Thứ năm, 28/03/2024 21:01 (GMT+7)

Cho tại ngoại 7 bị can vụ vỡ đường ống nước sông Đà có đúng luật?

MTĐT -  Thứ tư, 24/05/2017 08:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ Công an vừa khởi tố 7 bị can trong vụ án liên quan đến vỡ đường ống nước sông Đà, trong đó có nguyên PCT Hà Nội Phí Thái Bình và cho tại ngoại, luật sư Vũ Thái Hà khẳng định làm vậy là hợp pháp.

Như Dân Việt đã đưa tin, liên quan đến vụ án Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố các ông Phí Thái Bình – nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch Vinaconex, Nguyễn Văn Tuân - nguyên Tổng giám đốc Vinaconex và 5 bị can khác cùng với tội danh vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo lý giải của cơ quan điều tra, cả 7 bị can đều được cho tại ngoại là do tuổi cao, có người bị bệnh nặng, tất cả đều chấp hành đầy đủ các quy định của cơ quan điều tra nên không nhất thiết phải bắt tạm giam.

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Vũ Thái Hà – Giám đốc Công ty Luật TNHH You Me cũng đồng tình rằng việc cho các bị can trong vụ án được tại ngoại là hợp pháp.

Về căn cứ pháp lý, luật sư Thái Hà dẫn chứng, theo Điều 119 của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và cũng có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Luật sư Vũ Thái Hà – Giám đốc Công ty Luật TNHH You Me.

“Nếu bị can không có dấu hiệu bỏ trốn hoặc nhân thân tốt, tuổi cao, sức yếu thì có thể được cho tại ngoại mà không bị bắt tạm giam” – luật sư Hà nói.

Theo vị luật sư này, tùy từng trường hợp, cơ quan điều tra sẽ thực hiện lệnh bắt tạm giam hay cho tại ngoại đối với các bị can.

“Đối với những người có khả năng, có dấu hiệu bỏ trốn, nếu cho tại ngoại sẽ gây khó cho cơ quan điều tra như việc thông cung hay làm các việc khác để thay đổi kết quả điều tra, khi đó cơ quan cảnh sát điều tra sẽ bắt tạm giam” – Giám đốc Công ty Luật TNHH You Me phân tích.

Cũng liên quan đến vụ việc này, thông tin từ Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết, các quyết định khởi tố bị can đã được chuyển đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để phê chuẩn.

Luật sư Hà cho biết, về quy định pháp luật, theo khoản 3 Điều 179, Bộ luật tố tụng hình sự, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định khởi tố và tài liệu liên quan đến việc khởi tố bị can cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn.

Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can hoặc yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu làm căn cứ để quyết định việc phê chuẩn và gửi ngay cho cơ quan điều tra.

“Trường hợp Viện kiểm sát yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu thì trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được chứng cứ, tài liệu bổ sung, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can” – luật sư này nhấn mạnh.

Theo Báo Dân Việt

Bạn đang đọc bài viết Cho tại ngoại 7 bị can vụ vỡ đường ống nước sông Đà có đúng luật?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sớm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Hiện đã có 30 địa phương bắt đầu triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình. Từ nay đến hết năm 2024, yêu cầu bắt buộc các địa phương phải ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có công tác phân loại.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.