Thứ bảy, 20/04/2024 16:17 (GMT+7)

Chọn tăng trưởng xanh cho tương lai đất nước

MTĐT -  Thứ sáu, 27/01/2023 11:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nước ta chịu nhiều tác động bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các yếu tố bên ngoài. Có thể nói, tăng trưởng xanh là lựa chọn tất yếu, con đường đúng đắn để phát triển đất nước bền vững trong tương lai.

Chuyển đổi năng lượng sẽ là thành tố cốt lõi trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và mô hình chuyển đổi xanh
Chuyển đổi năng lượng sẽ là thành tố cốt lõi trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và mô hình chuyển đổi xanh

Dấu ấn chuyển động sau cam kết tại COP26

Trước khi tham gia cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã có những định hướng nhất định trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng kinh tế xanh và tăng trưởng xanh. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt vào ngày 1/10/2021 với nhiều mục tiêu tham vọng. Việc tham gia các cam kết tại Hội nghị COP26 của Việt Nam một lần nữa tái khẳng định quyết tâm và nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân trong thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia tiên phong về tăng trưởng xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Chọn tăng trưởng xanh cho tương lai đất nước ảnh 1
TS. Vũ Thanh Nguyên

Ngay sau Hội nghị COP26, một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đã được Chính phủ vạch ra và trước mắt tập trung vào 8 nhiệm vụ: (i) Chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch; (ii) Giảm phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực; (iii) Giảm phát thải khí metan, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải; (iv) Khuyến khích nghiên cứu, phát triển và sử dụng ô tô điện; (v) Quản lý và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có, đồng thời đẩy mạnh trồng rừng mới để hấp thụ, lưu giữ cacbon; (vi) Nghiên cứu, sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng và phát triển đô thị phù hợp phát triển xanh, bền vững; (vii) Đẩy mạnh, đổi mới công tác truyền thông để toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp thống nhất nhận thức và đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện cam kết tại COP26; (viii) Đẩy mạnh chuyển đổi số, phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiện thực hóa các cam kết tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có bước chuyển mạnh mẽ trong giảm phát thải, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Cụ thể là các chính sách định hướng chuyển đổi dần ngành năng lượng phát triển theo hướng xanh, bền vững trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ. Chính phủ đang hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) nhằm giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than sau năm 2030. Có thể nói, chuyển đổi năng lượng sẽ là thành tố cốt lõi trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và các mô hình chuyển đổi xanh.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp tái sinh nhằm bảo tồn và khôi phục đất nông nghiệp, hệ sinh thái và các tài nguyên quan trọng như: đất đai, đa dạng sinh học và nước, để mang lại lợi ích cho nông dân, môi trường và xã hội nói chung. Hướng phát triển này được cụ thể hóa bằng Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Tiếp đó là kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai xây dựng.

Đối với lĩnh vực xây dựng, Chính phủ đã ban hành cơ chế khuyến khích phát triển khu đô thị xanh, phát thải các-bon thấp, thúc đẩy sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh. Theo kế hoạch, đến năm 2025, Việt Nam sẽ hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận công trình xanh, công trình phát thải các-bon thấp, khu đô thị xanh, khu đô thị phát thải các-bon thấp. Phấn đấu đến 2030, có ít nhất 25% khu đô thị mới áp dụng tiêu chí khu đô thị xanh, phát thải các-bon thấp.

Về lĩnh vực đầu tư, Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án thân thiện môi trường, sử dụng công nghệ xanh, sạch. Khai thác tối đa mọi nguồn lực tài chính, nhất là nguồn tài chính xanh từ khu vực tư nhân tài trợ dự án đầu tư xanh. Theo Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD để theo đuổi được lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng 0.

Thách thức trong thực hiện cam kết COP26

Là một nước đang phát triển, Việt Nam có những khó khăn nhất định để thực hiện tăng trưởng xanh, nhất là nguồn lực tài chính cho đầu tư ban đầu tương đối lớn. Bên cạnh đó, trình độ khoa học, công nghệ của nước ta còn ở mức thấp, trong khi tăng trưởng xanh đòi hỏi phải song hành với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là thực hiện chuyển đổi số nền kinh tế. Chất lượng nguồn nhân lực cũng là một vấn đề cần sớm giải quyết.

Theo nhiều dự báo, biến đổi khí hậu tiếp tục là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. Việc hiện thực hóa các cam kết tại Hội nghị COP26 phù hợp với chương trình cơ cấu lại nền kinh tế và xu thế toàn cầu về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số là con đường đúng đắn của Việt Nam.

Theo đó, để đạt được hiệu quả cao nhất trong thực hiện cam kết COP26, trước hết cần nâng cao nhận thức toàn dân về tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh kế. Cần thực hiện giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hoạt động xanh hóa môi trường, khuyến khích cộng đồng tiêu dùng xanh, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm chất lượng, theo mô hình sản xuất bền vững, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực bảo đảm tính bền vững của nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh. Tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ ứng dụng và học tập kinh nghiệm trong đào tạo nguồn nhân lực vận hành công nghệ mới bảo vệ môi trường.

Tháng 1/2022, Thủ tướng ký Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg yêu cầu gần 2.000 doanh nghiệp tại hầu hết các tỉnh, thành thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Tháng 7/2022, trên cơ sở dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh… Như vậy, việc kích hoạt những bước đầu tiên trong hiện thực hóa cam kết COP26 của Chính phủ thể hiện quyết tâm, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị chung tay phát triển bền vững đất nước, vì một tương lai tốt đẹp cho dân tộc và thế hệ mai sau.

Bạn đang đọc bài viết Chọn tăng trưởng xanh cho tương lai đất nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo TS. Vũ Thanh Nguyên/Báo đấu thầu

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ