay hiện đại nhất thế giới mới vận hành năm 2019 là sân bay Đại Hưng - Bắc Kinh, diện tích 4.700 hecta tương đương với Long Thành, thiết kế 7 đường băng công suất 100 triệu hành khách và 4 triệu tấn hàng hóa, vốn đầu tư chỉ có 11,5 tỉ.

Sân bay Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ thiết kế 4 đường băng, công suất 90 triệu lượt hành khách, vốn đầu tư chỉ có 12 tỉ USD, so với Long Thành chỉ có 2 đường băng, 100 triệu lượt hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa và vốn đầu tư là 16 tỉ USD, Tôi cho rằng cũng rất cần được xem xét, so sánh", đại biểu Thành nói.

Đáng chú ý, nhiều đại biểu cũng đề nghị cung cấp qui mô sử dụng đất của một số sân bay khác trên thế giới để so sánh cho thấy sự hợp lí.

Theo VietnamNet, giải trình vấn đề này, Chính phủ cho biết trong số 16 tỷ USD của Cảng hàng không Long Thành, thì tổng mức đầu tư cho phần xây dựng hạ tầng khoảng 15,05 tỷ USD.

So sánh quốc tế cho thấy với suất đầu tư khoảng 15 tỷ USD/100 triệu hành khách của Cảng hàng không quốc tế Long Thành là tương đương với suất đầu tư các cảng hàng không lớn trên thế giới.

Cụ thể:

Cảng hàng không quốc tế Đại Hưng - Trung Quốc (xây dựng năm 2014 vận hành khai thác từ tháng 9/2019) có tổng mức đầu tư khoảng 11,7 tỷ USD (tại thời điểm hoàn thành), công suất 72 triệu hành khách/năm, tức khoảng 16,26 tỷ USD/100 triệu hành khách.

Cảng hàng không Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ (xây dựng năm 2015 vận hành khai thác năm 2018) có tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD, công suất 90 triệu hành khách/năm, tức khoảng 13,33 tỷ USD/100 triệu hành khách (tính tại thời điểm 2015, do đó tính trượt giá đến thời điểm hiện nay là khoảng 14,59 tỷ USD/100 triệu hành khách).

Còn tổng mức đầu tư (bao gồm cả dự phòng khối lượng và dự phòng trượt giá theo quy định) giai đoạn 1 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành là hơn 4,7 tỷ USD.

So sánh quốc tế, Chính phủ khẳng định: Với suất đầu tư hơn 4,7 tỷ USD/25 triệu hành khách của Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là tương đương với suất đầu tư của các cảng hàng không lớn trên thế giới.

Ví dụ, Dự án sân bay Frankfurt - Đức giai đoạn 3 (khởi công tháng 4/2019) có tổng mức đầu tư khoảng 4,5 tỷ USD cho công suất 21 triệu hành khách/năm, tức khoảng 5,3 tỷ USD/25 triệu hành khách.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Incheon- Hàn Quốc giai đoạn 3 (vận hành khai thác từ tháng 1/2018) có tổng mức đầu tư khoảng 4,3 tỷ USD cho công suất 18 triệu hành khách/năm, tức khoảng 5,9 tỷ USD/25 triệu hành khách.

Chính phủ cho rằng: Sự so sánh này chỉ mang ý nghĩa tham khảo. Do cảng hàng không là một công trình phức hợp, nên sự khác biệt về mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, phạm vi công việc thực hiện, thời điểm đầu tư, công nghệ áp dụng, các chính sách thuế, phí, dự phòng ở các quốc gia khác nhau nên tổng mức đầu tư sẽ khác nhau.

Theo Báo cáo nghiên cứu Tiền khả thi (Pre-FS) đã được Quốc hội thông qua, CHKQT Long Thành có diện tích là 5.000 ha đất, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Có ý kiến cho rằng diện tích này là quá lớn nếu so với các sân bay khác.

Theo Chính phủ, việc chỉ đưa ra một số chỉ tiêu để so sánh về quy mô sử dụng đất của Long Thành với một số cảng hàng không trên thế giới là “chưa hoàn toàn phù hợp” vì chưa đủ các thông tin như: công suất khai thác hàng hóa, các công trình phụ trợ dịch vụ thương mại, hay mức dịch vụ của cảng hàng không...

Theo Chính phủ, trong Tờ trình trước Quốc hội ngày 29/10/2019, việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết, góp phần hình thành và phát triển một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ trong khu vực.

Mục tiêu đầu tư là xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành từng bước đạt cấp 4F, giữ vai trò là Cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng bậc nhất của quốc gia, dự kiến trong tương lai sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Chính phủ nói gì về việc ĐBQH chê sân bay Long Thành đắt đỏ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới